Ứng dụng CNTT trong giảng dạy: “Nhìn - chép” thay cho “đọc - chép”?

(VH)- Năm 2008 được xem là năm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy, yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo đội ngũ giáo viên sử dụng thành thạo các trang thiết bị dạy học như máy vi tính, Powerpoint, khai thác hiệu quả mạng Internet phục vụ giảng dạy.

Thực ra, thì từ nhiều năm trước đó, một số địa phương, trường học có điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đã triển khai công việc này và đạt được những kết quả nhất định. Thực tế cho thấy, đội ngũ thầy cô giáo trẻ tiếp cận và vận dụng khá tốt công nghệ thông tin vào giảng dạy, chỉ có những giáo viên lớn tuổi là còn bị động, lúng túng, chưa quen. Nhờ có công nghệ thông tin hỗ trợ, quá trình dạy-học của thầy và trò có nhiều tiện ích và khởi sắc: tiết kiệm được thời gian, chuyển tải được nhiều điều cần thể hiện hơn, bài học trở nên sinh động, hấp dẫn, trực quan hơn với học sinh... Tuy nhiên, nhiều trường, nhiều giáo viên còn lạm dụng, phụ thuộc, ôm đồm quá nhiều vào công nghệ thông tin, giáo án điện tử, biến giờ dạy thành nhìn- chép, thay cho đọc- chép như trước đây, dẫn đến chất lượng giáo dục vẫn “giậm chân tại chỗ”. Thầy Nguyễn Văn Minh, Phó hiệu trưởng Trường THPT số 1 Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) nêu kinh nghiệm: “Thầy cô giáo không chỉ biết soạn giáo án điện tử mà còn biết vận dụng nó trên lớp sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Theo tôi, công nghệ thông tin chỉ mang tính chất hỗ trợ một phần nào đó trong bài dạy chứ không thể làm thay hết vị trí, vai trò của người thầy được. Tức là ứng dụng công nghệ thông tin cũng cần có sự chọn lọc. Điều đó phụ thuộc nhiều đến khả năng linh hoạt, uyển chuyển, sáng tạo của người thầy. Ví dụ như môn văn, dạy các tác phẩm văn học mà toàn dùng giáo án điện tử cứ bấm tới hết mục này đến phần kia thì hỏng hết, còn đâu là giờ cảm thụ văn học nữa”. Theo chỉ thị năm học mới, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT yêu cầu, qui định tất cả giờ thao giảng, hội giảng của giáo viên đều phải có sử dụng công nghệ thông tin. Mặt khác, khuyến khích tất cả thầy cô soạn giảng giáo án bằng vi tính. Về việc soạn giáo án bằng vi tính, nhiều địa phương, nhà trường đã cho phép giáo viên làm từ nhiều năm nay. Soạn giáo án vi tính có nhiều cái được: trình bày sạch, đẹp hơn, soạn năm trước rồi, năm sau chỉ cần điều chỉnh, sửa chỉnh gì đó là được, đỡ tốn thời gian ngồi phải chép tay như trước. Soạn tay, nét chữ của ai biết ngay, nhưng soạn bằng vi tính, copy giáo án lẫn nhau thì khó phát hiện được. Về vấn đề này, thầy Bùi Văn Thuận, Trường THPT Chư Sê (Gia Lai) chia sẻ: Soạn giáo án vi tính là một chủ trương đúng. Nó mang lại nhiều tiện lợi cho những giáo viên có ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp cao. Nhưng nó cũng có chỗ hở để cho giáo viên yếu và lười dễ tận dụng, khai thác triệt để. Vấn đề ở chỗ là nhà trường, các tổ chuyên môn phải có biện pháp điều chỉnh, ngăn chặn những lệch lạc đó theo hướng tích cực.

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/giaoduc/20945.vho