Ukraine lại có cớ không buông bỏ Crimea

Ukraine chưa nguôi nỗi đau Crimea, đòi LHQ kiểm tra tình hình nhân quyền ở bán đảo này.

Đại hội đồng LHQ đã thông qua một nghị quyết kêu gọi giám sát quốc tế tình hình nhân quyền ở bán đảo Crimea, thuộc Nga.

Nghị quyết yêu cầu Tổng thư ký LHQ tìm kiếm giải pháp cho các sứ mệnh giám sát nhân quyền tiếp cận bán đảo Crimea của các tổ chức phi chính phủ. Tuyên bố cho biết: "sự hiện diện quốc tế ở Crimea là cần thiết để ngăn chặn tình hình ngày càng xấu đi".

Đây là nghị quyết do Ukraine lập nên được 70 quốc gia chấp thuận việc giám sát, 26 nước bỏ phiếu chống và 77 nước bỏ phiếu trắng. Phần lớn các nước châu Âu và Mỹ ủng hộ dự thảo này. Trong khi Nga, Serbia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Armenia, Cuba, Kazakhstan, Belarus và một số nước khác phản đối.

Ukraine cho rằng người dân ở bán đảo Crimea đã bị Nga đàn áp nhân quyền.

Ông Serhiy Kyslytsya, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine, cho biết trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ rằng tình hình nhân quyền trên Crimea đã "xấu đi nhanh chóng" kể từ khi Nga nắm quyền kiểm soát lãnh thổ Ukraine vào tháng 2/2014 và sáp nhập trái phép bán đảo này.

Trong một thông báo của Bộ Ngoại giao Ukraine, cơ quan này nhấn mạnh tới yếu tố Nga tác động một cách tiêu cực lên bán đảo này. Tuyên bố nêu rõ: "Liên bang Nga là một quốc gia chiếm đóng, phải ngăn chặn các vi phạm tùy tiện của mình về nhân quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, bảo đảm tuân thủ của nhân quyền ở Crimea".

Theo tờ UkrinForm, tài liệu trên đã cung cấp một định nghĩa rõ ràng về tình trạng của nước Cộng hòa tự trị Crimea và thành phố Sevastopol như là một phần của lãnh thổ của Ukraine, lên án sự chiếm đóng tạm thời Crimea của Liên bang Nga và không công nhận sự sáp nhập này.

Nga đã vận động chống lại nghị quyết này, gọi đó là "động cơ chính trị" và chỉ là quan điểm "một chiều".

Ukraine vẫn coi bán đảo Crimea là lãnh thổ của mình và muốn giành lại từ Nga mọi lúc.

Trước đó, Ukraine đã từng gửi đơn kiện Nga lên Tòa án Công lý quốc tế ở The Hague (Hà Lan) liên quan tới chủ quyền vùng biển xung quanh bán đảo Crimea.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chỉ thị cho Bộ Ngoại giao tiến hành thủ tục trọng tài kiện Liên bang Nga vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Ông Pavel Petrenko, Bộ trưởng Tư pháp Ukraine cho biết, đã có nhiều đơn kiện được gửi tới Tòa án quốc tế này liên quan tới “hành động xâm lược Donbass” và sự kiện “sáp nhập Crimea” đối với Nga. Bên cạnh đó còn 5 đơn kiện nữa gửi tới Hội đồng Nhân quyền châu Âu. “Có hơn 2.000 người đã nộp đơn kiện lên tòa án châu Âu” - ông nói.

Bình luận về chuyện này, Phó Thủ tướng Chính phủ Crimea Ruslan Balbec so sánh vụ kiện với "tiếng vo ve khó chịu của con muỗi". Ông nhấn mạnh rằng "Ukraine sẽ không nhận được Crimea, tiền bồi thường, cũng như bất kỳ nhượng bộ kinh tế và lãnh thổ nào".

Trước đó, chính quyền Crimea thông báo rằng sẵn sàng nộp đơn phản tố Kiev đòi bồi thượng thiệt hại cho nhân dân bán đảo do hậu quả 2 thập kỷ họ bị chính quyền Ukraine bóc lột.

Dẫu vậy, quyết định thông qua giám sát nhân quyền tiếp cận bán đảo Crimea của LHQ cũng đưa ra khi các cơ quan an ninh Ukraine bắt giữ các binh sĩ Nga và tranh cãi về lãnh thổ do quốc gia này kiểm soát.

Chính phủ Kiev nói rằng họ bắt giữ 2 người đào ngũ khỏi quân đội Ukraine trên lãnh thổ do Ukraine kiểm soát. Còn Moscow nói rằng hai binh lính này đã bị bắt giữ tại bán đảo Crimea mà Nga đã sát nhập từ năm 2014 bất chấp sự phản đối của Ukraine và cộng đồng thế giới.

Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) nói với hãng tin Interfax rằng những binh sĩ này đã bị bắt sau khi vượt qua biên giới tại Chonhar và từng phục vụ trong quân đội Ukraine trước khi đào ngũ sang Nga.

Việc các tổ chức phi chính phủ thực hiện giám sát bán đảo Crimea sẽ tiếp tục làm dấy lên các căng thẳng kéo dài sau vụ bắn thử tên lửa ở Biển Đen và dự định lập vùng cấm bay sát bán đảo Crimea buộc Nga triển khai tàu chiến cảnh cáo.

Video: Bộ Ngoại giao Ukraine công bố kiện Nga vi phạm luật biển

Ngọc Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ukraine-lai-co-co-khong-buong-bo-crimea-3325504/