Ưu tiên khắc phục công trình, đoạn tuyến giao thông xung yếu

Chiều 25/10, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên – Huế về công tác khắc phục thiệt hại do bão lũ.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và đoàn công tác của Bộ làm việc với Sở GTVT Thừa Thiên – Huế về công tác khắc phục hậu quả bão, lũ chiều 25/10

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ GTVT, ông Ngô Văn Tuân – Giám đốc Sở GTVT cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 8, số 10 và cơn bão số 11 gây thiệt hại nặng nề đến kết cấu hạ tầng GTĐB trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bão lụt đã gây thiệt hại cho ngành GTVT Thừa Thiên – Huế khoảng 94,228 tỷ đồng.

Trong đó, tuyến QL1 qua địa bàn tỉnh bị hư hỏng mặt đường 550 m2; sạt lở ta luy âm 11 m2; cây cối gãy đổ ra đường 465 cây; rãnh dọc bị lấp đất đá 1.438 m3; biển báo bị gãy đổ 137 cái; cống bị đất cát vùi lấp 250 m3; đèn tín hiệu giao thông bị gãy đổ 1 bộ; tấm nắp đậy rãnh dọc bị hư hỏng nặng 16 tấm; nhà Hạt, tường rào bị hư hỏng 6 cái. Tổng thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở ta luy dương 9.283 m3; sạt lở ta luy âm 12 m3; cây cối ngã đổ ra đường 35 cây; rãnh dọc bị lấp đất đá 190 m3; biển báo bị gãy đổ 25 cái; cống bị đất cát vùi lấp 311 m3; nhà hạt, tường rào bị hư hỏng 4 cái; rãnh xây hư hỏng 925 m; cầu cống hư hỏng 6 cái. Tổng thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng.

Nhiều cây cối 2 bên đường bị đỗ ngã sau cơn bão số 11

QL49 bị hư hỏng mặt đường 59.030 m2; lề đường bị xói lở 4.890 m2; sạt lở ta luy dương 3.120 m3; sạt lở ta luy âm 55,5 m3; cây cối gãy đổ ra đường 222 cây; rãnh dọc bị lấp đất đá 2.488 m3; biển báo bị gãy đổ 58 cái; cống bị đất cát vùi lấp 120 m3; nhà hạt, tường rào bị hư hỏng 1 cái; rãnh xây hư hỏng 245 m. Tổng thiệt hại khoảng 14 tỷ đồng. QL49B bị hư hỏng mặt đường 11.124 m2; sạt lở ta luy âm 12 m3; cây cối ngã đổ ra đường 2.192 cây; rãnh dọc bị lấp đất đá 190 m3; biển báo bị gãy đổ 25 cái; lề đường bị hư hỏng 661 m3; hốt bùn mặt đường 180 m3; dọn dẹp vệ sinh mặt đường 2.700 m2. Tổng thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng.

Các tuyến đường nội thị bị hư hỏng mặt đường 12.200 m2; cây cối gãy đổ ra đường 235 cây; hốt bùn mặt đường 1.200 m3; dọn dẹp vệ sinh mặt đường 5.400 m2. Tổng thiệt hại khoảng 6,5 tỷ đồng. Các tuyến đường tỉnh bị hư hỏng mặt đường 16.200 m2; sạt lở ta luy âm 1.800 m3; cây cối gãy đổ ra đường 2.835 cây; rãnh dọc bị lấp đất đá 1.900 m3; biển báo bị gãy đổ 65 cái; cống bị đất cát vùi lấp 670 m3; cầu cống hư hỏng hoàn toàn 1 cái; hốt bùn mặt đường 2.180 m3; dọn dẹp vệ sinh 10.200m2. Tổng thiệt hại khoảng 11,5 tỷ đồng.

Một đoạn QL49B bị hư hỏng do nước dâng cao sau bão số 11

Các huyện, thị xã và TP. Huế thiệt hại khoảng 44,228 tỷ đồng. Trong đó, TP. Huế 2,4 tỷ, huyện Quảng Điền 12,5 tỷ, huyện Nam Đông 10 tỷ, huyện Phú Vang 4,5 tỷ, huyện Phong Điền 3 tỷ, huyện Phú Lộc 2,9 tỷ, thị xã Hương Trà 8,668 tỷ và thị xã Hương Thủy 0,26 tỷ đồng

Ông Ngô Văn Tuân cho biết, với phương châm “4 tại chỗ” và được sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, ngành GTVT đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị bảo trì đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng khắc phục thiệt hại do bão, lụt (đảm bảo giao thông bước 1). Tuy nhiên, để hoàn trả lại nguyên trạng như ban đầu ngành GTVT cần phải có một nguồn kinh phí tương đối lớn. Sở GTVT Thừa Thiên – Huế đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam quan tâm hỗ trợ kinh phí kết hợp với nguồn kinh phí của địa phương khắc phục những thiệt hại do bão, lũ gây ra.

Ưu tiên hàng đầu là hoàn trả mặt đường đã bị xói lở, cầu cống bị hư hỏng và những điểm sạt lở có nguy cơ chia cắt cao như: cầu Tình Yêu (Km 19+731 tuyến ĐT 20, huyện A Lưới) đã bị hư hỏng hoàn toàn; Gia cố ta luy dương Km 75+100 QL49; Đoạn Km 39+840 – Km 48+050 QL49B. Trong đó, kinh phí xây dựng mới cầu Tình Yêu khoảng 3 tỷ đồng, kinh phí để khắc phục triệt để đoạn Km 75+100 QL49 khoảng 20 tỷ đồng và kinh phí khắc phục đoạn Km 39+840 – Km 48+050 QL49B khoảng 5 tỷ đồng.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao sự chủ động của ngành GTVT Thừa Thiên – Huế trong công tác phòng chống và khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra. Đồng thời, yêu cầu ngành GTVT tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện công tác đảm bảo giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện… Đối với cáo cáo thiệt hại của các địa phương, cần phải làm rõ bước 1 cần gì, bước 2 cần gì…, đặc biệt là đối với những tuyến đường huyện, xã xung yếu, thật sự bức xúc mà người dân không làm được; đồng thời tham mưu UBND tỉnh có phương án xử lý khắc phục và ngành GTVT hỗ trợ về mặt kỹ thuật…

Khắc phục sạt lở trên tuyến QL49

Thứ trưởng Lê Đình Thọ đồng ý chủ trương khắc phục cầu Tình Yêu, đồng thời nhấn mạnh việc cần phải khắc phục đoạn Km 39+840 – Km 48+050 QL49B, nhất là những vị trí mặt đường bị sình lún, đọng nước. Đối với kiến nghị của Sở GTVT về gia cố ta luy dương Km 75+100 QL49- đoạn này đã có thiết kế kỹ thuật trong Dự án của Ban QLDA 4 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) trong một gói thầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình QL49 từ Huế lên huyện A Lưới, nhưng gói thầu đoạn này chưa có kinh phí để triển khai, đang chờ thông tin nguồn vốn từ Quốc hội. Thứ trưởng chỉ đạo trước mắt cho gia cố ta luy ngay, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo giao thông khi trời mưa...

Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu ngành GTVT Thừa Thiên – Huế chủ động phối hợp triển khai kế hoạch kiểm soát tải trọng xe, rà soát hệ thống biển báo, lưu ý công tác đảm bảo ATGT đường thủy, đăng kiểm phương tiện, đặc biệt lưu ý chặt chẽ các trường hợp cơi nới thùng xe; thực hiện tốt công tác GPMB các dự án mở rộng QL1 và dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia...

Duy Lợi

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/giao-thong-phat-trien/ha-tang/201310/khac-phuc-hau-qua-bao-lu-tai-thua-thien-hue-uu-tien-khac-phuc-cong-trinh-doan-tuyen-giao-thong-xung-yeu-406942/