Uống nước nhớ nguồn

Hồi  học lớp 7, lần đầu tiên được cùng mẹ đi tham quan Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ, tôi vô cùng thích thú khi hòa mình vào dòng người đông đúc dâng hương, tưởng nhớ các Vua Hùng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Sau này lớn lên, tôi hiểu thêm rằng, Giỗ Tổ Hùng Vương còn là biểu tượng tinh thần, văn hóa dân tộc vô cùng độc đáo và sâu sắc.

Người dân Thái Nguyên thường dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng tại những cơ sở tôn giáo của tỉnh dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.

Từ thuở khai thiên lập quốc, để tỏ lòng viết ơn các vị anh hùng có công dựng nước và giữ nước, thời phong kiến, các vị vua đã cho lập đền thờ Vua Hùng. Các triều đại phong kiến từ thời nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần rồi đến Hậu Lê, đều tổ chức cúng lễ để tưởng nhớ đấng Thánh Tổ nước Nam xưa.

Kế tục truyền thống uống nước nhớ nguồn của cha ông ta, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ tổ Hùng Vương - Hướng về cội nguồn của dân tộc.

Từ năm 1995, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được Ban Bí thư Trung ương Đảng ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Tiếp theo, trong các năm 1999, 2021, 2004, Chính phủ ban hành các nghị định về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương như quốc lễ vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch.

Ông Nguyễn Thanh Hà, xã An Khánh (Đại Từ), cho hay: Tôi tin rằng người Việt Nam ai cũng thuộc lòng câu ca dao: Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ Ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3. Có thể thấy, việc hướng về Ngày Giỗ Tổ, tưởng nhớ các Vua Hùng của người dân cả nước nói chung, người dân Thái Nguyên nói riêng là một nét văn hóa đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết, đạo lý truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn, nhớ về tổ tiên đã có công dựng nước, giữ nước.

Là người sinh ra, lớn lên tại phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên), nơi có đình Hùng Vương, ông Đỗ Văn Mạnh chia sẻ: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, năm nào dòng người đổ về Đền Hùng - Phú Thọ dự lễ, thắp nén hương thơm, tưởng nhớ công đức các Vua Hùng, các bậc tiền nhân cũng rất đông. Dù không có điều kiện hành hương về Đất Tổ nhưng tôi vẫn được bày tỏ lòng thành kính với những người đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn non sông gấm vóc ngay tại quê hương mình. Nét văn hóa độc đáo này không chỉ thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân đất Việt, người con Thái Nguyên mà còn trở thành niềm kiêu hãnh đối với một đất nước kiên cường như Việt Nam.

Hoạt động rước lễ của người dân TP. Thái Nguyên dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.

Là hoạt động văn hóa tâm linh, Giỗ Tổ Hùng Vương luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người dân. Đây cũng là dịp để các bậc ông bà; bố mẹ răn dậy cháu con biết bày tỏ lòng biết ơn. Tại Thái Nguyên, với tấm lòng tôn kính dành cho các Vua Hùng, ngoài việc tìm về Đất Tổ để dâng hương, nhiều người còn tổ chức những hoạt động có ý nghĩa tại gia đình, cộng đồng.

Chị Hoàng Thanh Hương, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), nói: Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, cán bộ, công chức có thể được nghỉ từ 1-3 ngày. Do đó, tô luôn dành thời gian về thăm bố mẹ hai bên, tổ chức dâng hương tại gia tưởng nhớ các bậc tiền bối, tổ tiên. Với tôi, đây là việc làm rất có ý nghĩa bởi khi mình luôn nhớ về nguồn cội, hiếu thuận với mẹ cha là mình đang làm gương cho con cái noi theo…

Với bà Trương Thị Khánh, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), đồng lòng hướng về Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương chính là dịp để mọi người giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cũng như tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đến lớp trẻ. Bà Khánh nói: Tôi luôn nhắc nhở các con, cháu phải biết ghi nhớ công ơn của những người đi trước, những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Lòng biết ơn giúp con người sống hướng thiện và có nhiều hành động thiết thực cho gia đình, xã hội.

Bên cạnh các hoạt động tại tư gia, không ít gia đình đã tổ chức các chuyến dã ngoại lên các bản, làng ở miền núi, vùng cao của tỉnh tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chị Nguyễn Thúy Hiền, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), tâm sự: Dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, tôi đều chuẩn bị ít bánh kẹo, quần áo, mì tôm rồi đưa các con lên một số bản người Mông như Mỏ Ba - xã Tân Long, Liên Phương - xã Văn Lăng (Đồng Hỷ); Lũng Hoài, Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai)… tặng cho các em nhỏ. Qua chuyến đi các con thấy được những khó khăn vất vả ở vùng cao và biết chia sẻ với bạn bè đồng trang lứa ở vùng khó…

Bao lâu nay, Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp bày tỏ tình cảm thiêng liêng, nét văn hóa độc đáo, mở ra những bài học đầy ý nghĩa cho thế hệ tương lai.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202404/uong-nuoc-nho-nguon-c473697/