Ukraina: Quá mù ra mưa

Nếu trong hồi một có khẩu súng treo trên tường thì đến cuối vở kịch thể nào cũng có cảnh súng nổ và máu chảy. Quy luật này trong sáng tác kịch bản sân khấu đã trở thành hiện thực ở Ukraina. Hàng trăm mạng người ra đi ở thủ đô Kiev trong những ngày vừa qua cho thấy, mâu thuẫn nội bộ của các thế lực chính trị thù địch nhau ở nước cộng hòa này đã trở thành tấn bi kịch của không chỉ riêng cộng đồng các sắc tộc đang cư trú tại Ukraina mà có thể sẽ tạo nên những âm vọng đẫm máu sang không gian xung quanh.

“Đã hơn hai tháng nay Ukraina ở trong tình trạng khủng hoảng xã hội chính trị sâu sắc và gay cấn. Chúng tôi đang chao đảo bên lề một cuộc chiến không khoan nhượng của tất cả chống lại tất cả mà trong đó sẽ không thể có được chiến thắng và người chiến thắng. Đó rốt cuộc là hậu quả từ cuộc chiến giành giật quyền lực và gia sản của những băng nhóm đại gia Ukraina, tuần tự phá hủy đất nước trong những năm gần đây...”. Đó là lời tâm sự đắng chát như ngải cứu của ông Piotr Simonenko, Bí thư thứ nhất đảng Cộng sản Ukraina, thủ lĩnh nhóm nghị sĩ cộng sản trong Rada (Quốc hội) Ukraina.

Ukraina đang đứng bên bờ vực nội chiến. Bất luận tình hình ở Kiev diễn ra như thế nào nhưng những cái chết oan uổng và đầy uất hận ở đây trong những ngày qua cho thấy, khó có gì có thể hàn gắn lại vết thương phân chia sự đoàn kết thống nhất của người Ukraina như trong những ngày qua. Máu người không phải là nước lã và cái chết của cả trăm nghìn người trên quảng trường Độc lập ở Kiev càng khoét sâu thêm khoảng cách phân ly trong các cộng đồng cư dân Ukraina.

Đất nước đang chia rẽ theo những cảm tính, giữa các cảm xúc truyền thống thuần Nga với những khát vọng phương Tây hóa, chỉ cần nhờ một sự sáp nhập trừu tượng nào đó là đã có thể cực phẩm hoàn đồng. Thực tế rõ ràng không phải là như thế...

Đã không chỉ từ một tháng nay diễn ra chiến dịch chống lại những quyền lợi chân chính của dân tộc Ukraina từ phía các thế lực quốc tế và một bộ phận không nhỏ giới tài phiệt Ukraina. Những mâu thuẫn chính trị và quyền lợi đã khiến cho không ít những nhà tài phiệt Ukraina trở nên thù địch với chính quyền đương nhiệm ở Kiev mà đại diện hàng đầu là Tổng thống Viktor Yanukovych. Có lẽ chưa bao giờ tư tưởng ghen ăn tức ở và bài xích đẳng cấp lại được thổi phồng lên như thế ở Ukraina. Những nguồn tư bản khổng lồ đã bơm thêm sức mạnh cho các phe nhóm cực đoan và phát xít mới. Những khao khát dân chủ của không ít tầng lớp quần chúng Ukraina đã bị bóp méo thành những thù hận vô cớ và vô độ trên đường phố Kiev và nhiều trung tâm đô thị lớn ở Ukraina... Chính vì thế nên những nỗ lực tập trung dân ý để tìm kiếm phương án phát triển khả dĩ hữu lý ở nước cộng hòa này đã trở thành công dã tràng. Rốt cuộc là những băng nhóm tài phiệt thù địch lẫn nhau đã xoay vần được những năng lượng bất mãn của quần chúng ở Ukraina dồn lại thành dòng thác lũ tới đâu phá nấy dù không hề rõ đích tới cuối cùng. Ở thời điểm hiện nay có thể nói rằng, đứng trước nguy cơ sập bẫy không chỉ là sự ổn định của nền kinh tế quốc gia và bầu không khí hòa bình mà ngay cả độc lập chủ quyền của Ukraina nữa. Chưa bao giờ trong lịch sự hiện đại của mình, quê hương của Taras Bulba lại bị dồn vào cảnh huống con tin của những tham vọng ngoại bang rõ rệt và trầm trọng như hiện nay.

Đâu là lý do đích thực dẫn tới cảnh “dân nổi can qua” như hiện nay ở Ukraina? Những người cộng sản Ukraina cho rằng, sau sự sụp đổ và tan rã của Liên bang Xôviết cũ, thử nghiệm trò chơi mới của các thế lực tư bản chủ nghĩa ở Ukraina đã bị phá sản. Đã không có gì tốt đẹp hơn đối với những người lao động xuất hiện ở Ukraina. Trái lại, thay vào đó là sự lộng hành vô độ của tư bản lớn theo định hướng bán nhà ra hải ngoại. Nền chính trị quốc gia bị biến tấu theo nhịp điệu của những tập đoàn tư bản mại quyền trong những xâu xé tài nguyên và ngân sách nhà nước. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính chung đã làm nảy sinh tình trạng đình trệ miên man của các cơ sở sản xuất lớn trong ngành chế tạo máy, chế biến kim loại, hóa học, công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến thực phẩm... Người lao động trong nhiều ngành nghề bị dồn vào cảnh bĩ cực... Những nỗ lực nào đó có thể có được trong cải cách giáo dục và bảo vệ sức khỏe nhân dân không những không mang lại những hiệu quả tích cực mà chỉ tạo nên những kẽ hở cho các thế lực hắc ám trục lợi... Thêm vào đó, nạn tham nhũng tổng thể ngày một dồn xã hội Ukraina vào những tấn bi kịch đầy công phẫn...

Trong bối cảnh éo le đó, những lực lượng ngự trên thượng đỉnh quyền lực ở Ukraina bắt buộc phải tìm những sự hà hơi từ bên ngoài. Và từ đó lại càng làm nảy sinh thêm những nguy cơ đe dọa độc lập chủ quyền của nước cộng hòa này. Trong lúc nhiều mặt đời sống kinh tế xã hội văn hóa ở Ukraina do những lý do lịch sử truyền thống từ lâu đã gắn bó máu thịt với Moskva, để tìm kiếm thêm những nguồn lực vật chất, một bộ phận tài phiệt kinh tế và chính trị ở đây đã dồn sức cho những canh bạc phương Tây nhằm thiết lập các mối quan hệ mới với châu Âu trong những khát khao có lẽ là vô vọng cho một tương lai tươi sáng hơn. Và động thái này ngay lập tức đã đẩy Ukraina vào thế đối đầu đến thù địch với chính những lực lượng địa phương vốn gắn bó máu thịt với Moskva... Từ đó đã bùng nổ mâu thuẫn nội tại trong lòng xã hội Ukraina và ngày một trở nên nghiêm trọng hơn.

Ký hiệp ước liên minh với Liên minh châu Âu (EU), một bộ phận không nhỏ trong chính quyền đương nhiệm ở Ukraina và khá nhiều tài phiệt giàu lên nhờ đục nước béo cò ở đây hy vọng sẽ nhận được “ân xá toàn phần” từ các ông trùm phương Tây và sự đảm bảo vẹn toàn những khoản tiền đã trục lợi được qua những biến thiên gần đây từ nền kinh tế Ukraina và đang được giấu giếm tại các tổ chức tài chính phương Tây. Và vì thế nên đã nảy sinh một chiến dịch tuyên truyền vũ bão về cái gọi là những lợi lộc có thể có được nếu hòa mình vào EU... Và điều đó đã kích động một bộ phận không nhỏ cư dân Ukraina tham gia các hành vi phản đối ngày một trở nên bạo lực chống lại đường lối của Tổng thống Yanukovich muốn ít nhiều cân bằng với cả những quyền lợi của nước cộng hòa này với người láng giềng Đông phương.

Trong mớ bòng bong các mâu thuẫn nội tại ở Ukraina hiện nay ngày càng hiện lên rõ hơn bàn tay của phương Tây nói chung và Washington nói riêng trong vai trò xui nguyên giục bị. Và điều đó càng làm cho Moskva cảm thấy lo lắng và bắt buộc phải từ bỏ vai trò tọa sơn quan hổ đấu. Những gì mà phương Tây muốn kích động bùng nổ ở Kiev rất có thể một ngày nào đó sẽ trở thành kịch bản thực tế ở Moskva. Điện Kremli trong tình huống này không thể an tâm. Ngay cả cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng phải công nhận rằng, Moska có lý khi nhìn thấy trong những sự việc đang diễn ra ở Kiev một kịch bản mà họ cho là phương Tây đang thử nghiệm để rồi làm thật trên Quảng trường Đỏ...

Về phần mình, Điện Kremli cũng muốn duy trì trạng thái có thể là khách quan nhất trong những gì liên quan tới các sự cố đẫm máu ở Ukraina. Trả lời phỏng vấn của các phương tiện thông tin đại chúng Nga ngày 19/2, ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Liên bang Nga đã nói: “Moskva kiên quyết lên án tình trạng bạo lực từ phía những phần tử cực đoan, những người đã lợi dụng việc thực hiện các điều kiện ân xá để ngay lập tức triển khai những hành động bạo lực... Quan điểm của lãnh đạo Nga, của Tổng thống Liên bang Nga về những sự kiện tại Ukraina - là đợi cho đến khi tình hình nhanh chóng được giải quyết, song giải quyết được bằng cách nào và nhờ vào đâu thì đó hoàn toàn là quyền của chính quyền hiện hành...”. Cũng theo lời ông Peskov, Moskva ủng hộ đối thoại với tất cả những lực lượng chính trị văn minh của Ukraina...

Hơn bao giờ hết, Ukraina đang đứng trước những nguy cơ lớn nhất trong lịch sử của mình. Nếu không giải quyết được những mâu thuẫn nội tại hiện nay, nước cộng hòa này sẽ trở thành một bãi chiến trường mới để thử nghiệm các tham vọng bá quyền của những thế lực quốc tế rất hùng hậu khác nhau. Và trong sự đối đầu đó, dù ai ở thế thượng phong thì nhân dân Ukraina cũng vẫn bị thiệt thòi...

Nguồn CAND: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/sotay/2014/3/57250.cand