ỦY BAN TƯ PHÁP TỔ CHỨC TỌA ĐÀM LẤY Ý KIẾN VỀ VIỆC TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Sáng 03/5, tại Ninh Bình, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Tọa đàm về 'Lấy ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)'. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên và Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường đồng chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các đại biểu Quốc hội; đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật; đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, các cơ quan, tổ chức hữu quan, chuyên gia, nhà khoa học.

Toàn cảnh Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên cho biết tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Ủy ban Tư pháp đã chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan để chỉnh lý dự thảo Luật.

Nhấn mạnh, đây là dự án luật khó, có nhiều chính sách mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân; có liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp khác, như: Cơ quan điều tra, Cơ quan kiểm sát. Đặc biệt, việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, nhằm khẩn trương thể chế hóa tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên cho biết, quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã xin ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức hữu quan về từng nội dung cụ thể.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Ủy ban Tư pháp phối hợp với Viện nghiên cứu lập pháp tổ chức Tọa đàm lần này nhằm tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý, có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024); bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác Tòa án.

Trong không khí thảo luận sôi nổi, thắng thắn, trí tuệ, tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe trình bày tham luận bình luận về các chương của dự thảo Luật; về nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án; Quy định ngạch, bậc Thẩm phán; Việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các Tòa án nhân dân chuyên biệt (Hành chính, Sở hữu trí tuệ, Phá sản) và nêu nhiều kiến nghị cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên khẳng định, các ý kiến thảo luận của các đại biểu đã cung cấp những thông tin quan trọng, quý báu, giúp cho Ủy ban Tư pháp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Đã có 161 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu. Theo đó, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 (Luật hiện hành); ghi nhận việc chuẩn bị dự án Luật kỹ lưỡng, đã bám sát thực tiễn và yêu cầu trong việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, đề xuất được nhiều cơ chế, chính sách đổi mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án.

Vào tháng 3/2024 vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý sau Kỳ họp thứ 6 như về quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp; về việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án; đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; về ngạch, bậc Thẩm phán, bậc Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án; quy định tiền lương, phụ cấp của Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án; nhiệm kỳ Thẩm phán; về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp; phương thức tổ chức xét xử tại Tòa án; bảo vệ Tòa án…

Theo dự kiến chương trình, dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7, sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86561