Ứng phó với triều cường

Theo dự báo, năm 2023, triều cường tại ĐBSCL ở mức khá cao, kết hợp với lũ chính vụ nên sẽ có nhiều đô thị ở vùng giữa ĐBSCL xảy ra cảnh ngập lụt. Các địa phương trong vùng đã triển khai nhiều dự án vừa giảm rủi ro ngập lụt vừa tạo cảnh quan cho đô thị

Theo dự báo của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP), lũ chính vụ năm nay ở ĐBSCL sẽ thấp, khu vực đầu nguồn ở mức xấp xỉ và thấp hơn mức báo động (BĐ) 1, thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và thấp hơn năm 2022.

Lũ thấp, triều cường cao

Cụ thể, đỉnh lũ chính vụ đầu nguồn sông Cửu Long năm 2023 có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Đỉnh lũ tại Tân Châu ở mức cao nhất là 3,5 m, bằng mức BĐ 1, thấp hơn đỉnh lũ năm 2022 là 0,14 m, tại Châu Đốc 3,1 m (cao hơn BĐ 1 là 0,1 m, thấp hơn đỉnh lũ năm 2022 0,24 m).

Mực nước tại Cần Thơ đạt 2,08 m (cao hơn BĐ 3 là 0,08 m, thấp hơn đỉnh lũ năm 2022 là 0,19 m), tại trạm Mỹ Thuận đạt 2,02 m (thấp hơn đỉnh lũ năm 2022 là 0,13 m). Với những dự báo như trên, SIWRP nhận định hầu hết các diện tích sản xuất trong ô bao kiểm soát lũ cả năm, trên vùng ngập lũ ĐBSCL đều an toàn. Tuy nhiên, cần đề phòng những ô bao có bờ bao xung yếu (rò rỉ, sụt lún).

TP Cần Thơ đang thực hiện gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước trên 32 tuyến đường nhằm giúp tiêu thoát nước, giảm rủi ro ngập lụt

TP Cần Thơ đang thực hiện gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước trên 32 tuyến đường nhằm giúp tiêu thoát nước, giảm rủi ro ngập lụt

Trong khi lũ năm 2023 ở ĐBSCL được dự báo ở mức thấp thì SIWRP dự báo triều cường lại ở mức khá cao, cao hơn các năm 2018, 2019 và cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Trong tháng 9 và tháng 10, dự báo đỉnh triều cao nhất ở trạm Gành Hào (Bạc Liêu) là 2,24 m vào ngày 30-9 và 2,38 m vào ngày 30 -10. Dự báo đỉnh triều cao nhất trong mùa lũ tại Gành Hào sẽ đạt 2,43 m vào ngày 17-11.

Triều cường cao khi kết hợp với lũ chính vụ và mưa nội đồng sẽ làm mực nước tăng cao đặc biệt vùng ven biển và vùng giữa ĐBSCL, khả năng cao sẽ gây ngập lụt cho các địa phương thuộc những khu vực này.

Đẩy nhanh công trình chống ngập

Trong 5 năm qua, TP Cần Thơ có tới 2 lần mực nước lịch sử bị phá vỡ. Theo đó, vào năm 2019, mực nước đo được là 2,25 m (cao nhất so với những năm trước); đến năm 2022 là 2,27 m, đạt mực nước lịch sử, cao nhất từ trước đến nay, gây ngập nặng hàng loạt tuyến đường trong trung tâm. Hay tại Vĩnh Long, mực nước năm 2019 là 2,12 m; năm 2022 là 2,17 m; TP Ngã Bảy (Hậu Giang) cũng đạt mực nước lịch sử vào năm 2022 là 2,17 m.

Dự báo năm nay triều cường cao, kết hợp với lũ chính vụ sẽ gây ngập lụt cho các đô thị ở vùng giữa của ĐBSCL. Trong ảnh: Triều cường gây ngập nội ô Cần Thơ vào tháng 10-2022

Dự báo năm nay triều cường cao, kết hợp với lũ chính vụ sẽ gây ngập lụt cho các đô thị ở vùng giữa của ĐBSCL. Trong ảnh: Triều cường gây ngập nội ô Cần Thơ vào tháng 10-2022

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, thông tin thành phố đang thực hiện dự án "Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị". Trong đó có hạng mục xây dựng đê bao khép kín, van ngăn triều và trong nội ô quận Ninh Kiều có các hồ điều hòa, khi nước dâng lên vào hồ điều hòa này, không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Cùng với gói thầu CT3-PW-1.11 (cải tạo hệ thống thoát nước trên 32 tuyến đường trung tâm quận Ninh Kiều), âu thuyền được xem là giải pháp chống ngập cho vùng lõi nội ô. Đối với khu đô thị mới, các quận, huyện còn lại, thành phố quy hoạch cốt nền nâng cao hơn.

Nói về tiến độ gói thầu CT3-PW-1.11, ông Nguyễn Văn Tho, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức TP Cần Thơ (Ban ODA, chủ đầu tư), cho biết: "Dự án có tổng vốn đầu tư gần 282 tỉ đồng, khởi công ngày 4-8-2022 và kết thúc vào ngày 4-4-2024.

Dự án đã triển khai thi công tại 32/32 tuyến đường và 2 trạm bơm Ninh Kiều và Châu Văn Liêm. Dự kiến trong tháng 9 này sẽ hoàn thành việc lắp đặt hệ thống cống thoát nước và thảm bê-tông nhựa nóng hoàn thiện mặt đường 32 tuyến đường và sẽ thi công hoàn thành 2 trạm bơm trong tháng 12-2023".

Tỉnh Vĩnh Long cũng đã khởi công dự án "Phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu TP Vĩnh Long" có tổng mức đầu tư là 202,2 triệu USD. Trong đó, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới là 126,9 triệu USD, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan là 19,5 triệu USD và nguồn vốn đối ứng của địa phương là 55,8 triệu USD.

Theo Ban Quản lý dự án ODA tỉnh Vĩnh Long, gần một nửa kinh phí của dự án sẽ được sử dụng để thực hiện các giải pháp giảm thiểu rủi ro ngập lụt bao gồm xây dựng kè và cống ngăn triều, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, hỗ trợ TP Vĩnh Long để phát triển thành đô thị bền vững trong tương lai.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết mục tiêu của dự án là nhằm cải thiện khả năng tiếp cận với hạ tầng; cải thiện kết nối giao thông và giảm rủi ro ngập lụt tại khu vực đô thị trung tâm TP Vĩnh Long. Tỉnh sẽ sớm hoàn thành và đưa dự án vào khai thác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh; bảo đảm đáp ứng nhu cầu cho nhân dân trong vùng dự án, được tiếp cận cơ sở hạ tầng tốt hơn, đồng bộ với cấp đô thị loại 2 của TP Vĩnh Long.

Tính đến ý tưởng hạ tầng xanh

TS Vũ Cảnh Toàn, chuyên gia Viện Chuyển đổi môi trường và Xã hội quốc tế (ISET), đề xuất cần tính đến ý tưởng hạ tầng xanh trong việc giảm ngập cho các đô thị đang được các nước trên thế giới áp dụng. Hạ tầng xanh không đơn thuần là cây xanh, mà là hệ thống không gian xanh, không gian mặt nước kết nối với nhau và kết nối với hệ thống thoát nước vận hành như một hệ sinh thái tự nhiên hỗ trợ giảm ngập lụt.

Bài và ảnh: Ca Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mien-tay-24h/ung-pho-voi-trieu-cuong-20230820193419935.htm