Ukraine: Kết cục tất yếu

Lẽ thường, những lời hứa tốt đẹp vẫn được các chính trị gia đưa ra để nhất thời thu hút sự ủng hộ của cử tri lúc tranh cử. Nó sẽ trở thành tài sản quý để xây dựng uy tín lãnh đạo một khi được tôn trọng thực hiện, nhưng cũng sẽ là “cơn gió ngược” với sự nghiệp chính trị của người lãnh đạo, một khi lời hứa vẫn là lời hứa và niềm tin đã mất. Đó là những gì đang diễn ra ở Ukraine.

Theo kết quả mới nhất của cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine, hai nhân vật chính trong cuộc cách mạng Cam cách đây 5 năm đã lần lượt đánh mất uy tín chính trị của họ, đó là Tổng thống mãn nhiệm Viktor Yushchenko và ứng cử viên Tổng thống, Thủ tướng Yulia Tymoshenko. Đối với ông Viktor Yushchenko, ông này đã bị truất quyền tranh cử ở vòng hai khi chỉ có 5% số phiếu ủng hộ. Giới truyền thông phương Tây dành cho vị Tổng thống này lời bình: "Thất cử. Ngôn từ cay đắng nhất đối với người ở đỉnh cao quyền lực. "CAM" đã rụng. Cuộc cách mạng màu đã rời khỏi cuống". Đối với bà Thủ tướng "tóc tết" Tymoshenko, tỷ lệ ủng hộ đối với bà ở vòng 1 vẫn thấp điểm hơn đối thủ là cựu Thủ tướng Viktor Yanukovych (25% so với 35%), hy vọng gỡ điểm của bà tại cuộc bầu cử vòng hai cũng bị tắt khi bà tiếp tục thua điểm. Một tuần sau ngày diễn ra cuộc bầu cử vòng hai, kết quả chính thức công bố ngày 14/2 cho biết ông Yanukovych đã thắng cử với tỷ lệ ủng hộ 48.95%, so với 45,47% của đương kim Thủ tướng Tymoshenko. Quốc hội Ukraine sau đó cũng đã chấp thuận chiến thắng của ông Yanukovych (với 238 phiếu tán thành so với 226 phiếu cần thiết). Hơn 5 năm sau cách mạng Cam, diễn biến trên chính trường Ukraine không là điều bất ngờ nếu chứng kiến những gì đã và đang diễn ra ở đất nước này. Cho tới nay, Ukraina đã phải vay của IMF 16,4 tỷ đô la, lạm phát phi mã lên tới 16%, tỷ lệ thất nghiệp tăng 9 lần trong hai năm trở lại đây… Trong năm 2009, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine giảm 15% và đồng nội tệ của nước này mất giá 60% kể từ cuối năm 2008. Thâm thủng ngân sách của Kiev đang ở mức báo động. Khi bắt đầu trở thành Tổng thống Ukraine, ông Viktor Yushchenko đã rẽ lối cho đất nước theo sự quyến rũ của Phương Tây, thiết lập tình thân với NATO như một đối trọng với nước láng giềng truyền thống là Nga, theo đuổi mục tiêu trở thành thành viên của EU như một cách để vượt khỏi những ảnh hưởng của Mátxcơva. Cụm từ "nước xa, lửa gần" được dùng để miêu tả chính sách của ông Yushchenko, theo đó "nước xa" sẽ lá chắn để Ukraine không ngần ngại đốt đám "lửa gần". Nhưng cũng những được mất trong từng ấy năm khiến cho người dân Ukraine buộc phải cân đo lại sự gần xa, cái đúng sai trong chính sách của người mà họ từng ủng hộ. Sự mất cân bằng giữa Nga và Phương Tây trong chính sách của Tổng thống Yushchenko không thể không khiến người Nga mất lòng, trong khi Mátxcơva vẫn là đối tác thương mại nặng ký của nước này. Chỉ tính riêng ngành công nghiệp thép và nhôm, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Ukraine, đến nay vẫn phụ thuộc nhiều vào vào khí đốt của Nga. Cho đến cuối nhiệm kỳ của ông Yushchenko, số nợ mua khí đốt từ Nga của Ukraine đã lên tới trên 1,3 tỷ đôla. Chưa kể đến vai trò của nước trung chuyển khí đốt cho toàn châu Âu của Ukraine cũng bị giảm độ tin cậy ít nhiều nếu như mối quan hệ Nga - Ukraine bị sứt mẻ. Trong số 1/ 4 lượng khí đốt tiêu thụ ở Châu Âu đến từ Nga, có 80% trung chuyển qua Ukraine. Tỷ lệ ít ỏi chỉ có 5% người dân ủng hộ ông Yushchenko trong vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống lần này đã phản ánh rõ rệt chất lượng cầm quyền của người đứng đầu cách mạng Cam. Đây cũng là phản ứng tất yếu của người dân khi họ thấy những lời hứa của ông Yushchenko đã không trở thành hiện thực, như xây dựng chính phủ sạch, giảm lạm phát, giảm thất nghiệp, tăng trưởng mậu dịch, thoát khỏi những món nợ khổng lồ của nước ngoài… Cùng với sự thất vọng sau 5 năm cầm quyền của chính quyền Cam, người dân Ukraine cũng mỏi mệt trước sự bất đồng liên miên giữa hai thủ lĩnh của cách mạng Cam là tổng thống và thủ tướng. Thậm chí sự mâu thuẫn này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết các vấn đề của đất nước, khi Tổng thống thất cử Yanukovich dù có muốn cải thiện cuộc sống người dân như đã hứa thì ông cũng không dễ thực hiện với một chính phủ dưới quyền đối thủ chính trị Tymoshenko. Thời điểm lên nắm quyền hiện nay đang đặt ra cho vị tổng thống mới của Ukraine những thách thức lớn, đó là vượt qua khủng hoảng kinh tế và đoàn kết các tầng lớp nhân dân và các lực lượng xã hội đang bị phân hóa sâu sắc thành hai phần - phía Tây thân phương Tây, phía Đông thân Nga. Kết quả bầu cử không chênh nhau nhiều giữa Tổng thống đắc cử là ông Yanukovych và ứng cử viên thua cuộc là bà Tymoshenko cho thấy xã hội Ukraine bị phân hóa rõ rệt. Cho đến nay, sự cân bằng có lẽ sẽ được ông Viktor Yushchnko làm tốt hơn người tiền nhiệm. Tổng thống đắc cử đã đưa ra các tuyên bố điều chỉnh rõ nét chính sách của Ukraine với Mátxcơva song vẫn giữ được sự độc lập cần thiết, đó là Ukraine không sẵn sàng gia nhập NATO, tiếp tục duy trì hạm đội Biển Đen của Nga tại Sevastopol, dùng tiếng Nga như ngôn ngữ chính thức của Ukraine, lập tập đoàn liên doanh dầu khí để giải quyết các xung đột khí đốt mấy năm qua. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định không chỉ điều chỉnh quan hệ với Nga, Ukraine sẽ cân bằng mối quan hệ này với phần còn lại của châu Âu. Dù thế nào đi nữa, một thái độ thân thiện hơn với nước Nga là thay đổi đầu tiên trong các tuyên bố của Tổng thống đắc cử Yanukovych. Trong tuyên bố về chính sách đối ngoại lớn sau cuộc bầu cử, ông Yanukovych có tín hiệu rõ ràng về điều này khi khẳng định quan hệ với Nga sẽ là một ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ tổng thống của ông vì hai nước có mối liên kết chặt chẽ về kinh tế, văn hóa và lịch sử. Đa số cử tri bỏ phiếu cho ông Yanukovych, điều đó đồng nghĩa đa số cử tri đồng tình với tuyên bố của ông, với hy vọng một tương lai ổn định hơn những gì họ được hứa hẹn từ cách mạng Cam. Tâm Anh

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ThoiSu/2010/3/3548384F9FF889FC/