Ukraina đem gì ra đối đầu với Nga?

Chính phủ tạm quyền Ukraina đã lệnh tổng động viên 130.000 lính để đối phó với Nga nếu căng thẳng trên bán đảo Crưm bị đẩy lên thành một cuộc xung đột vũ trang toàn diện.

Chính phủ tạm quyền Ukraina đã lệnh tổng động viên 130.000 lính để đối phó với Nga nếu căng thẳng trên bán đảo Crưm bị đẩy lên thành một cuộc xung đột vũ trang toàn diện.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, vấn đề chính với các nhà lãnh đạo Kiev là trong khi quân đội Ukraina trở nên mạnh hơn so với năm 2008 khi xảy ra cuộc chiến Nga - Grudia, thì họ vẫn là một đội quân thiếu ngân sách, thiếu quân số và trang bị lạc hậu.

Các binh sĩ bảo vệ đoàn xe quân sự của Nga tại thị trấn Balaclava, cửa khẩu biên giới giữa Nga và Ukraina. Ảnh: Reuters

Căng thẳng âm ỉ khi Nga và Ukraina khẩu chiến với nhau về mục tiêu của hai bên. Ukraina cáo buộc lực lượng Nga chiếm giữ hoặc bao vậy các căn cứ quân sự Ukraina ở Crưm, ra tối hậu thư đòi các nhà lãnh đạo mới phải rút quân hoặc chứng kiến các căn cứ tại Crưm bị tập kích. Moscow đáp trả là không hề có những yêu cầu như vậy.
Cho dù thế nào thì Ukraina đang gặp rất nhiều rắc rối nếu Nga leo thang trong nỗ lực sử dụng quân sự tại Crưm. Quân đội Ukraina đã giảm mạnh kể từ năm 1991 khi chiến tranh Lạnh kết thúc. Thời điểm đó, có khoảng 700.000 binh sĩ tại ngũ, còn hiện tại, con số này là gần 130.000 người (theo cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraina Steven Pifer). Ukraina không có nhiều nỗ lực nâng cấp trang thiết bị quân sự cũng như vũ khí kể từ đó. Vì thế, nếu đối mặt với sức mạnh Nga, họ tụt hậu khoảng một thế hệ.
Quân đội Ukraina có thể giữ lại các trang thiết bị tốt nhất khi tinh giản lực lượng nhưng do khó khăn về ngân sách trong suốt 20 năm qua mà họ tụt hậu, Pifer - hiện là nhà nghiên cứu cấp cao Viện Brookings nói. “Họ đã mua một số hệ thống mới, nhưng có lẽ phần lớn vẫn là những gì còn lại trong năm 1991”.
Thực trạng quân sự của Ukraina trở thành vấn đề ngày càng quan trọng kể từ sau khi Nga kiểm soát Crưm cuối tuần trước. Các quan chức Mỹ, Ukraina và các quốc gia đồng minh khác chỉ trích động thái này là vi phạm chủ quyền của Ukraina trong khi Nga khẳng định đó là điều cần thiết để bảo vệ công dân Ukraina nói tiếng Nga tại Crưm.
Tương quan lực lượng
Về Hải quân, Ukraina có khoảng 22 tàu các loại bao gồm 5 tàu tuần dương tên lửa (theo Tuần báo quốc phòng Jane). Họ có ít nhất một tàu tuần dương mang tên Ukraina, đang trong quá trình chế tạo nhưng bị trì hoãn vài năm trước. Trong khi đó, quan chức Ukraina nói rằng Nga đang chặn hai tàu quân sự của họ cập cảng hôm thứ Hai. Đối lập với Ukraina, Nga có hàng chục tàu hiện diện chỉ riêng ở quân cảng Sevastopol của Crưm.
Theo tờ Daily Mail, Ukraina còn có khoảng 1.100 xe tăng nhưng hàng trăm chiếc giờ đây đã rỉ sét trong một “nghĩa địa xe tăng” ở thị trấn Kharkiv cách biên giới Nga hơn 30km. Tốt nhất trong số này là T-84, phiên bản nâng cấp xe tăng T-80 thời Liên Xô còn khoảng hơn chục chiếc.
Ukraina có 200 máy bay chiến đấu gồm một phi đội SU-27 do Nga chế tạo đóng ở Crưm. Phi đội chiến đấu của Nga lớn hơn nhiều và đang không ngừng mở rộng với các máy bay chiến đấu mới SU-30SM. Theo trang Flightglobal, về tổng thể, Nga được tin là có khoảng 1.400 chiến đấu cơ.
Kể từ sau chiến tranh Lạnh, Mỹ và một số đồng minh đã thường xuyên làm việc với quân đội Ukraina, chủ yếu là xây dựng quan hệ khi các nhà lãnh đạo quyết định hợp tác với nhau tham gia một số sứ mệnh. Nhưng F. Stephen Larrabee, một chuyên gia an ninh châu Âu cho rằng, phần lớn về sau đều hướng tới hiện đại hóa tổ chức quân sự Ukraina. Nước này quyết định từ bỏ chính sách nghĩa vụ quân sự bấy lâu; tổ chức quân đội chiến đấu theo quy mô lữ đoàn thay vì đơn vị lớn hơn nên khó có thể phản ứng nhanh chóng.
"Họ không được trang bị cần thiết để ngăn chặn một cuộc can thiệp của lực lượng Nga”, Larrabee, người giúp việc tại Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng thời chiến tranh Lạnh nói. "Những gì Mỹ đã tập trung là cố gắng để họ tương thích nhiều hơn với lực lượng NATO”.
Còn Pifer nhấn mạnh, vấn đề ngân sách quân sự của Ukraina cũng cản trở Mỹ trong việc bán trang thiết bị và vũ khí. Mỹ từng cung cấp thiết bị thông tin cho Ukraina trong vòng một thập niên qua khi họ triển khai lực lượng cùng Mỹ ở Iraq nhưng không hề có một chương trình mua bán vũ khí quân sự nước ngoài nào quy mô lớn với Kiev như trực thăng hay máy bay tấn công.
Trong khi đó, Ukraina tiếp tục chế tạo xe tăng và xuất khẩu sang nước khác. Ví dụ, nhà xuất khẩu vũ khí của nước này là Ukrspecexport đã có hợp đồng trị giá 100 triệu USD với chính phủ Ethiopia năm ngoái khi bán 200 xe tăng. Nếu căng thẳng với Nga lên đỉnh điểm, Kiew có thể mong muốn sẽ giữ lại được số này.
Thái An(theo foreignpolicy)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/164051/ukraina-dem-gi-ra-doi-dau-voi-nga-.html