Ưu tiên tốt nhất cho việc bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chính lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo hướng: Ưu tiên tốt nhất cho việc bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông.

 Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, thảo luận tại hội trường. Ảnh: VPQH

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, thảo luận tại hội trường. Ảnh: VPQH

Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết: So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, số chương giữ nguyên và tăng 08 điều do bổ sung 05 điều mới. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận cao giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ...

Về quy tắc giao thông đường bộ (Chương II), nhiều ĐBQH góp ý về các quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em, về chấp hành tín hiệu đèn giao thông, về xe ưu tiên và các ý kiến góp ý về kỹ thuật văn bản đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu

Đối với các ý kiến góp ý liên quan đến bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu theo hướng: Ưu tiên tốt nhất cho việc bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông; có tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe ô tô (ghế trẻ em sơ sinh, ghế trẻ em nhỏ, đệm nâng) phải phù hợp với độ tuổi, thể trạng thực tế của trẻ em Việt Nam.

Bày tỏ đồng tình với quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cho biết: về bảo đảm an toàn cho trẻ em tham gia giao thông đường bộ, dự thảo Luật lần này có nhiều quy định đảm bảo an toàn cho trẻ em cả trường hợp trẻ ngồi trên xe ô tô, gắn máy và xe đạp. Đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ liên quan trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật, tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc này để bảo vệ tốt nhất cho trẻ em.

Bên cạnh đó, về Giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Điều 7), quy định "Giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em của cơ sở giáo dục mầm non học sinh, sinh viên, người học trong các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Toàn cảnh hội trường

Toàn cảnh hội trường

Trong đó, tại khoản 3 Điều 7, quy định "Trường trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại cơ sở giáo dục đó". Đại biểu Mai Thoa đề nghị cân nhắc "vai trò chủ trì" của cơ sở giáo dục, bởi việc xây dựng nội dung chương trình dạy học, bố trí giáo viên, đào tạo nghiệp vụ kỹ năng lái xe gắn máy để truyền đạt cho học sinh, phương tiện để hướng dẫn… đều thích hợp giao cho lực lượng cảnh sát giao thông chủ trì. Còn các cơ sở giáo dục chỉ "phối hợp" để bố trí thời gian, địa điểm cho học sinh tham gia học tập.

Tại Điều 11 về Quy tắc chung của dự thảo Luật, quy định: khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô mà không có người lớn ngồi cùng, người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp. Khi chở trẻ em dưới 06 tuổi bằng xe gắn máy, xe mô tô phải có dây đai an toàn hoặc ghế dành riêng cho trẻ em hoặc có người lớn ngồi cùng trẻ em phía sau.

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/uu-tien-tot-nhat-cho-viec-bao-ve-tre-em-khi-tham-gia-giao-thong-20210128160200392.htm