Ukraine thay đổi gì sau 2 năm Tổng thống Poroshenko cầm quyền?

Tổng thống Poroshenko đã lên nắm quyền ở Ukraine được 2 năm và dấu ấn này được ghi lại bằng "chiến dịch" giải cứu nữ phi công Nadezda Savchenko. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số ít điều Poroshenko đã làm được cho Ukraine.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko

2 năm cầm quyền của Poroshenko

Ngày 26/4/2014, kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine đã được công bố với việc Poroshenko giành chiến thắng ngay trong vòng bầu cử đầu tiên. Poroshenko trở thành tổng thống được bầu đầu tiên của Ukraine sau các sự kiện Maidan khi có 54,7% cử tri bầu cho Poroshenko. Số cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử này là 59,48%.

Sau 2 năm cầm quyền, uy tín của Poroshenko đã sụt giảm đáng kể. Theo kết quả thăm dò dư luận xã hội do Nhóm “Reyting” tiến hành vào tháng 4/2016, hiện chỉ có 2% người dân Ukraine hoàn toàn ủng hộ Poroshenko, 15% ủng hộ phần nào đó và có đến 75% không ủng hộ Poroshenko.

Theo chuyên gia phân tích chính trị Aleksey Sidorchuk của Ukraine, dựa trên các kết quả thăm dò dư luận, các chuyên gia đánh giá hoạt động của Poroshenko trong năm thứ hai làm Tổng thống chỉ được 4,5 điểm trong thang điểm 10. Điểm số trong năm đầu tiên làm Tổng thống của Poroshenko là 5,3 điểm.

Trong giai đoạn Poroshenko cầm quyền, người dân Ukraine đã chứng kiến giá đồng Grivna suy giảm mạnh, dẫn đến mức sống của người dân Ukraine sụt giảm do giá các dịch vụ sinh hoạt gia tăng từ 1,5-2 lần. Các vụ cướp bóc xe hơi và cướp của cũng ngày càng gia tăng.

Nếu như những sự vụ này có thể giải thích là do những tác động từ thời hậu Maidan và xung đột ở miền Đông Ukraine vì những vụ bê bối đối với Poroshenko và các cộng sự rất khó có thể giải thích. Poroshenko rất “bênh vực” các cộng sự của mình nên trong thời gian dài đã không sa thải Viktor Shokin khỏi chức vụ Tổng Công tố Ukraine sau nhiều scandal.

Một cuộc xung đột khác cũng đã “phủ bóng đen” lên quyền lực của Poroshenko. Xung đột giữa Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov với tỉnh trưởng Odessa Mikhail Saakashvili (cựu Tổng thống Gruzia) đã kéo dài và ngày càng căng thẳng nhưng dường như Poroshenko không muốn hoặc không thể ngăn chặn cuộc xung đột này.

Sau khi sự kiện “Hồ sơ Panama” được công bố hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Poroshenko đã bị phát hiện đã thành lập offshore riêng của mình để trốn thuế sau khi bán nhiều cổ phần trong tập đoàn do mình sáng lập.

Những “thành tựu” của Poroshenko

“Thành công” chính trong chính sách đối ngoại thù địch với Nga là việc Poroshenko đã áp dụng và duy trì các lệnh cấm vận kinh tế chống lại Nga, ký kết văn kiện thành lập “Khu vực tự do mậu dịch song phương” với EU, xích lại gần với Thổ Nhĩ Kỳ, tiến hành các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới cũng như cá tổ chức tài chính quốc tế khác để tiến hành cứu trợ tài chính cho Ukraine.

Tổng thống Ukraine Poroshenko và Cựu Thủ tướng Yatsenyuk (bên phải).

Kết quả đáng khích lệ khác đối với bản thân Poroshenko là một số cải tổ đối với quân đội. Quân đội Ukraine đã có một số loại vũ khí mới, quân phục mới, khẩu phần ăn cho binh sỹ cũng được thay đổi và Quân đội Ukraine đã bắt đầu thực hiện tuyển mộ binh lính theo hình thức ký kết hợp đồng. Các chuyên gia quân sự Mỹ và Canada cũng đang thường xuyên tiến hành huấn luyện cho binh sỹ Ukraine trên thao trường.

Trong vòng 2 năm qua, Poroshenko cũng đã kịp thành lập lực lượng cảnh sát mới theo một số tiêu chí của phương Tây nhưng hiện lực lượng này mới chỉ hoạt động tại các thành phố lớn của Ukraine. Mặc dù số lượng các vụ phạm tội chưa giảm so với trước nhưng cũng đã có đến hơn 90% người dân Kiev tin tưởng vào lực lượng mới được thành lập này.

“Quà tặng” nào cho Poroshenko

Trong vòng một vài tháng gần đây, Poroshenko đã liên tục “nhận được quà” khi mốc 2 năm cầm quyền ở Ukraine đến gần.

Mới đây nhất, nữ ca sỹ Ukraine Jamala đã giành giải quán quân trong cuộc thi “Eurovision”. Sự kiện này đã khiến nhiều người dân Ukraine cảm thấy được “an ủi” phần nào sau khi phải trải qua nhiều khó khăn kể từ sau Maidan.

Trước đó, ngày 25/5, phía Nga cũng quyết định thả nữ phi công Nadezda Savchenko của Ukraine sau nhiều tháng giam giữ. Sự kiện này được cho là có phần đóng góp không nhỏ của Poroshenko khi Tổng thống Ukraine rất tích cực trao đổi với phía Nga.

Ngoài ra, quá trình đàm phán với EU về việc miễn quy chế thị thực giữa Ukraine với các quốc gia EU cũng đang đi đến giai đoạn cuối.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Ukraine Vadim Karasev, để những thành công trên có thể giúp Ukraine vượt qua được giai đoạn khủng hoảng hiện nay, điều cần thiết là Poroshenko phải thay đổi đội ngũ cán bộ lãnh đạo hiện nay ở Ukraine.

“Những vụ bê bối gần đây cho thấy Tổng thống không chỉ phải thay đổi đội ngũ “chân tay” của mình mà cả đội ngũ cán bộ khác để hình thành nên một ê kíp mới nhằm thực hiện cải cách triệt để Ukraine. Người dân Ukraine cũng như các đối tác phương Tây của Ukraine đã quá mệt mỏi để mong chờ cải cách nào đó từ giới lãnh đạo hiện nay”- Vadim Karasev nhận định.

Bất ổn vẫn đang chờ đợi Poroshenko

Mặc dù đã đạt được một số thành công nhất định nhưng tâm lý người dân vẫn chưa thực sự nghiêng về xu thế ủng hộ cho Poroshenko. Hơn nữa, hiện Ukraine vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, nhất là việc Nga và phương Tây đang tích cực ép Ukraine phải thực hiện Thỏa thuận Minsk.

Để thực hiện thỏa thuận này, Ukraine phải chấp nhận thay đổi Hiến pháp, cho phép Donbass tiến hành bầu cử và ban hành lệnh ân xá với hàng loạt lực lượng đòi ly khai ở Donbass. Tuy nhiên, phương án này đang bị các lực lượng của các tài phiệt, điển hình là lực lượng “Tiểu đoàn Azov” phản đối kịch liệt. Lực lượng này thậm chí đã huy động đến gần 5 nghìn người bao vây Quốc hội Ukraine để phản đối việc thực hiện các động thái trên.

Nếu như Poroshenko không giải quyết khéo các vấn đề trên, phe của Yulia Tymoshenko và các chính trị gia khác sẽ tận dụng triệt để vấn đề này để hạ bệ Poroshenko.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo “Gazeta”.

Đức Dũng (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ukraine-thay-doi-gi-sau-2-nam-tong-thong-poroshenko-cam-quyen-post200179.info