'Uptrend' còn nhớ những ngày 'downtrend'?

Sau một thời gian khá dài 'sideway' (đi ngang không hình thành xu hướng) chỉ số VN-Index (VNI) đã có cú nước rút tăng vượt mốc 1.200 điểm.

Đa phần giới chuyên gia đều đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đã chuẩn bị bước vào giai đoạn "uptrend".

Vui đấy nhưng vẫn còn lo

Những ngày tháng 8 vừa qua, Quang - một tay chơi chứng khoán "cò con" (phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) trúng đậm khi danh mục của anh có mã lãi tới gần 20%; số còn lại bình quân cũng "xanh lá" từ 3-5%. Anh cho biết, về cơ bản đã hồi được vốn và có chút lãi sau những cú "sập hầm" tai hại năm 2022. Tâm trạng vui mừng của Quang có lẽ cũng tương tự nhiều "chứng sĩ" khác sau những ngày dài vật lộn với bảng điện, thấp thỏm với từng nhịp rung lắc của thị trường giai đoạn "sideway" vừa qua.

Tất nhiên, "đồng tiền liền khúc ruột" nên nhìn chung các nhà đầu tư nhỏ lẻ như Quang vẫn giữ tâm lý khá thận trọng. Quang chia sẻ: Sau cú trượt dài từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2022, thua lỗ rất nặng với những mã cổ phiếu đầu cơ, tôi cứ nghĩ mình đã đủ tỉnh táo để không tiếp tục phạm sai lầm.

Thậm chí, tôi còn tư vấn cho bạn bè lướt sóng T+ để bù lại những khoản đầu tư thua lỗ trước đó. Và cũng ít nhiều thu được lợi nhuận. Nhưng đến đầu tháng 11, khi nhiều mã cổ phiếu "chất sàn" hàng chục phiên liền, số tiền còn lại trong tài khoản của tôi mất gần 20%, và hãi nhất là cứ tiếp tục sụt giảm qua từng phiên giao dịch. Bạn bè cùng nhóm ai cũng sốt ruột hò nhau bán tháo cổ phiếu vì lo cảnh "bị chảy máu đến chết".

Cuối cùng không chịu nổi nữa, tôi chấp nhận đặt lệnh bán toàn bộ danh mục với ý nghĩ "chỉ còn ít tiền vẫn còn hơn là mất cả" vào khoảng 10h sáng một ngày trung tuần tháng 11/2022. May mắn cho tôi, người bán nhiều quá nên mãi không khớp bán được. Đúng lúc đó, thị trường bắt đầu hồi phục từ mốc 880 điểm nên tôi và một số người bạn kịp hủy lệnh.

Trường hợp của Quang nói là may mắn cũng đúng. Thời điểm đó, thị trường ghi nhận có những "chứng sĩ" đen đủi "bắt dao rơi" ở một vài mã cổ phiếu thậm chí mất tới 90% tài khoản.

Quay trở lại thị trường chứng khoán năm nay, sau những dè dặt, tích lũy của giai đoạn "sideway up" (tích lũy đi lên), những ngày cuối tháng 8/2023 này, chỉ số VN-Index đã vượt mốc 1.200 điểm cộng với những tín hiệu tích cực từ trong và ngoài nước mang đến hy vọng cho các nhà đầu tư. Theo các nhà phân tích, công ty chứng khoán, nhìn tổng thể, VN-Index đã tạo được "nền cứng" để tạo đà cho sự bùng nổ. Tuy nhiên, để thực sự bước vào "uptrend" (xu hướng tăng) thị trường vẫn có thể kéo dài thêm trạng thái đi ngang để tích lũy đủ lực trước ngưỡng cản quan trọng 1.300 điểm.

Sau mưa trời lại sáng?

Theo một số nhận định, thị trường chứng khoán thế giới đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Đặc biệt sau sự cố Silicon Valley Bank, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bơm thanh khoản vào nền kinh tế. Do đó thị trường chứng khoán Mỹ cùng với nhiều thị trường chủ chốt khác đã tạo đáy để đi lên từ tháng 3/2023.

Chuyên gia thị trườn đều đánh giá chứng khoán Việt Nam đã chuẩn bị bước vào giai đoạn "uptrend"

Chuyên gia thị trườn đều đánh giá chứng khoán Việt Nam đã chuẩn bị bước vào giai đoạn "uptrend"

Thời điểm cuối quý III này, ý kiến từ giới đầu tư cho rằng song hành với đà phục hồi của Mỹ và thế giới, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 22% trong nửa đầu năm 2023. Với tốc độ này, Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu trong 8 tháng đầu năm nay. Động lực đến từ một số nhóm ngành như chứng khoán, xây dựng, ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp…

Thậm chí, có nhà phân tích còn đưa ra dự báo khá lạc quan là chỉ số VN-Index sẽ đón một đỉnh sóng lớn vào cuối năm nay.

Xét theo những số liệu trên thị trường, những dự báo trên cũng có cơ sở, bởi nhà đầu tư cá nhân trong nước bắt đầu chuyển sang trạng thái mua ròng từ tháng 4/2023 sau các đợt hạ lãi suất liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước - tức là chính sách tiền tệ được nới lỏng.

Nhưng không phải ý kiến nào cũng tán thành với các dự báo này.

Họ cho rằng, khác với thế giới, cơ bản thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn phụ thuộc 90% vào dòng tiền cá nhân. Sau giai đoạn "bầm dập" của năm 2022, nhóm nhà đầu tư này chuyển mạnh sang gửi tiết kiệm lấy lãi. Tất yếu, khi lãi suất giảm thì một lượng tiền này sẽ luân chuyển sang chứng khoán.

Hơn nữa, chính sách tiền tệ của Fed và các ngân hàng trung ương vẫn chưa nới lỏng nên khó để kỳ vọng chu kỳ tiền rẻ quay lại thị trường. Bên cạnh đó, tình hình khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước; nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ, cộng với các yếu tố biến động địa chính trị rất khó lường... Tất cả những yếu tố này dẫn tới câu hỏi: Liệu rằng những tín hiệu tích cực vừa qua có phải đơn thuần do các nhà đầu tư rút tiền từ tiết kiệm ngân hàng chuyển sang chứng khoán hay không?

Có lẽ vì thế mà đa phần các nhà đầu tư cá nhân như Quang bị thiệt hại nặng trong năm 2022 vẫn giữ tâm lý thận trọng. Vậy nên trên các hội nhóm "chứng sĩ" thường truyền nhau một khẩu quyết vui: Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ có bảng điện luôn xanh tươi... hoặc đỏ lòe.

Thực tế thì trường hợp của Quang hay bất cứ nhà đầu tư nào cũng đều thấu hiểu một điều, thị trường vốn và tài chính không giống như quỹ phúc lợi để chia đều sự hưởng thụ cho mọi người. Do đó, khi tham gia kinh doanh, đầu tư, họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro một cách có tính toán - với mong muốn - miễn là điều đó diễn ra công bằng.

Chính vì vậy, ở bình diện lớn hơn, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các khung khổ pháp lý theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian từ nay đến năm 2025.

Khi có một môi trường minh bạch, được quản lý chặt chẽ sẽ thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường. Đây chính là kênh vốn hóa cực kỳ hiệu quả để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu xa hơn. Ngược lại, phía doanh nghiệp cũng phải có các chiến lược, cách ứng xử phù hợp với cổ đông để tạo ra lợi ích hài hòa cả hai phía, rộng hơn là cho cả nền kinh tế.

Thái Duy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/uptrend-con-nho-nhung-ngay-downtrend-269578.html