Ưu tiên bảo quản vỏ tàu cổ tại Quảng Ngãi

(Toquoc)-Trong giai đoạn trước mắt, việc nghiên cứu xử lý hiện vật sau khai quật, trục vớt con tàu và tiến hành bảo quản vỏ con tàu cổ tại Quảng Ngãi là nhiệm vụ cần được ưu tiên.

Đó là chỉ đạo của Bộ VHTTDL tại Văn bản số 2944/BVHTTDL-DSVH ngày 12/8 gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc bảo quản vỏ tàu cổ bị đắm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, Bộ VHTTDL hoan nghênh UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành khai quật thành công các hiện vật trên con tàu cổ đắm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.

Bộ VHTTDL cho rằng, việc khai quật và đưa vỏ tàu về bảo tàng để bảo tồn, phục vụ nghiên cứu và tham quan là phù hợp điều kiện kinh tế, kỹ thuật của nước ta hiện nay (Ảnh: Baodatviet)

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét, phê duyệt phương án bảo quản vỏ con tàu cổ còn nằm dưới biển bằng hai phương án: Một là, trục vớt đưa toàn bộ vỏ tàu về bảo tàng tỉnh xử lý, phục dựng, phục vụ tham quan nghiên cứu; Hai là bảo tồn thân con tàu cổ ngay tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn kết hợp trưng bày cổ vật dưới nước phục vụ nghiên cứu và du lịch.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi, Bộ VHTTDL cho rằng, việc khai quật và đưa vỏ tàu về Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi để bảo tồn, phát huy giá trị, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và tham quan là phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế, kỹ thuật của nước ta hiện nay.

Bộ cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở VHTTDL xây dựng phương án bảo quản, phát huy giá trị con tàu để xin ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học trước khi UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt.

Hiện nay, việc trục vớt cổ vật trên con tàu đắm tại vùng biển thuộc thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn tất. Các chuyên gia khảo cổ đã xác định được con tàu có tất cả 12 khoang; chiều dài phần đáy khoảng 20m, còn chiều rộng từ 5,6-8m.

Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã xác định nguyên nhân đắm tàu là do cháy nổ từ khoang thứ 4 đến khoang thứ 6. Các nhà khoa học cũng cho rằng, con tàu được tìm thấy là tàu đắm cổ nhất ở vùng biển Việt Nam, có cấu trúc vững chãi và độc đáo hiếm thấy. Tuy con tàu chỉ còn lại khoảng 30% so với tổng thể ban đầu của nó, thế nhưng với phần đế con tàu còn nguyên vẹn đến 80% và cụm bánh lái khá nguyên vẹn gần 100%.... là những chi tiết quí giá để giúp các nhà nghiên cứu thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu về những con tàu cổ.

Hơn 4.000 cổ vật được khai quật từ con tàu cổ còn nguyên vẹn có niên đại từ thế kỷ thứ 13 đang được bảo quản tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.

Hiện xác tàu cổ đang được bảo vệ bằng lớp cọc bê tông, quây lưới B40 và phun cát lấp toàn bộ vỏ tàu nhằm tránh bị xâm hại, chờ phương án khai quật và bảo quản./.

L. Minh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/11/di-san/118532/uu-tien-bao-quan-vo-tau-co-tai-quang-ngai.aspx