Ukraina: Một câu chuyện, ba góc nhìn

Căng thẳng quân sự tại Ukraina đang trở thành điểm nóng, thu hút sự chú ý của toàn dư luận thế giới; song, mỗi câu hỏi về các sự kiện diễn ra tại Ukraina đều được các đại diện của Nga, Ukraina và Mỹ diễn giải dưới góc nhìn rất khác nhau.

Căng thẳng Ukraina được diễn giải khác nhau từ góc nhìn của (trái qua phải) Tổng thống Mỹ, Đặc sứ Ukraina tại LHQ và Tổng thống Nga Putin.

Dòng sự kiện Căng thẳng Ukraina

1. Ai là người cầm quyền tại Ukraina?

Quan điểm Nga: Ông Viktor Yanukovych vẫn là tổng thống được người dân bầu một cách hợp pháp. Chính quyền mới của Ukraina - vì vậy, không hợp hiến. Đặc sứ Nga tại Liên Hợp Quốc - ông Vitaly Churkin - mô tả làn sóng biểu tình lật đổ Chính phủ Ukraina là “vụ bạo loạn có vũ trang của những phần tử cực đoan”.

Quan điểm Ukraina: Ukraina có một chính phủ hợp hiến và sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 25.5 tới. “Hãy trao cơ hội để cuộc bầu cử được diễn ra suôn sẻ” - Đại sứ Ukraina tại Liên Hợp Quốc Yuriy Sergeyev nói.

Quan điểm Mỹ: Ông Yanukovych đã từ bỏ cương vị của mình, chạy trốn khỏi đất nước và vì vậy đã bị quốc hội được bầu lên một cách dân chủ của Ukraina bỏ phiếu miễn nhiệm.

2. Có bao nhiêu quân Nga đang đồn trú trong Ukraina?

Quan điểm Nga: Chưa từng công bố số lượng binh sĩ được cử đến Ukraina.

Quan điểm Ukraina: Nga đã đưa tàu chiến, máy bay trực thăng, máy bay vận tải quân sự để điều động 16.000 binh sĩ đến bán đảo Crimea kể từ ngày 24.2 - Đặc sứ Ukraina Sergeyev công bố trước Liên Hợp Quốc ngày 3.3.

Quan điểm Mỹ: Lực lượng quân đội Nga đã “hoàn tất chiến dịch kiểm soát bán đảo Crimea”, với ước tính khoảng 6.000 quân thủy và quân bộ tại khu vực.

3. Liệu quân đội Nga có quyền hiện diện tại đảo Crimea?

Quan điểm Nga: Có. Một hiệp ước giữa hai quốc gia cho phép Nga được đưa 25.000 quân đến Crimea - đặc sứ Nga nói, đồng thời cho biết Tổng thống bị lật đổ Yanukovych đã khẩn cầu Nga đưa lực lượng quân đội vào Ukraina.

Quan điểm Ukraina: Không. Việc Nga đưa quân đội đến khu vực Crimea và gần biên giới với Ukraina là “hành động gây hấn”.

Quan điểm Mỹ: Không, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chơi một “ván bài nguy hiểm”. Hậu quả của hành động quân sự này “có thể hết sức thảm khốc” - Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power tuyên bố.

4. Vì sao căng thẳng quân sự Ukraina nổ ra vào lúc này?

Quan điểm Nga: Quốc hội Nga đã thông qua đề xuất của Tổng thống Putin được sử dụng quân đội để bảo vệ các công dân Nga tại bán đảo Crimea.

Quan điểm Ukraina: Không có bằng chứng nào cho thấy bất cứ sự đe dọa nào với người Nga sống tại Ukraina. Nga muốn “thôn tính” Crimea.

Quan điểm Mỹ: Nga đang hành động vì những nhạy cảm lịch sử đối với Ukraina, bán đảo Crimea và nhằm giữ sự ảnh hưởng của Nga tại đây - một quan chức Nhà Trắng cao cấp bình luận. Nga lo ngại rằng Ukraina đang bị rơi vào ảnh hưởng của Châu Âu và phương Tây.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/ukraina-mot-cau-chuyen-ba-goc-nhin-184148.bld