U22 Việt Nam: Bài học không thuộc

Việc mạo hiểm một cách cố chấp với các tài năng trẻ vốn là một câu chuyện buồn của bóng đá Việt Nam, đồng thời đã từng có một bài học lớn đến từ lứa cầu thủ SEA Games 2003.

Cái tin tiền vệ Tuấn Anh dính chấn thương trong buổi tập gần đây của đội tuyển U.22 khiến anh đối diện với nguy cơ ngồi ngoài tại vòng loại U.23 châu Á sắp khai diễn, không làm nhiều người bất ngờ. Tiền vệ người Thái Bình này vốn có tiền sử chấn thương, mới nhất là hơn 6 tháng nghỉ thi đấu để hồi phục ca mổ cuối năm trước.

Tuấn Anh (trái) trong màu áo U22 Việt Nam.

Thêm một lần nữa trong sự nghiệp thi đấu quốc tế của mình, Tuấn Anh chấn thương ngay trước thềm giải đấu lớn. Suốt từ năm 2015 tới nay, Tuấn Anh chưa dự trọn vẹn một giải đấu chính thức nào cùng U.23 và tuyển quốc gia Việt Nam. Anh phải ở nhà ngay trước thềm SEA Games 2015, không hồi phục kịp tại AFF Cup 2016. Tuấn Anh khiến người ta nhớ đến trường hợp của Nguyễn Hữu Thắng cách đây hơn 10 năm. Đó cũng là một tài năng trẻ, đá cùng vị trí tiền vệ trung tâm nhưng chấn thương triền miên đã khiến phần lớn sự nghiệp chìm trong sự vô danh sau lần xuất hiện duy nhất ở SEA Games 2003.

Điều đáng nói ở đây là việc Tuấn Anh được triệu tập lên tuyển U.22 dù 8 tháng gần nhất anh không hề thi đấu đỉnh cao vì phải vật lộn với chấn thương. Trong khi đó, từ trước đến nay, vị trí thi đấu của Tuấn Anh chưa bao giờ thiếu người. Bóng đá Việt Nam có thể khan hiếm tiền đạo, tiền vệ tổ chức hay trung vệ, nhưng luôn có những tiền vệ trung tâm rất giỏi trong mọi thời điểm. Chính vì vậy, việc mạo hiểm với chấn thương của Tuấn Anh không nên xảy ra, đó là chưa nói đến vai trò của tiền vệ này ở đội U.22 hiện nay không đến mức quan trọng như các đồng đội cùng lứa U.19 là Xuân Trường hay Công Phượng.

Việc mạo hiểm một cách cố chấp với các tài năng trẻ vốn là một câu chuyện buồn của bóng đá Việt Nam, đồng thời đã từng có một bài học lớn đến từ lứa cầu thủ SEA Games 2003. Thời điểm đó cũng đã xảy ra tình trạng sử dụng một nhóm cầu thủ trẻ cho 2 đội tuyển dẫn đến tình trạng các cầu thủ mới 21 - 23 tuổi phải chơi bóng liên tục từ năm này qua năm khác. Hậu quả là đa số những cầu thủ của thế hệ đó đều không chơi bóng đỉnh cao quá tuổi 30, kể cả những người biết cách giữ gìn sức khỏe như Công Vinh, Tài Em.

Nhóm cầu thủ của lứa U.19 năm 2014 như Tuấn Anh, Công Phượng… đang đi đúng vào vết xe đổ 10 năm trước. Theo thống kê, từ tháng 10-2016 đến nay, 2/3 cầu thủ của đội U.22 đã chơi từ 30 - 35 trận trong các màu áo. Còn nếu tính từ năm 2014 đến nay, trung bình các cầu thủ của đội U.19 ngày đó phải chơi 40 trận/mùa. Con số này không lớn nếu so với cầu thủ châu Âu nhưng lại cao gần gấp đôi so với cầu thủ Việt Nam khác. Trong khi đó, yếu tố hình thể và sức bền luôn là điểm yếu của cầu thủ Việt.

Rõ ràng, một cầu thủ mới 22 như Tuấn Anh mà phải nghỉ thi đấu thường xuyên, lại phải mổ chân khá sớm, thì khó có thể phát triển sự nghiệp lâu dài, nếu không có những biện pháp bảo vệ đến từ những người có kinh nghiệm đi trước. Đành rằng, Tuấn Anh là một trong những “át chủ bài” của đội U.22 nhưng chẳng có gì bảo đảm sự có mặt của Tuấn Anh sẽ giúp cho đội tuyển U.22 thành công ở SEA Games sắp đến. Ngược lại, nếu cứ phải nỗ lực tập luyện mà không kinh qua thi đấu, gặp chấn thương nặng một lần nữa, có thể khiến tài năng trẻ này đánh mất tất cả.

Thực tế cho thấy, nhóm cầu thủ U.19 của 3 năm trước đều đã có dấu hiệu chững lại về tài năng. Đó là lời cảnh báo không thể bỏ qua khi mà bài học của hơn 10 năm trước vẫn chưa thuộc.

Theo SGGP

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/tuyen-quoc-gia/u22-viet-nam-bai-hoc-khong-thuoc-292-248815.html