Ứng dụng công nghệ chiếu xạ và sinh học tạo giống cây trồng mới

Ứng dụng công nghệ chiếu xạ kết hợp công nghệ sinh học tạo ra những giống cây trồng mới cho năng xuất chất lượng cao.

Đoàn Bộ KH&CN và Viện Di truyền Nông nghiệp đã đến thăm khu thí nghiệm chọn giống và mô hình trồng lúa và đậu tương đột biến ứng dụng công nghệ chiếu xạ kết hợp với công nghệ sinh học thuộc hai đề tài thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về Nghiên cứu, Ứng dụng và Phát triển Công nghệ năng lượng KC05/11-15.

Lúa và đậu tương đột biến ứng dụng công nghệ chiếu xạ kết hợp với công nghệ sinh học

Đoàn kiểm tra có sự tham gia của TS. Lê Đình Tiến, Chủ nhiệm Chương trình KC05, PGS. TS. Vương Hữu Tấn, Phó chủ nhiệm Chương trình KC05, ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ các ngành Kinh tế, kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cùng các lãnh đạo Viện, lãnh đạo các bộ môn và các phòng thuộc Viện.

Mô hình trồng giống lúa đột biến triển vọng DT80 được trồng thử nghiệm tại Giao Châu, Giao Thủy, Nam Định thuộc đề tài KC05.09: “ Nghiên cứu kỹ thuật chiếu xạ tia gamma kết hợp với công nghệ sinh học tạo vật liệu khởi đầu cho chọn tạo giống lúa” do ThS. Nguyễn Thị Hồng, Bộ môn Đột biến và Ưu thế lai làm chủ trì.

Sau ba năm nghiên cứu và chọn lọc, đề tài đã chọn tạo được hơn 200 dòng lúa đột biến mang một trong số các đặc điểm nông sinh học tốt như ngắn ngày, thấp cây, chất lượng tốt, kháng bạc lá, đạo ôn và chịu mặn đã được đưa vào trồng thử nghiệm và cho kết quả khả quan. Đặc biệt giống DT80 cho năng suất cao 65-75 tạ/ha, thời gian sinh trưởng 105-110 ngày/vụ, chống chịu sâu bệnh khá và chịu mặn tốt, đã được gửi khảo nghiệm vào vụ mùa 2015.

Giống lúa đột biến DT80 cho năng suất cao và chống chịu sâu bệnh tốt

Buổi chiều, đoàn tiến hành thăm khu thí nghiệm chọn tạo giống đậu tương đột biến đột biến thuộc đề tài KC05.08: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ kết hợp với công nghệ sinh học để tạo vật liệu khởi đầu cho chọn tạo giống hoa và giống đậu tương” do TS. Lê Đức Thảo, Trưởng bộ môn Đột biến và Ưu thế lai làm chủ trì tại Đan Phượng, Hà Nội.

Mục tiêu của đề tài là Xác định được hiệu quả của tia Gamma trong chọn tạo giống một số loại hoa (Cúc, Đồng tiền) và giống đậu tương. Tạo được nguồn vật liệu đột biến phục vụ công tác chọn tạo giống hoa và giống đậu tương mới phù hợp với nội tiêu và xuất khẩu.

Đề tài được cho kết quả khả quan và đúng tiến độ đề ra ban đầu. Từ nguồn vật liệu ban đầu là các giống DT2008, DT2003, DT96, DT26, đề tài đã chọn lọc được 181 dòng đậu tương đột biến ở các liều chiếu xạ 150, 200 và 250Gy trên hạt khô. 75 dòng đột biến ở liều chiếu xạ 25 và 50Gy trên hạt ướt và 75 dòng đột biến ở cây ra hoa .

Hai dòng đậu tương đột biến là DT2008ĐB hạt đen và DT96ĐB có hàm lượng omega 3, 6 cao

Đặc biệt, hai dòng đậu tương đột biến là DT2008ĐB hạt đen và DT96ĐB lông trắng đã được gửi khảo nghiệm giống cây trồng quốc gia. Dòng đậu tương DT2008ĐB hạt đen có năng suất cao 25-35 tạ/ha, chiều cao cây 55-75cm, thời gian sinh trưởng ngăn 95-100 ngày.vụ, thích ứng với trồng 3 vụ/năm, chống đổ tốt, chống chịu tốt với các bệnh hại chính (gỉ sắt, đốm nâu, phấn trắng, sương mai). Đặc biệt, hàm lượng chất béo không bão hòa trong hạt so với giống đối chứng cao vượt trội: omega 3 tăng 30% (0.013g/100g) và omega 6 tăng 12% (7,475g/100g).

Dòng đậu tương DT96ĐB cho năng suất khá 20-30 tạ/ha, thấp cây 45-55cm, thời gian sinh trưởng ngắn 90-95 ngày/vụ, thích hợp với trồng 3 vụ/năm, chống chịu khá với các loại sâu bệnh hại, chống đổ tốt, chịu nóng tốt. Ngoài ra, đề tài đã tạo ra 102 dòng hoa cúc, 106 dòng đòng tiền làm vật liệu cho công tác chọn tạo giống hoa mới.

Ngoài các dòng triển vọng như DT80, DT2008, DT96, nguồn vật liệu từ hai đề tài tạo ra là tiền đề cho những nghiên cứu tiếp tục trong việc sử dụng công nghệ chiếu xạ kết hợp với công nghệ sinh học để chọn tạo giống cây trồng đột biến năng suất cao, chống chịu tốt với bệnh hại và các điều kiện canh tác bất thuận.

Lê Chính (t/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ung-dung-cong-nghe-chieu-xa-va-sinh-hoc-tao=giong-cay-trong-moi-d102799.html