Ưu tiên cải cách tiền lương, chi cho con người

Chiều 7.9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần ưu tiên cho cải cách tiền lương, chi cho con người, và xem xét điều chỉnh mức đóng hưởng bảo hiểm xã hội cho hợp lý.

Năm 2017, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đề nghị chốt lại phương án tăng 7,3%, tức là từ 180.000 - 250.000 đồng.Ảnh minh họa

Báo cáo Chính phủ mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2017 trong tháng 9

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho biết, tiền lương doanh nghiệp (DN) cơ bản đã tiếp cận lương theo nguyên tắc thị trường trên 3 nội dung: Lương tối thiểu, thước đo thang bảng lương và cơ chế trả lương.

Trong 9 năm từ 2008-2016 năm nào chúng ta cũng điều chỉnh lương tối thiểu vùng của DN, theo nguyên tắc lương phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH và chỉ số giá.

Năm 2016 điều chỉnh lương tối thiểu vùng bình quân 12,4%. Năm 2017, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đề nghị chốt lại phương án tăng 7,3%, tức là từ 180.000 - 250.000 đồng với 94% số phiếu thông qua, bộ đang lấy ý kiến của các bộ, ngành địa phương và sẽ báo cáo với Chính phủ trong tháng 9.

Ông Huân cho biết: Chúng tôi cho rằng mức 7,3% được chia sẻ. Tuy nhiên dù Hội đồng họp rồi nhưng còn 3 hiệp hội đề nghị năm 2017 chưa nên điều chỉnh lương tối thiểu là Hiệp hội Dệt may, Chế biến thủy sản và Hiệp hội Hàn Quốc. Quan điểm của bộ là điều chỉnh 7,3% bản chất là đảm bảo tiền lương thực tế cho NLĐ, đề xuất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia tương đối phù hợp điều kiện hiện nay.

Về chính sách bảo hiểm xã hội, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng đây là cuộc cải cách rất khó khăn, cần bảo đảm tính ổn định lâu dài và phải có điều chỉnh chính sách. Bộ LĐTBXH đang tập trung xây dựng đề án phát triển BHXH theo chủ trương trung ương giao, làm sao giai đoạn 2016-2020 có 50% số người trong độ tuổi lao động có BHXH.

Hiện nay theo thống kê mới có 23%, tương đương 12,5 triệu/54,5 triệu người trong độ tuổi lao động có BHXH.

Bộ LĐTBXH cho rằng hiện tỉ lệ đóng BHXH của ta cao, tổng tỉ lệ đóng BHXH là 32%, trong đó người lao động 10,5%, người sử dụng lao động 22%. “Nhiều chủ sử dụng lao động, hiệp hội DN kiến nghị giảm con số 22% này xuống 18%. Bộ đang rà soát để đề nghị nghiên cứu giảm mức đóng của DN 0,5% với bảo hiểm thất nghiệp, 1% với bảo hiểm tai nạn lao động, và nghiên cứu giảm một số chi phí khác để có thể làm nhẹ bớt các khó khăn cho DN.

Chú trọng tạo nguồn cải cách tiền lương

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Bộ Nội vụ cần lưu ý kế hoạch triển khai xây dựng để trình trung ương 3 đề án: Cải cách tiền lương cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các DN; Đề án Cải cách chính sách BHXH; Đề án Cải cách chính sách người có công với cách mạng.

Tinh thần cải cách như Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI nói rõ: Để thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương cần phải tiếp tục cải cách hành chính; lưu ý các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương; Ưu tiên chi cho cải cách tiền lương, chi cho con người; yêu cầu địa phương dành 50% tăng ngân sách để cải cách tiền lương…

Về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2017, Phó Thủ tướng cho biết, cơ bản là thống nhất với đề nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Bộ LĐTBXH khẩn trương hoàn tất quá trình thẩm định lấy ý kiến trình Chính phủ xem xét ban hành trong tháng 9.

Phó Thủ tướng yêu cầu bộ cần tiếp tục đánh giá tác động của tiền lương tối thiểu đến sản xuất kinh doanh của DN, đời sống người lao động để xác định mức lương tối thiểu phù hợp.

Bên cạnh đó cần đảm bảo đồng thuận trong xã hội trong việc thương lượng quyết định mức lương tối thiểu.

Về vấn đề BHXH, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTBXH và các bộ, ngành liên quan đánh giá tỉ lệ đóng hưởng của quỹ BHXH, BH thất nghiệp để điều chỉnh mức đóng hưởng cho phù hợp, hài hòa quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, muốn làm được đề án đổi mới tiền lương thì phải thực hiện được đề án đổi mới tài chính, đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ.

Cho rằng ngành giáo dục đào tạo chưa quyết liệt trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng yêu cầu các trường đại học cần đẩy nhanh tính tự chủ, không tự chủ được toàn phần thì một phần, hiện mới 4 trường tự chủ là quá ít. Lĩnh vực khoa học công nghệ phải gắn với thị trường.

Phó Thủ tướng cho rằng chủ trương, cơ chế chính sách cho các đơn vị này đã có, nhưng chưa tạo được đột phá. Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ sớm soạn thảo đề án đổi mới quản lý, đổi mới cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập, trong năm 2017 phải thực hiện ngay để đầu năm 2018 thực hiện cải cách tiền lương.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/uu-tien-cai-cach-tien-luong-chi-cho-con-nguoi-590439.bld