USD tăng giá nhờ tình hình Châu Âu bất ổn

Đồng USD đã lập được chiến công đáng kể so với các đối thủ EUR, GBP và JPY vào ngày hôm qua khi đưa tỷ giá EUR/USD và GBP/USD xuống mức thấp nhất trong vòng 10 tháng qua và đưa tỷ giá USD/JPY lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây. Sự tăng giá này của đồng USD có thể được lý giải từ những bất ổn về tình hình nợ công tại Châu Âu đã lèo lái các nhà đầu tư tìm đến bến an toàn USD.

Về vấn đề Châu Âu, đáng chú ý nhất là việc ông Jean-Claude Trichet, chủ tịch Ngân hàng trung ương Châu Âu – ECB, khi xuất hiện trên truyền hình Pháp để nói về việc giải cứu Hy Lạp, đã nhấn mạnh các thành viên trong khu vực sử dụng chung đồng Euro (Eurozone) cần phải chịu trách nhiệm trước các vấn đề của khối và cần phải hợp tác để đạt mục tiêu tăng trưởng chung và cũng ra lời chỉ trích Quỹ Tiền tệ Quốc tế rằng “Nếu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay một vài thành viên chịu thay trách nhiệm của các chính phủ trong khối Eurozone thì rõ ràng đó là điều rất rất tồi tệ”. Thông tin kinh tế duy nhất đến với thị trường hôm qua là tin về số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 20/3/2010 do Bộ Lao động Mỹ công bố với con số 442.000 người, mức thấp nhất trong vòng 6 tuần qua. Theo số liệu của Bộ này, tính đến ngày 13/3/2010, số người đang nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ là 4,55 triệu. Và mặc dù đã có điều chỉnh tích cự khi giảm 14.000 người từ mức 456.000 trong tuần trước đó, song theo các nhà phân tích nhận định tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn khá cao và vẫn còn rất khó khăn để tìm được việc làm trong giai đoạn chớm hồi phục này của nền kinh tế. Một diễn biến đáng chú ý khác đó là phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ của ngài Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke. Theo ông Bernanke nền kinh tế Mỹ hiện vẫn cần hỗ trợ từ chính sách lãi suất thấp của FED, nhưng Ngân hàng Trung ương cũng sẵn sàng ngừng biện pháp hỗ trợ một khi nền kinh tế thực sự vững chắc. Và ông cũng bỏ ngõ vấn đề mà thị trường lâu nay chờ đợi về các kế hoạch của FED trong thời gian tới. Kết quả cuối cùng của GDP quý 4/2009 và chỉ số niềm tin tiêu dùng do trường Đại học Michigan khảo sát sẽ công bố trong ngày hôm nay. Dự báo không có nhiều thay đổi trong các số liệu công bố. Vàng tăng nhờ kế hoạch giải cứu nợ công bắt đầu thành hình. Vàng bất ngờ đảo chiều tăng giá sau một ngày sụt sâu xuống dưới mức 1,100 USD/oz nhờ lực hỗ trợ từ những thông tin khá khả quan của phố Wall và kế hoạch giải cứu nợ công của EU đã có những bước thống nhất ban đầu. Mở cửa giao dịch ở mức 1,086.60 USD/oz, vàng từ từ leo dốc lên đỉnh 1,095.74 USD/oz và có rất nhiều khả năng phá ngưỡng 1,100 USD/oz. Tuy nhiên, sức bật của vàng bất ngờ bị kìm hãm bởi phát biểu của chủ tịch ECB Trichet cho thấy ông ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng chung hơn là việc giải cứu các nền kinh tế gặp khó khăn trong khu vực và không ủng hộ việc IMF nhúng tay vào kế hoạch tài trợ cho Hy Lạp. Bởi vậy, lực đẩy từ thị trường Mỹ sau khi ngài B.Bernanke phát biểu kéo dài thời gian duy trì lãi suất đồng USD gần như bị phá tan, khiến vàng quay đầu giảm giá về 1,089.95 USD/oz, kết thúc ngày giao dịch với mức tăng chỉ 3USD/oz. Hôm nay, những thông tin về GDP quý 4/2009 tại Mỹ sẽ thu hút khá nhiều sự quan tâm của thị trường. Hy vọng kết quả báo cáo này đủ sức hỗ trợ thị trường hàng hóa lẫn thị trường chứng khoán trong cơn hỗn độn của vấn đề nợ công tại châu Âu. Dự báo giá vàng tăng trong ngày. EUR/USD tiếp tục rớt mạnh do Trichet phản đối kế hoạch của EU. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã đạt đến một thỏa thuận về cơ chế hỗ trợ tài chính dành cho Hy Lạp nhưng theo những gì đang diễn ra trên thị trường ngoại hối, các nhà đầu tư dường như vẫn chưa được thỏa mãn. Đồng EUR tiếp tục rớt giá xuống mức thấp nhất trong vòng 10 tháng qua so với đồng USD bởi mọi người tiếp tục tháo chạy khỏi đồng tiền chung này. Giới phân tích cho biết phỏng đoán rằng trạng thái dư bán đồng EUR đang đạt đến mức kỷ lục sau những hoạt động đang diễn ra trên thị trường. Vấn đề ở đây là kế hoạch không nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch ECB - Ông Jean-Clause Trichet, người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến giới đầu tư. Ông kịch liệt phản đối sự hỗ trợ của IMF ngay từ lúc bắt đầu; và sau khi chi tiết ban đầu của kế hoạch hỗ trợ tài chính được công bố, ông phát biểu rằng tìm kiếm hỗ trợ cho khu vực đồng tiềng chung châu Âu từ những tổ chức bên ngoài mà điển hình như IMF là "rất rất tệ". Đó không chỉ là sự xấu hổ của khu vực mà nó cho thấy những thành viên của Eurozone đang rất lưỡng lự về việc giúp đỡ nhau khi gặp gian khó. Mặc dù sự hỗ trợ của IMF tác động xấu đến đồng EUR, nó mang đến lợi ích cho Eurozone bởi vì cuối cùng cũng đã có một kế hoạch được đưa ra. Kế hoạch bao gồm một sự kết hợp giữa những khoản cho vay song phương và tiền từ IMF. Mặc dù một thành viên điều hành EU cho biết IMF chỉ đóng góp một phần nhỏ trong gói ứng cứu Hy Lạp, tuy nhiên vai trò của tổ chức này vẫn rất quan trọng. Các thành viên của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu sẽ phải đóng góp trong gói hỗ trợ theo tỉ lệ hiện tại của họ trong ECB, điều này có nghĩa là Đức và Pháp sẽ gánh trên vai trách nhiệm nặng nè nhất. Liên minh châu Âu vẫn sẽ phối hợp kiểm soát và các nhà chức trách nhấn mạnh rằng đó là một thỏa thuận dự phòng sẽ được dùng như một biện pháp cuối cùng. Theo những bình luận mới nhất của thủ tướng Hy Lạp, Papandreou, nước này dường như khá thỏa mãn với kế hoạch. Chủ tịch ECB Trichet cũng thông báo rằng NHTW sẽ tiếp tục nới lỏng những luật cho vay cho đến năm 2011 để làm dịu lại áp lực lên Hy Lạp, một bước tiến cho thấy họ sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng thêm một thời gian dài nữa. Cùng lúc này, tỉ giá EUR/USD tiếp tục giảm sâu và hiện không có mức hỗ trợ vững chắc nào cho đến 1.30. Dự báo, khả năng phục hồi trở lại của tỉ giá EUR/USD sẽ rất lớn bởi hai yếu tố: Dư bán đồng EUR đang lập kỉ lục đi kèm với những diễn biến khả quan về hỗ trợ dành cho Hy Lạp. Đồng JPY tiếp tục rớt giá do sự tác động của yếu tố lãi suất. Hôm qua, đồng JPY rớt giá so với đồng USD chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu của giới đầu tư quốc tế đối với các tài sản tài chính Mỹ, thể hiện qua sự tăng lên của lãi suất. Sau khi tăng mạnh vào thứ ba, hôm qua lãi suất kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6. Lý giải cho việc lãi suất tăng vọt, các chuyên gia cho rằng do tác động tiêu cực từ kết quả của phiên đấu giá trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm. Khối lượng đặt mua thấp và mức lãi suất trái phiếu khá cao cho thấy nhu cầu của thị trường đối với loại hàng hóa này đang giảm sút, thay vào đó, dòng tiền của giới đầu tư đang được đổ vào kênh trái phiếu doanh nghiệp và điều này chứng minh cho sự lạc quan của họ đối với viễn cảnh sáng lạn của nền kinh tế Mỹ. Những phân tích kỹ thuật cũng cho thấy mối tương quan rõ rệt giữa lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ và tỷ giá USD/JPY. Khi mức lãi suất này chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2008, tỷ giá USD/JPY cũng vượt mốc 94.00. Trong khi đó, đồng JPY tiếp tục chịu áp lực giảm giá khi những kết quả kinh doanh quý cho thấy suy thoái đang lan rộng ở đất nước Nhật Bản, tuy vậy diễn biến về giá cũng cho thấy giảm phát không còn là vấn đề nhức nhối đối với Nhật như những tháng trước. Khả năng NHTW Nhật sẽ phải mở rộng chương trình tín dụng của nó để kích thích nhu cầu của nền kinh tế. Thành viên BoJ - Hidetoshi Kamezaki phát biểu “NHTW sẽ thực hiện những chính sách bổ sung khi cần thiết và việc mở rộng chính sách tiền tệ cũng nằm trong kế hoạch này.” Bên cạnh đó, nền kinh tế Nhật vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu, vì vậy các nhà làm luật cũng như các doanh nghiệp nước này hoan nghênh một đồng JPY yếu. Dự đoán JPY tiếp tục rớt giá trong ngày

Nguồn Vinacorp: http://vinacorp.vn/news.aspx/detail/383989/usd-tang-gia-nho-tinh-hinh-chau-au-bat-on