Uống thuốc kháng sinh có ảnh hưởng đến xét nghiệm giang mai không?

Bệnh giang mai thường có thời gian ủ bệnh khoảng 3 đến 90 ngày, trong thời gian này người bệnh sẽ không có biểu hiện gì bất thường.

Hỏi: Bác sĩ cho em hỏi! Em có quan hệ tình dục không an toàn đã được 28 ngày, sau đó em đi xét nghiệm giang mai ở bệnh viện bằng phương pháp ELISA (em thấy họ ghi vậy). Kết quả của em âm tính (họ ghi non reactive 0.04) nhưng 36 giờ trước khi xét nghiệm em có uống kháng sinh liều cao (azithromycin 1g). Bác sĩ cho em hỏi thuốc có làm ảnh hưởng gì đến kết quả xét nghiệm không?

Em bị vài vết loét ở dương vật hình thù không giống nhau, có nhỏ có to, vết loét bóng nhẵn không nham nhở, hơi gồ lên, có mủ hơi đau, sưng phù nề xung quanh, lúc tiểu đau nhẹ âm ỉ, nóng rát trong niệu đạo. Xin hỏi bác sĩ em có bị giang mai không, nếu không em có thể mắc bệnh gì?. Em chưa có điều kiện đi khám lại. Mong bác sĩ giúp đỡ. Em xim cám ơn rất nhiều!

Hình ảnh nổi ban trên người bệnh giang mai

Chào em!

Phương pháp ELISA (Enzyme Linked Immunosorbent Assay - xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết với enzyme) có rất nhiều dạng mà đặc điểm chung là đều dựa trên sự kết hợp đặc hiệu giữa kháng nguyên và kháng thể. Đây là những phương pháp xét nghiệm hiện đại được sử dụng trong việc xét nghiệm giang mai hiện nay. Em thắc mắc việc em sử dụng thuốc kháng sinh trước đó có làm ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán hay không? Em không cần quá lo lắng, việc em sử dụng kháng sinh sẽ không làm thay đổi kết quả xét nghiệm ở đây.

Khi em nghi ngờ các vết loét trên dương vật của bản thân là do giang mai nhưng kết quả xét nghiệm đã cho kết quả là âm tính thì em có thể yên tâm rằng các vết loét đó không phải do giang mai gây ra. Nếu giang mai đã tiến triển đến mức có vết loét thì không có chuyện xét nghiệm mà không phát hiện ra được.

Do không được khám trực tiếp nên tôi chưa thể xác định nguyên nhân gây loét của em. Có rất nhiêu nguyên nhân có thể gây nên các vết loét trên cơ thể như nấm da, viêm nhiễm,.. Và em nói có kèm biểu hiện đau khi đi tiểu thì có nghĩa là tình trạng bệnh của em đang xâm lấn sau vào khu vực lỗ tiểu từ đó có nguy cơ lan sau vào cơ quan sinh dục hay tiết niệu sâu bên trong. Dù là nguyên nhân gì thì việc em đi khám sớm để có phương án điều trị cụ thể cũng là rất cấp thiết.

Bên cạnh việc em sắp xếp thời gian đi khám sớm nhất có thể thì em cũng nên chú ý việc vệ sinh vùng da bị bệnh. Tránh để các chất tẩy rửa như xà bông tiếp xúc với khu vực da bị bệnh. Em cũng không nên tự ý bôi thuốc lên khu vực da bị bệnh vì có thể khiến tình trạng tệ hơn. Do chưa xác định đươc nguyên nhân nên em nên kiêng quan hệ trong thời gian tới.

Chúc em khỏe mạnh. (Theo Cửa sổ tình yêu)

Bệnh giang mai thường có thời gian ủ bệnh khoảng 3 đến 90 ngày, trong thời gian này người bệnh sẽ không có biểu hiện gì bất thường. Sau thời gian ủ bệnh, bệnh giang mai thường trải qua 3 giai đoạn với những biểu hiện như sau:

Giai đoạn 1: Xuất hiện săng giang mai

Săng giang mai là những vết trợt loét trên da, niêm mạc của người bệnh. Săng giang mai có đặc điểm: hình tròn hoặc hình ovan, có bán kính 1 – 2cm, lõm ở giữa, viền cứng, bóng mượt như sụn, không có cảm giác đau, ngứa, có màu đỏ hoặc hồng. Săng giang mai thường xuất hiện ở cơ quan sinh dục, môi, lưỡi, ngón tay, ngón chân, cằm, má… Bất kể bộ phận nào tiếp xúc với xoắn khuẩn giang mai đều có thể xuất hiện săng giang mai. Săng giang mai sẽ xuất hiện một vài tuần, sau đó sẽ lặn xuống dù không cần dùng bất kì loại thuốc nào. Giang mai bước vào giai đoạn tiềm ẩn, ăn vào máu và dần chuyển sang giai đoạn nặng hơn.

Giai đoạn 2: Phát ban

Sau một thời gian săng giang mai lặn xuống, trên da người bệnh lại bắt đầu nổi ban màu hồng đỏ hoặc thâm tím mọc thành từng cụm như những cánh hoa mai. Các nốt ban này mọc khắp người, đặc biệt là ở lưng, cánh tay, bàn chân…

Ngoài phát ban, trong giai đoạn này người bệnh còn có triệu chứng : sốt, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, đau nhức xương khớp.

Giai đoạn 3: Xuất hiện gôm, củ giang mai

Gôm giang mai sau khi vỡ ra sẽ rất khó lành, và sau khi đóng vảy, khô lại thường để lại sẹo.

Nếu vẫn không được điều trị, xoắn khuẩn giang mai sẽ phá hủy nội tạng của người bệnh và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm khác như: giang mai thần kinh, giang mai tim mạch… Đặc biệt, sẽ xuất hiện củ giang mai trên cơ thể người bệnh:

Củ giang mai có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên cơ thể người bệnh như: mắt, mũi, miệng, lưỡi, cơ quan sinh dục… Đây là giai đoạn cuối của bệnh có thể khiến người bệnh bị thần kinh, bại liệt hoặc thậm chí là tử vong.

Do đó, khi xuất hiện những dấu hiệu ban đầu của bệnh giang mai, người bệnh không nên chủ quan, hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị sớm. Theo các chuyên gia, giang mai giai đoạn đầu hoàn toàn có thể chữa trị được.

Minh Anh (TH)

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/uong-thuoc-khang-sinh-co-anh-huong-den-xet-nghiem-giang-mai-khong-p42272.html