Unilever Việt Nam 'tố' doanh nghiệp Việt: Luật sư nói gì?

Theo luật sư, việc Unilever Việt Nam đưa ra các thông tin gây ảnh hưởng đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của Sao Thái Dương được xác định là hành vi gièm pha doanh nghiệp.

Liên quan đến vụ việc Unilever Việt Nam “khiếu nại” Công ty CP Sao Thái Dương về một số sản phẩm dầu gội dược liệu, luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest (Hà Nội) đã có những phân tích về vấn đề này.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest (Hà Nội)

Theo đó, công văn số 458/2015/UVI/PL, Unilever Việt Nam đưa ra các vấn đề như: “Tên bao bì sản phẩm Dầu gội Thái Dương của Quý Công ty có chứa cụm từ “dược liệu”, hàm ý nhấn mạnh sản phẩm này có tính năng như thuốc, dùng để chữa bệnh hoặc phòng bệnh, trái với quy định pháp luật về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm”.

Bài liên quan

Vì sao Unilever Việt Nam 'tố' doanh nghiệp Việt?

“Các tuyên bố “chống rụng tóc”, “3 ngày không gàu, không ngứa”, “7 ngày không gàu, không ngứa” trên bao bì sản phẩm và đoạn phim quảng cáo trên phương tiện truyền thông có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quảng cáo mỹ phẩm”.

Unilever Việt Nam yêu cầu Sao Thái Dương “ngay lập tức chấm dứt việc quảng cáo đưa thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về thông điệp quảng cáo sản phẩm Dầu gội Dược liệu Thái Dương 3 và Dầu gội Dược liệu Thái dương 7 trên bao bì cũng như trong đoạn phim quảng cáo phát triển các phương tiện truyền thông dưới bất cứ hình thức nào”.

Công văn của Unilever Việt Nam gửi Công ty CP Sao Thái Dương.

Luật sư Ngọc Minh cho rằng, điều 25 Bộ luật Dân sự quy định, khi quyền nhân thân (bao gồm quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm) của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền tự mình cải chính; yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; và yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.

Bài liên quan

Tin 5/9: Unilever Việt Nam bị truy thu thuế, nguy cơ Habeco bị Carlsberg thâu tóm

Những cú phốt quảng cáo của 'ông lớn' Unilever

Unilever, Colgate ‘nuốt’ kem đánh răng Việt thế nào?

Như vậy, chỉ có cá nhân mới có quyền yêu cầu người xâm phạm quyền nhân thân của cá nhân đó chấm dứt hành vi vi phạm. Đối chiếu với trường hợp của Unilever Việt Nam, đây là một pháp nhân, được pháp luật bảo vệ về danh dự, uy tín. Pháp luật chỉ quy định khi danh dự, uy tín của pháp nhân bị xâm phạm đến mức gây thiệt hại thì phát sinh nghĩa vụ bồi thường.

Tuy nhiên, thực tế, việc sử dụng thuật ngữ, bao bì và các vấn đề liên quan khác của Sao Thái Dương đã được cơ quan chức năng là Sở Y tế Hà Nam kết luận là không vi phạm. Việc làm này của Sao Thái Dương thực tế không hề gây thiệt hại đến danh dự, uy tín của Unilever Việt Nam.

Bên cạnh đó, luật sư Phạm Ngọc Minh cho rằng: "Unilever Việt Nam không phải là người mua, người sử dụng sản phẩm Dầu gội Dược liệu Thái Dương 3 và Dầu gội Dược liệu Thái Dương 7 của Sao Thái Dương. Vì thế, Unilever Việt Nam không được xác định là người tiêu dùng của Sao Thái Dương nên không có quyền góp ý kiến với Sao Thái Dương về sản phẩm do Sao Thái Dương cung cấp".

Theo quy định của khoản 1, Điều 2 Luật Tố cáo năm 2011, Unilever Việt Nam có quyền kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về việc thực hiện pháp luật về quảng cáo của Sao Thái Dương. Nếu Sao Thái Dương có hành vi vi phạm pháp luật, Unilever Việt Nam có quyền tố cáo Sao Thái Dương đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Unilever Việt Nam không có căn cứ để gửi công văn đến công ty Sao Thái Dương, yêu cầu công ty Sao Thái Dương “ngay lập tức chấm dứt việc quảng cáo đưa thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về thông điệp quảng cáo sản phẩm Dầu gội Dược liệu Thái Dương 3 và Dầu gội Dược liệu Thái Dương 7 trên bao bì cũng như trong đoạn phim quảng cáo”.

Hơn nữa, trường hợp Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam có kiến nghị, tố cáo phải gửi đơn thư đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thay vì gửi công văn đến Công ty cổ phần Sao Thái Dương.

Như đã trình bày ở trên, Unilever Việt Nam không có quyền góp ý hay yêu cầu Sao Thái Dương chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).

Về hành vi mà Unilever Việt Nam cho rằng Sao Thái Dương đã vi phạm pháp luật tại Công văn số 458/2015/UVI/PL, những nội dung này đã được Sở Y tế tỉnh Hà Nam thanh tra và kết luận tại Kết luận số 791/KL - SYT: “Chưa có cơ sở cho rằng tên gọi sản phẩm Dầu gội Dược liệu Thái Dương 3, Dầu gội Dược liệu Thái Dương 7 có chứa cụm từ “Dược liệu” gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng rằng sản phẩm này có dược tính, tính năng như thuốc.

Nội dung được ghi trên nhãn sản phẩm Dầu gội Dược liệu Thái Dương 3 và Dầu gội Dược liệu Thái Dương 7 về công bố tính năng, công dụng nêu trên cơ bản phù hợp với công bố tính năng tại phiếu công bố sản phẩm, mỹ phẩm. Tuy nhiên, phương pháp nghiên cứu còn hạn chế ở mẫu và cách trình bày”.

Hành vi gửi công văn của Unilever Việt Nam chỉ ra các sai phạm mà không có căn cứ đã xâm phạm đến danh dự, uy tín của Sao Thái Dương. Do đó, Sao Thái Dương có quyền yêu cầu Unilever Việt Nam phải bồi thường thiệt hại.

Luật sư Phạm Ngọc Minh

Như vậy, đối với các nội dung mà Unilever Việt Nam đưa ra trong Công văn số 458/2015/UVI/PL cho rằng Sao Thái Dương vi phạm quy định của pháp luật là không có căn cứ và đã được Sở Y tế tỉnh Hà Nam kết luận là không có vi phạm.

"Về trách nhiệm pháp lý đối với Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, căn cứ quy định tại Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2005, Sao Thái Dương được pháp luật bảo vệ về danh dự, uy tín. Hành vi gửi công văn của Unilever Việt Nam đến Sao Thái Dương chỉ ra các sai phạm mà không có căn cứ đã xâm phạm đến danh dự, uy tín của Sao Thái Dương. Do đó, Sao Thái Dương có quyền yêu cầu Unilever Việt Nam phải bồi thường thiệt hại", luật sư Minh cho biết.

Theo luật sư, việc Unilever Việt Nam đưa ra các thông tin gây ảnh hưởng đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của Sao Thái Dương được xác định là hành vi gièm pha doanh nghiệp. Căn cứ Điều 33 Nghị định số 120/2005/NĐ – CP, Unilever Việt Nam có thể bị xử lý hành chính với mức phạt cao nhất là 20.000.000 đồng.

Video: Nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng: Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Bình Thuận lên tiếng

Minh Anh

Nguồn VTC: http://vtc.vn/unilever-viet-nam-to-doanh-nghiep-viet-luat-su-noi-gi-d293862.html