Vạch mặt những 'thuốc độc' hiện hữu trên mâm cơm nhà bạn

Những chất độc như chì, nhôm, thủy ngân... luôn có trong các thức ăn hàng ngày của mỗi gia đình nếu chúng ta không biết lựa chọn và xử lý đúng cách.

Kim loại nặng Cadmium có thể gây ung thư

Những kim loại nặng từ chì tới thủy ngân đều có thể được tìm thấy trong nhiều loại đồ ăn yêu thích. Cadmium (Cd) là kim loại nặng có mặt hầu hết trong các loại rau củ và các loại ngũ cốc nguyên hạt, nguyên cám, do các loại rau củ này hấp thụ Cd từ đất. Hóa chất này được sử dụng trong ngành công nghiệp khai khoáng và luyện kim, là chất độc sinh ung thư và bệnh thận. Cd có thể hủy hoại thận về lâu dài, gây ra bệnh thận nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, nếu bạn ăn đồ ăn chứa Cd ngày hôm nay, 50% số lượng kim loại nặng này sẽ lẩn trốn trong gan, thận và ở lại trong cơ thể bạn 40 năm nữa.

Để hạn chế khả năng Cd lưu lại trên thực phẩm, bạn cần lột phần vỏ ngoài, hay chí ít là rửa rau củ kĩ càng bởi vì rất nhiều tạp chất từ các phân tử đất bám vào bề ngoài của rau.

Thủy ngân gây trầm cảm

Thủy ngân được phát tán vào đại dương do các quá trình khai thác khoáng sản và công nghiệp và có thể ảnh hưởng tới thủy, hải sản. Khi ở trong nước, thủy ngân được cá hấp thụ và tích tụ lại vào cơ thể động vật ăn thịt tiêu thụ cá… đồng nghĩa rằng con người, sinh vật cuối cùng trong chuỗi thức ăn, sẽ tiêu thụ lượng thủy ngân nhiều nhất.

Cá mập, cá kiếm và cá ngừ là những nguồn thực phẩm chính chứa thủy ngân - chất độc có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ. Ở người trưởng thành, ăn đồ ăn chứa thủy ngân có thể gây bủn rủn, đau đầu, mất ngủ, trầm cảm và thay đổi nhân cách.

Thực phẩm nhiễm chất độc từ thủy ngân có thể gây trầm cảm. Ảnh minh họa

Nhôm gây thoái hóa thần kinh

Một nghiên cứu của Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA) trước đó đã cho thấy kết quả bất ngờ: Liều lượng nhôm cao nhất được tìm thấy trong các mẫu trà sợi. Do trà được trồng trong đất có tính axít - vốn chứa mức độ nhôm khá cao, qua thời gian kim loại này dần đọng vào lá trà. Kẹo cũng có thể chứa nhôm do nhôm được sử dụng trong chất tạo màu thực phẩm. Ngoài ra, nhôm cũng được tìm thấy trong nước (lọc bằng nhôm sunfat).

Giới chuyên gia cảnh báo rằng nhôm dư thừa có khả năng lắng lại trong cơ thể, trong đó có não, và góp phần dẫn tới các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer, Parkinson và đa xơ cứng (MS).

Chì phá hủy sự phát triển của não

Thú hoang dã, như gà gô trắng, gà lôi và thỏ, thường được săn bắn một cách truyền thống bằng súng lắp đạn chì, mặc dù có những loại đạn thay thế ít độc hại hơn. Những mảnh đạn rất nhỏ vẫn có thể sót lại trong thịt thú sau khi đạn chì được gỡ ra.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng kể cả nồng độ rất thấp chì trong cơ thể vẫn có thể ảnh hưởng tới trí thông minh và hành vi. Ở trẻ nhỏ, chì có thể phá hủy sự phát triển não bộ. FSA cho rằng không có nồng độ an toàn của chì được cho phép trong cơ thể.

Organophosphate gây rối loạn tăng động

Organophosphate là một trong những loại thuốc trừ sâu phổ biến nhất được sử dụng trong ngành nông nghiệp, chứa trong các loại rau quả và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pediatrics năm 2010 đã xem xét mối liên quan giữa nồng độ chất chuyển hóa trong nước tiểu dialkyl phosphate của organophosphate và chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ 8-15 tuổi.

Trẻ em mắc bệnh này thường không thể chú ý được lâu, không thể ngồi yên lâu và hay hành động một cách bộc phát, không kìm chế được. Các nhà nghiên cứu thấy rằng phơi nhiễm organophosphate vào cơ thể ở mức độ bình thường làm tăng tỷ lệ ADHD ở trẻ em. Để tránh cơ thể tiếp xúc với hóa chất độc hại này nên chọn các loại trái cây và rau củ hữu cơ và rửa thật sạch trước khi ăn.

Dioxin ảnh hưởng tới sinh sản

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dioxin là hợp chất hóa học vô cùng độc hại. Khoảng 90% sự phơi nhiễm với dioxin ở người thông qua các loại thực phẩm như thịt, sữa, cá. WHO cảnh báo rằng, dioxin rất độc hại và ảnh hưởng đến sinh sản và phát triển, nội tiết, hệ miễn dịch và ung thư. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã hệ thống tại chỗ để giám sát nồng độ dioxin trong thực phẩm. Hạn chế nguy cơ phơi nhiễm hóa chất này bằng cách giảm hấp thụ các sản phẩm động vật như thịt và sữa.

Chất tạo màu carmel gây ung thư

Chất tạo màu caramel nhân tạo có trong các thực phẩm và đồ uống, sử dụng phổ biến nhất trong cola. Chất tạo màu caramel thường được tạo ra bằng cách đun nóng si-rô ngô với hợp chất ammoni, a-xít và kiềm. Hợp chất ammoni tham gia quá trình sản xuất gây nên phản ứng hóa học tạo ra 2 loại chất gây ung thư 2-methylimidazole và 4-methylimidazol. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, hãy kiểm tra các thành phần có trong thực phẩm bạn ăn để có thể tránh hấp thụ chất tạo màu caramel.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/vach-mat-nhung-thuoc-doc-hien-huu-tren-mam-com-nha-ban-d123380.html