Ứng dụng công nghệ trong kiểm soát ngập nước

Việc ứng dụng các thiết bị công nghệ trong công tác kiểm soát và quản lý chống ngập nước đã và đang được Công ty TNHH Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh thực hiện. Một trong những tiện ích nhờ ứng dụng này là cung cấp thông tin hiện trạng ngập nước qua mạng giúp người dân thành phố lập kế hoạch tham gia giao thông hợp lý.

Khi trên địa bàn xảy ra các trận mưa, lập tức trạm quan trắc ngập nước đặt ở năm vị trí trọng điểm sẽ truyền tải ngay thông tin (lưu lượng mưa, mực nước trên mặt đường) về máy chủ. Ðại diện Phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa của Công ty TNHH Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh, cho biết: Cơ chế hoạt động của trạm quan trắc ngập nước tự động gồm một chip cảm biến áp suất xử lý thông tin từ ống dẫn áp suất dẫn vào hố ga thoát nước, sau đó thông tin được truyền tải qua mạng 3G để đưa về máy chủ của công ty. Mọi dữ liệu được quản lý và giám sát qua hệ thống Scada. “Dữ liệu truyền tải về là cơ sở để công ty tổ chức ứng cứu khi xuất hiện ngập nặng, qua đó thông tin đến cộng đồng để giảm nhẹ thiệt hại do ngập gây ra. Ngoài ra, dữ liệu còn giúp đơn vị lưu trữ để làm cơ sở nghiên cứu các phương án chống ngập cho thành phố”, một cán bộ kỹ thuật phân tích.

Sau gần một năm lắp đặt thí điểm, từ tháng 5-2017, Công ty TNHH Thoát nước đô thị đã chính thức đưa vào vận hành năm trạm quan trắc ngập nước đặt tại các tuyến đường: Dương Văn Cam (quận Thủ Ðức), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Lê Ðức Thọ (quận Gò Vấp) và Trương Vĩnh Ký (quận Tân Phú). Ðể mở rộng phạm vi giám sát ngập nước, Công ty Thoát nước đô thị đang tiếp tục cho lắp đặt thêm 37 trạm quan trắc ngập tập trung ở khu vực trung tâm và trong năm 2017 sẽ lắp đặt thêm 39 vị trí còn lại trên toàn thành phố.

Những vị trí chọn lắp đặt trạm quan trắc ngập nước được xác định có mức ngập từ 0,1 m trở xuống, kinh phí đầu tư cho 76 trạm là hơn 2,5 tỷ đồng. Trưởng Phòng Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao công nghệ, Công ty TNHH Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh Trần Ngọc Bảo Hoàng, cho biết: Tất cả công tác kiểm soát, quản lý chống ngập như đo đạc lượng mưa, thủy triều, cao độ ngập đều được công ty ứng dụng các thiết bị công nghệ thay thế cho lao động thủ công nhằm ghi nhận hiện trạng và tiếp nhận thông tin một cách chính xác, khoa học. Hiện, đơn vị có mười trạm đo mưa tự động (Cầu Bông, Lý Thường Kiệt, Phan Văn Khỏe, An Lạc, Tân Quy Ðông, Quang Trung, Bình Hưng Hòa, Thanh Ða, Phước Long, Bình Chiểu); sáu trạm đo triều tự động (Rạch Lăng, Bình Triệu, Bình Lợi, Thanh Ða, Mễ Cốc, Phú Lâm) và 34 vị trí có đặt ca-mê-ra giám sát trên toàn thành phố.

Mới đây, Phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa cũng đã xây dựng phần mềm và đưa vào sử dụng Ứng dụng truyền tải thông tin ngập nước cho TP Hồ Chí Minh (Udi maps). Ðây là ứng dụng cung cấp miễn phí cho người dân thành phố với các thông tin về hiện trạng mưa; thông tin dự báo thời tiết kết hợp cảnh báo mưa và ngập lụt; các thông tin về tìm đường đi thuận tiện khi có mưa ngập; khách hàng chia sẻ thông tin thực tế thông qua ứng dụng.

Phó phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa Trương Quốc Bình giải thích, ứng dụng này được xây dựng trên cơ sở tích hợp các dữ liệu mà công ty ghi nhận và thu thập được qua các thiết bị kiểm soát ngập và kiểm soát triều. Công ty cũng hợp đồng với Ðài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ để tiếp nhận thông tin về thời tiết nhằm cảnh báo mưa trước hai, ba giờ để người dân biết, từ đó có kế hoạch lưu thông trên đường. Hiện nay, ứng dụng này đang sử dụng trên hệ điều hành Android và trong tháng 8 tới, công ty sẽ cho chạy thêm phiên bản IOS.

Thống kê cho thấy, sau gần ba tháng đưa ứng dụng này vào hoạt động, vào những thời điểm có sự biến đổi của thời tiết, có đến năm nghìn, sáu nghìn lượt người truy cập để xem thông tin. “Sắp tới, công ty sẽ chia sẻ những thông tin qua các ứng dụng cung cấp phương tiện vận chuyển qua mạng như Uber, Grab để người dân cập nhật thông tin nhanh hơn”, ông Bình cho biết thêm.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/33424902-ung-dung-cong-nghe-trong-kiem-soat-ngap-nuoc.html