Úc kiện Trung Quốc vì phá san hô, đòi 90 triệu USD

Chính phủ Australia đang tiến hành kiện tàu chở than của Trung Quốc đòi bồi thường 90 triệu USD vì phá hủy san hô.

Vỉa san hô ngầm lớn nhất thế giới Great Barrier Reef của Úc đã bị các tàu chở than của Trung Quốc phá hủy một phần buộc Chính phủ Australia đòi bồi thường 90 triệu USD.

Hôm 6/9, hồ sơ khởi kiện này đã chính thức được gửi lên Tòa án Liên bang Australia đối với công ty Vận tải Năng lượng Shenzhen của Trung Quốc.

Các tàu chở than của có công ty này đã có hành vi phá hủy bãi cạn Douglas và làm ô nhiễm vùng biển xung quanh khu vực này.

Australia kiện tàu Trung Quốc đòi 90 triệu USD vì phá hủy vỉa san hô. Ảnh: Getty Images

Trước đó hồi tháng 4/2010, tàu chở than Shen Neng 1 của Trung Quốc bị mắc cạn gần bờ biển bang Queensland của Australia, gây ra sự cố tràn dầu trên diện rộng khoảng 40ha, đe dọa môi trường biển khu vực vỉa san hô Great Barrier Reef.

Khu vực xảy ra sự cố đã bị ô nhiễm nghiêm trọng với hàng trăm kilogram sơn chứa chất độc, chất chống gỉ và chất diệt vi sinh vật (Tributyltin). Đây là một chất làm chậm quá trình sinh trưởng của hệ sinh thái biển.

Trong khi đó, chủ sở hữu của tàu Shen Neng 1 cho rằng vỉa san hô có thể tự hồi phục mà không cần sự can thiệp của con người và họ sẽ không bồi thường cho các hoạt động làm sạch không cần thiết. Công ty này cũng bày tỏ hoài nghi đối với phương pháp kiểm tra, đánh giá mức độ Tributyltin trong nước biển mà Australia tiến hành.

Bên cạnh đó, Công ty Vận tải Năng lượng Shenzhen cũng cho rằng con số thiệt hại mà chính phủ Australia là phi thực tế.

Great Barrier Reef là nơi có hệ sinh thái rất phong phú, đa dạng. Ảnh: BBC

Vụ việc Australia kiện các công ty Trung Quốc được đưa ra khi rất nhiều vụ làm ăn của Trung Quốc đang dần đổ bể ở Úc.

Quốc gia này một mặt chú ý tới việc Trung Quốc tiến hành sâu rộng và áp đảo trên biển cũng như đầu tư nhiều dự án lớn tỉ USD vào Úc. Australia đang kiềm tỏa mọi lĩnh vực có liên quan tới yếu tố Bắc Kinh.

Dữ liệu đăng ký đất nông nghiệp vừa được Úc công bố cho thấy nhà đầu tư Trung Quốc giữ một phần trong gần 15% diện tích đất nông nghiệp thuộc sở hữu nước ngoài tại Úc.

Theo Reuters, thực tế này xóa đi phần nào nỗi lo của dân Úc rằng đầu tư của Trung Quốc vào vùng nông thôn có thể đe dọa an ninh lương thực.

Hồi tháng 4/2016, chính quyền Canberra từng ngăn chặn thương vụ chuyển nhượng S. Kidman Co - công ty chăn nuôi sở hữu diện tích đất nông nghiệp lớn nhất Úc- cho nhà đầu tư Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.

Mới đây nhất là dự án lưới điện Ausgrid của Úc được hai nhà đầu tư Trung Quốc và Hồng Kông đầu tư có trị giá lớn nhất nước lên tới 7,57 tỉ USD.

Theo Bộ trưởng Tài chính Úc Scott Morrison, Tập đoàn State Grid của Trung Quốc và Tập đoàn Cheung Kong Infrastructure (CKI) của Hong Kong sẽ không được tham gia mua lưới điện Ausgrid lớn nhất của nước Úc vì lý do an ninh.

Cựu Giám đốc George Maltabarow của Ausgrid cho rằng hạ tầng mạng lưới điện thông minh và rủi ro đối với hệ thống điều hành kỹ thuật số của mạng lưới là điều khiến chính quyền Úc lo lắng.

Việc tư nhân hóa mạng lưới điện Ausgrid là kế hoạch quan trọng của bang New South Wales nhằm tạo nguồn vốn cho các dự án hạ tầng địa phương. Nhà thầu chiến thắng sẽ được thuê 50,4% mạng lưới Ausgrid trong 99 năm.

Video: Các rạn san hô Great Barrier, Úc đang bị "tẩy màu"

Quế Chi (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/uc-kien-trung-quoc-vi-pha-san-ho-doi-90-trieu-usd-3318241/