USD tăng, VNĐ lên giá

Chỉ trong 3 ngày đầu của tháng 10, tỷ giá USD đã liên tục biến động tăng 110 VNĐ lên mức 21.330 VNĐ/USD sau một thời gian dài ổn định. Tuy nhiên, so với nhiều ngoại tệ mạnh khác tiền đồng vẫn đang lên giá.

Cặp đôi VNĐ, USD cùng lên giá

Đồng USD trong thời gian qua tăng giá khá mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thế giới. Hiện tại tỷ giá USD so với đồng JPY của Nhật Bản đang là 109,77, tăng hơn 9% so với giữa tháng 7-2014 và tăng hơn 4% so với đầu năm. Với EUR, USD cũng tăng 11,11% kể từ đầu tháng 5 đến nay. Theo thống kê trên trang Tradingeconomics.com, trong 1 tháng gần đây USD lên giá rất mạnh dao động quanh mức 2-6%. Trong khi đó những đồng tiền bị mất giá rất mạnh là RUB của Nga, UAH của Ukraine (11,07%) hay BRL của Brazil (11,21%).

Việc tỷ giá biến động như trong mấy ngày qua được xem là hoàn toàn bình thường và sẽ rất khó có sự biến động mạnh bởi cung ngoại tệ trong nước đang dư thừa và dự trữ ngoại hối của NHNN cũng đang rất lớn. Do đó tỷ giá sẽ nhanh chóng ổn định trong thời gian tới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ USD lên giá là do triển vọng kinh tế Hoa Kỳ khả quan hơn, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) chuẩn bị nâng lãi suất chính sách và rút dần các gói nới lỏng định lượng. Bên cạnh đó, nguyên nhân khác do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bất ngờ hạ các lãi suất chủ chốt xuống mức thấp kỷ lục. Thống kê cho thấy đồng tiền hiếm hoi tăng giá so với đồng USD là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc (NDT- CNY). Tính từ đầu tháng 6 tới nay, USD đã mất giá gần 2% so với NDT. Tuy vậy, so với đầu năm USD vẫn tăng giá 1,5% so với đồng NDT.

Trở lại với tỷ giá của VNĐ so với USD, từ đầu năm đến nay tỷ giá đã có sự biến động nhẹ, còn trong suốt 3 tháng gần đây tỷ giá ổn định quanh mức 21.200 VNĐ/USD. Tỷ giá trong nước ổn định trong bối cảnh 9 tháng đầu năm Việt Nam đã xuất siêu lên mức kỷ lục 2,4 tỷ USD, nên NHNN cũng tranh thủ lượng ngoại tệ dồi dào đã tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 35 tỷ USD. Như vậy, áp lực đối với tỷ giá gần như không có.

Do chính sách tỷ giá của NHNN là neo theo USD nên tỷ giá tiền VNĐ so với USD ổn định, nhưng so với các đồng tiền khác lại biến động rất mạnh. Chẳng hạn tỷ giá VNĐ so với JPY liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 7 tới nay. Cụ thể tỷ giá từ mức 201,04 VNĐ/JPY vào đầu tháng 7 giảm xuống chỉ còn 193,07 VNĐ/JPY vào ngày 3-10. Như vậy, VNĐ đã lên giá hơn 4% so JPY.

Tương tự, VNĐ cũng lên giá 8,8% so với đồng EUR trong khoảng thời gian này, còn so với các đồng tiền của các quốc gia trong khu vực như bath của Thái Lan, rupiah của Indonesia, đô la Singapore… cũng tăng giá từ 1-3% trong những tháng gần đây.

Tỷ giá USD/VNĐ vẫn trong tầm kiểm soát

Trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết định hướng tỷ giá USD/VNĐ trong năm nay có thể điều chỉnh tăng từ 1-1,43%. Từ đầu năm đến nay mức điều chỉnh đã là 1%, tức vẫn còn khả năng điều chỉnh tiếp 0,43% còn lại. Dù có những biến động trong mấy ngày qua nhưng mức tăng của tỷ giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tỷ giá USD/VNĐ tăng trong thời gian qua cũng là điều dễ hiểu. Bởi NHNN đang “bật đèn xanh” cho tín dụng ngoại tệ và tăng trưởng cho vay bằng ngoại tệ và đã liên tiếp tăng cao trong những tháng gần đây.

Như vậy, cầu ngoại tệ tăng dẫn đến tỷ giá cũng tăng. Một nguyên nhân quan trọng khác là do USD tăng quá mạnh so với hầu hết đồng tiền chủ chốt khác như JPY, EUR… cũng đã gián tiếp tác động lên tỷ giá VNĐ so với USD. Mặt khác, người dân cũng thường kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng trong 3 tháng cuối năm nên cũng đã tác động đến tỷ giá trên thị trường.

Cặp đôi VNĐ và USD cùng lên giá. Ảnh: LONG THANH

Mặc dù tỷ giá giữa VNĐ và USD sẽ ổn định, nhưng so với các đồng tiền khác chắc chắn sẽ có nhiều biến động. Như vậy đối với những khoản nợ hay các hợp đồng thương mại không phải bằng USD sẽ có lợi thế. Chẳng hạn, trước đây CTCP Nhiệt điện Phả Lại vay một lượng rất lớn ngoại tệ bằng JPY. Dù tỷ giá USD/VNĐ không biến động mạnh nhưng công ty này phải chịu một khoản thua lỗ lớn do đồng JPY lên giá so với đồng USD và cũng lên giá so với VNĐ.

Giữa năm 2014, Nhiệt điện Phả Lại lại ghi nhận khoản lợi nhuận lớn từ hoàn nhập dự phòng bởi JPY mất giá. Hay như hiện trong cơ cấu nợ công của Việt Nam, nợ bằng JPY chiếm tỷ trọng khá cao. Do vậy, một khi đồng JPY mất giá số nợ công tính theo USD cũng giảm.

Với nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào như hiện nay, khả năng tỷ giá sẽ biến động mạnh là không lớn. Tuy nhiên, khi VNĐ lại đang lên giá so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác trong khu vực và trên thế giới, sẽ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và nợ bằng USD của chính phủ, doanh nghiệp trong nước. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đến các quốc gia có đồng tiền mất giá so với VNĐ.

Nguồn SGGP: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20141004/usd-tang-vnd-len-gia.aspx