Ukraine trong cuộc giằng co Nga-Mỹ

(ĐSPL) - Giữa lúc Ngoại trưởng Mỹ loan báo viện trợ 1 tỷ đô la cho Kiev, Tổng thống Nga tuyên bố sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ người Nga tại Ukraine.

Nga sử dụng công cụ quân sự-kinh tế

Trong bình luận công khai đầu tiên kể từ khi Tổng thống Ukraine bị lật đổ Viktor Yanukovich trốn khỏi Kiev, Tổng thống Nga Valdimir Putin gọi việc thay đổi quyền lực chính trị tại Ukraine là "một cuộc đảo chánh bất hợp pháp và chiếm quyền bằng vũ lực", ông Yanukovich vẫn còn là nhà lãnh đạo “hợp pháp” của Ukraine mặc dù ông không có hy vọng tái đắc cử.

Phóng to

Cuộc đối đầu mới Obama-Putin liên quan đến Ukraine

Tổng thống Putin nói nước ông sẵn sàng sử dụng tất cả mọi giải pháp để bảo vệ người Nga tại Ukraine, nhưng nói thêm ông hy vọng sẽ không phải dùng vũ lực. Ngày 4/3, ông Putin phủ nhận việc quân đội Nga được đưa đến Crimea và nói rằng những tay súng phong tỏa các đơn vị quân sự của Ukraine trên bán đảo là "lực lượng tự vệ địa phương," không phải binh lính Nga.

Ông Putin cũng đã ra lệnh cho hàng chục ngàn binh sĩ đang tập trận tại miền tây nước Nga, gần biên giới Ukraine, trở về căn cứ. Cuộc tập trận đã chấm dứt theo kế hoạch từ trước, do đó hiện không rõ động thái này có mục đích giảm bớt căng thẳng hay không.

Nga kêu gọi Ukraina trở lại thỏa thuận ngày 21/2 giữa Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovich và phe đối lập về việc thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Psaki ngày 3/3 nói rằng mặc dù thỏa thuận có thể được dùng làm "cơ sở", nhưng tình hình thay đổi đã làm cho thỏa thuận này không còn hiệu lực nữa.

Trong khi đó, Moscow cũng gia tăng áp lực kinh tế đối với chính phủ Kyev nợ nần chồng chất. Nga cho biết bắt đầu từ tháng sau sẽ chấm dứt việc giảm 33% giá khí đốt thiên nhiên vẫn đang được bán cho Ukraine. Tập đoàn Gazprom của Nga cho biết sẽ ngừng giảm giá bởi vì Ukraine đã không thanh toán hóa đơn khí đốt và đang mắc nợ công ty năng lượng này hơn 1,5 tỉ USD.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết việc tăng giá khí đốt "không liên quan gì" đến vụ đối đầu ở bán đảo Crimea. Ông nói: "Chúng tôi cho họ tiền, nhưng họ không trả đúng hạn".
Gazprom đã cấp cho Ukraine một khoản vay 3 tỉ USD để trang trải khoản nợ. Hãng tin AFP cho hay Liên minh châu Âu sẽ cung cấp cho Ukraine 2 tỉ USD để trả nợ tiền khí đốt, một phần trong gói hỗ trợ kinh tế mà EU đang soạn thảo để hỗ trợ Kiev.

Mỹ-Châu Âu gia tăng sức ép với Nga

Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã ngừng các cuộc tiếp xúc quân sự với Nga, trong khi các ngoại trưởng Liên minh Châu Âu công bố hạn chót là ngày 6/3 để Tổng thống Nga Vladimir Putin rút hết quân đội khỏi Ukraine, nếu không sẽ bị trừng phạt.

Ngày 3/3, Tổng thống Obama cáo buộc Nga vi phạm luật quốc tế ở Ukraine và Moscow đang "đứng ở lề trái của lịch sử".
Cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev. Nhà Trắng cho biết ông Biden hối thúc Nga rút quân khỏi Crimea, ủng hộ việc triễn khai ngay lập tức các quan sát viên quốc tế và bắt đầu một "cuộc đối thoại chính trị có ý nghĩa" với chính phủ Ukraine.

Sau khi gặp gỡ những quan chức hàng đầu của Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang ở thăm Kiev đã lên án điều ông gọi là "hành động xâm lược" của Nga ở bán đảo Crimea thuộc Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ cho biết các cường quốc phương Tây không muốn đối đầu, nhưng ông nói thêm rằng nếu Nga không chịu giảm căng thẳng thông qua con đường ngoại giao, Mỹ và các nước đối tác sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cô lập Nga về chính trị-kinh tế.

Khi Ngoại trưởng Kerry đến Ukraine vào ngày 4/3, chính quyền Tổng thống Obama loan báo một gói trợ cấp năng lượng trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine. Mỹ và các nước đồng minh châu Âu đang xem xét các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga.

Văn Linh (tổng hợp)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/the-gioi/ukraine-trong-cuoc-giang-co-nga-my-a24173.html