Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 14

Sáng 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bế mạc Phiên họp thứ 14. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, sau 8 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, UBTVQH đã hoàn thành chương trình phiên họp, cho ý kiến về các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư và công tác chuẩn bị kỳ họp. Đồng thời, UBTVQH xem xét một số vấn đề quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, nhìn chung công tác chuẩn bị cho phiên họp lần này có tiến bộ, thể hiện tinh thần tích cực, khẩn trương của các cơ quan hữu quan. Các thành viên UBTVQH, đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan đã đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng vào các nội dung.

Thay mặt UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến của UBTVQH để hoàn chỉnh hồ sơ các dự án luật, các báo cáo để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư.

UBTVQH đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp rà soát tích cực chuẩn bị nội dung thuộc trách nhiệm của mình để bảo đảm tiến độ, chất lượng, gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn quy định. Tổng thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp này để hoàn chỉnh dự kiến chương trình kỳ họp gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội; tiếp tục phối hợp để đôn đốc chuẩn bị nội dung và các điều kiện để cho kỳ họp tới, báo cáo UBTVQH tại phiên họp thứ 15 vào tháng 10.

* Trước khi bế mạc Phiên họp thứ 14, UBTVQH tiến hành giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2011-2016”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung giám sát.

Các đại biểu tán thành đánh giá của báo cáo kết quả giám sát về kết quả đạt được trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong thời gian qua. Trong giai đoạn từ năm 2011-2016, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản đã từng bước được hoàn thiện. Hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Vấn đề này đã có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, việc ban hành chính sách và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh còn nhiều bất cập, hạn chế. Nổi bật là hệ thống văn bản còn thiếu đồng bộ, quy định kết hợp giữa phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh còn chung chung, thậm chí thiếu khả thi. Công tác triển khai hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được mục tiêu, định hướng, chính sách ban hành còn dàn trải, chưa tập trung nguồn lực, có chính sách bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và lợi ích, uy tín của Nhà nước. Một số chính sách không đến được với người dân. Trong triển khai chính sách còn có việc chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, xem nhẹ mặt quốc phòng. Đặc biệt, trong khâu lập quy hoạch, kế hoạch, xây dựng các chương trình, đề án, việc kết hợp tham gia của các tổ chức, cá nhân khai thác hải sản, nhất là khai thác hải sản xa bờ với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo còn nhiều hạn chế, còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, nhất là về công tác tổ chức. Việc tổ chức khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản hiệu quả còn thấp, chưa phát triển được dịch vụ hậu cần nghề cá. Tàu cá nhiều nhưng chủ yếu là tàu nhỏ, tình trạng đánh bắt tận diệt vi phạm pháp luật của ngư dân vẫn chưa được xử lý triệt để.

Các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục làm rõ nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ công tác quản lý, điều hành, công tác xây dựng chính sách, việc thẩm định quy hoạch để xảy ra nhiều vụ việc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, không nêu chung chung.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị đoàn giám sát, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của UBTVQH, hoàn thiện báo cáo giám sát và dự thảo nghị quyết, xin ý kiến UBTVQH.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-be-mac-phien-hop-thu-14-518473