Vạch trần thủ đoạn làm giấy phép lái xe giả siêu nhanh, siêu rẻ

(ĐSPL)- Nguyên nhân gây tai nạn giao thông thì nhiều, nhưng một trong những "tội đồ" không thể không nhắc đến là vấn nạn sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) giả.

Các cơ quan chức năng từng "đánh sập" nhiều "ổ nhóm" làm GPLX giả nhưng vì lợi nhuận "khủng", một số "đầu nậu" vẫn không ngần ngại thiết lập đường dây ngay trên mạng Internet để "giao thương" trục lợi.

Hai đối tượng trong một đường dây chuyên làm GPLX giả.

Siêu nhanh, siêu rẻ... không cần học

"Hôm nay, như mọi ngày, sẽ lại có hàng chục người ra khỏi căn nhà của mình rồi mãi mãi không về". Câu nói vang lên đều đặn trong chương trình giao thông "Chào buổi sáng" hẳn ám ảnh bao gia đình người Việt.

Một thực tế đau xót đã và đang diễn ra, mỗi ngày, "thần chết" tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của hàng trăm người khiến biết bao gia đình ly tán. Khi mổ xẻ những căn nguyên dẫn đến tai nạn giao thông, các chuyên gia đều đưa ra rất nhiều nguyên nhân.

Từ đường xuống cấp, ý thức người tham gia giao thông có vấn đề, đến khâu sát hạch, cấp GPLX bộc lộ nhiều "lỗ hổng". Tất cả hội tụ làm cho bức tranh về an toàn giao thông tại nước ta trở nên rối như canh hẹ, trong đó, không thể phủ nhận, tình trạng đào tạo, cấp phép GPLX đang diễn ra vô cùng bát nháo. Nói như lời của một điều tra viên đang công tác tại công an tỉnh Bắc Giang thì có lẽ chưa bao giờ, GPLX lại được làm giả như thật một cách dễ dàng như hiện nay.

Đủ chiêu quảng cáo, trăm kiểu "lách luật" để một chiếc GPLX đến tay người sử dụng mà chẳng cần mất một giây "đèn sách". Một số "đầu nậu" thậm chí lập cả đường dây quảng cáo công khai trên mạng, dán tờ rơi tại nhà ga, bệnh viện, ven đường đến trường học, thậm chí nhà vệ sinh công cộng… thông báo làm GPLX!

Lần theo thông tin quảng cáo được đăng tải trên mạng, chúng tôi liên lạc với số điện thoại 0976366… Đầu dây bên kia, một người phụ nữ tên L. (được đăng kèm lời quảng cáo) xác nhận: "Mình làm dịch vụ này có kinh nghiệm rồi nên bạn hoàn toàn an tâm".

Khi biết tôi có nhu cầu muốn làm một GPLX mô tô cho vợ theo kiểu "trọn gói" mà không cần học hành hay thi cử, chị này giới thiệu: "Bạn có thể chọn gói VIP2, chi phí là 550k" (550 nghìn đồng). Thấy tôi thắc mắc về mức giá này, chị L. giải thích: "Mình hiện có 3 gói dịch vụ cho bạn lựa chọn: Thị thường (tổng 230k, 130k nộp khi làm hồ sơ, 100k nộp khi đi thi); gói VIP1 (tổng 400k, 300k nộp khi làm hồ sơ, 100k nộp khi đi thi); và gói VIP2 (550k, 450k nộp khi làm hồ sơ, 100k nộp khi đi thi). Gói thi thường khách hàng phải tự thi; gói VIP1 sẽ chống trượt lý thuyết hoặc thực hành; gói VIP2 sẽ chống trượt cả hai".

Tỏ ra quan tâm tới gói VIP2, tôi hỏi lại: "Liệu có chắc chắn thi là đỗ không chị? Vợ em thi nhiều lần nhưng đều trượt vỏ chuối". Chị L. quả quyết: "Bạn an tâm đi, bọn mình đã "quan hệ" với các thành viên trong hội đồng rồi, nếu vợ bạn bận quá cũng không cần có mặt đâu!?".

Thấy tôi băn khoăn về độ tin cậy của tấm bằng lái xe máy kể trên, chị này khẳng định: "Bạn an tâm không phải bằng giả đâu. GPLX này do các cơ quan chức năng cấp(!?)". Khi tôi đặt câu hỏi, đơn vị nào cấp GPLX này, chị L. từ chối trả lời và nói thêm: "Số lượng khách hàng bọn mình giúp đỡ nhiều rồi, bạn không sợ bị lừa đâu". Kết thúc buổi "giao dịch", chị này hẹn tôi đến nộp hồ sơ tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân kèm theo lời nhắn: "Bạn nhắc vợ đến nộp hồ sơ sớm để bọn mình xếp lớp nhé!".

Nhiều đường dây bị "đánh sập"

Vấn đề đang đặt ra, nếu những quảng cáo đó là chuẩn, nếu những tấm GPLX được ra lò là "xịn" thì không có gì phải bàn. Đằng này, một số cá nhân đang lợi dụng tâm lý ngại thi cử của khách hàng mà "đẻ" ra dịch vụ bao trọn gói, thậm chí bất chấp thủ đoạn nhằm làm giả GPLX. Từ những manh mối này, cơ quan chức năng từng "đánh sập" rất nhiều đường dây làm bằng lái xe giả mà thủ đoạn các đối tượng dùng đơn giản đến mức khó tin.

Cách đây ít lâu, đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (công an TP.Thanh Hóa) đã bắt giữ 2 đối tượng Lê Sỹ Sơn (SN 1981, ở xã Quảng Thành, TP.Thanh Hóa) và Phạm Ngọc Lim (SN 1967, ở xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân) nằm trong đường dây chuyên làm GPLX mô tô giả và các loại bằng đào tạo nghề với số lượng lớn.

Hai đối tượng này đã dựng lên những "kịch bản" vô cùng đơn giản nhưng hiệu quả để qua mặt cơ quan chức năng cũng như khách hàng. Theo nguồn tin từ cơ quan công an, lợi dụng việc quen biết tại các trung tâm sát hạch cấp GPLX, các đối tượng đã thu gom ảnh, chứng minh nhân dân của những người không muốn thi cử để làm giả hồ sơ bằng công nghệ PED. Chúng thậm chí làm giả cả chữ ký, con dấu và các GPLX của trung tâm sát hạch trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa.

Được biết, chỉ cần bỏ ra từ 700 nghìn đến 3 triệu đồng khách hàng sẽ được bao trọn gói và sở hữu một GPLX mô tô hoặc ô tô giả… như thật. Bằng thủ đoạn trên, từ đầu năm 2013 đến khi bị bắt (tháng 9/2013), hai đối tượng trên đã câu kết với nhiều đối tượng khác bán ra thị trường hàng trăm GPLX mô tô giả.

Câu hỏi đặt ra, với những "thượng đế" của đường dây này, nếu không bị cơ quan chức năng "sờ gáy", họ sẽ tiếp tục sử dụng những tấm bằng lái xe giả để điều khiển phương tiện. Hậu quả, những vụ tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra và ngày càng nghiêm trọng.

Cũng trong thời gian tháng 9/2013, TAND tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Văn Điều (SN 1966, ở thôn An Phú 2, xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn) đã điều hành đường dây làm giả GPLX để thu lợi bất chính.

Thủ đoạn Điều sử dụng là lấy ảnh của người thi thuê dán và hồ sơ người dự thi mang đến một số cơ sở dạy nghề nộp theo các khóa học. Đến ngày thi, Điều thay ảnh của người thi thuê vào CMND gốc của người đăng ký dự thi để tiến hành sát hạch.

Sau khi phi vụ trót lọt, Điều đến nhận lại hồ sơ, GPLX, đem ảnh của người mua dán thay vào hồ sơ, GPLX và CMND rồi trả lại cho khách. Bằng thủ đoạn này, trong 2 năm 2010 - 2011, Điều đã tự liên hệ, làm giả hồ sơ, tài liệu cho 44 người với số tiền từ 850 nghìn đến 1,2 triệu đồng/trường hợp. Điều còn phối hợp với một đối tượng khác "chạy" GPLX theo hình thức "mua" thẳng cho các đối tượng có nhu cầu… Tại phiên sơ thẩm, Điều đã bị tuyên phạt 42 tháng tù cho hành vi phạm tội của mình.

Cũng vào thời điểm cuối tháng 9/2013, cơ quan điều tra công an huyện Đăk Pơ (Gia Lai) cũng phá dỡ một đường dây làm giả GPLX mô tô. Tính từ năm 2011 đến thời điểm sa lưới, các đối tượng đã câu kết với một số thành phần khác làm hàng trăm GPLX mô tô giả bán cho người có nhu cầu trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Giả 100% nhưng giống... như thật!?

Tiếp tục lần tìm trên mạng, chúng tôi còn nhận thấy những dòng quảng cáo làm GPLX trắng trợn hơn. Dân mạng thậm chí còn lập cả một trang Facebook làm GPLX giả. "Đầu nậu" tuyên bố thẳng sẽ làm "bằng giả như thật". Giá trọn gói đối với bằng A1 là 500 nghìn đồng/chiếc, loại B2 là 3 triệu đồng/chiếc. "Chúng tôi sẽ làm cho bạn một tấm bằng như ý, chất lượng, chính xác 100%. Tất cả là bằng giả 100% nhưng chất liệu phôi, dấu mộc, mộc nổi giống y như bằng thật, tuyệt đẹp, tuyệt đối bảo mật cho khách hàng…", người đăng quảng cáo quả quyết.

Kẽ hở bộc lộ ngay từ khâu sát hạch

Những vụ việc kể trên chỉ là rất nhỏ so với số lượng đường dây làm GPLX giả bị bóc dỡ. Dư luận không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi, liệu còn bao nhiêu bằng thật học giả, bằng giả chưa được phát hiện? Tại sao với thủ đoạn đơn giản như vậy, các đối tượng vẫn qua mặt được cơ quan chức năng? Rõ ràng, việc dịch vụ làm trọn gói bằng lái xe bị buông lỏng đã và đang thực sự đáng báo động, bởi những phát sinh đi kèm với nó luôn tiềm ẩn.

Theo thống kê của bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam hiện có khoảng 314 cơ sở đào tạo lái xe ôtô và 463 cơ sở đào tạo lái xe môtô. Số lượng này thuộc quản lý trực tiếp của các bộ, ngành, hiệp hội, địa phương. Bộ GT- VT cũng đang quản lý 94 Trung tâm sát hạch lái xe, với 38 Trung tâm loại 1 và 56 Trung tâm loại 2 và 23 Trung tâm đủ điều kiện để sát hạch lái xe hạng FC. Số lượng trung tâm không nhỏ đã gây không ít khó khăn cho khâu thanh, kiểm tra của lực lượng chuyên ngành. Việc bộc lộ bất cập để một số kẻ xấu lợi dụng trục lợi là khó tránh khỏi.

Những chuyên gia đầu ngành về giao thông đánh giá, hiện nay, các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp GPLX đang tồn tại nhiều hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất, sai sót trong công tác giáo vụ. Đôi khi các cơ sở đào tạo, sát hạch bằng lái tìm đủ mọi cách để thu hút học viên, dẫn đến chất lượng đào tạo giảm sút. Một số cán bộ lợi dụng móc ngoặc với đối tượng xấu đào tạo chui, cấp bằng không qua sát hạch. Thực tế, khi lực lượng chức năng phá dỡ những đường dây làm GPLX giả đã phát hiện một số cán bộ của các trung tâm cấu kết cùng hợp tác làm ăn với đối tượng phạm tội.

Lý giải cho hiện tượng "học giả bằng thật" đang diễn ra khá phổ biến trong đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hiện nay, thượng tá Trần Sơn (cục CSGT Đường bộ - đường sắt, bộ Công an) cho rằng: "Nhận thức của một bộ phận người dân về Luật giao thông đường bộ còn hạn chế". Theo ông Sơn, thay vì đến các cơ sở đào tạo chính quy, một số người đã tìm đến dịch vụ cung cấp bằng lái xe "chớp nhoáng", mong muốn không học cũng đỗ, bao trọn gói để chống trượt… Thậm chí, họ sẵn sàng mua GPLX giả để đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. "Bên cạnh đó, một số đối tượng vì tư lợi đã tham gia vào đường dây sản xuất, kinh doanh GPLX giả mà không biết rằng hành động trên sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Với những đối tượng này cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Sơn nhấn mạnh.

Cũng trao đổi với PV về vấn đề này, TS. Khương Kim Tạo, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thừa nhận: "Tôi không dám khẳng định công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hiện nay trông như một tờ giấy trắng. Bản thân những người quản lý xã hội cũng chẳng ai dám chắc chắn đội ngũ cấp dưới của mình trong sạch hoàn toàn". Theo quan điểm của TS.Tạo, một thực tế tồn tại là hiện nay chúng ta đang quá tập trung vào đào tạo mà chưa quan tâm nhiều đến sát hạch, thực hành. Chạy xe trong nội bộ trường dạy lái xe không gây tai nạn nhưng khi ra đường thực mọi việc sẽ khác.

Để ngăn chặn tối đa những tiêu cực trong đào tạo, cấp GPLX, TS. Khương Kim Tạo cho rằng, về lâu dài cần thiết lập hệ thống đường đủ chiều dài, độ khó nhất định để người lái cảm nhận được sự phức tạp. Thậm chí, mỗi tỉnh cần chọn ra những cung đường thích hợp để tiến hành sát hạch, phải có một buổi thực hành vào giờ cao điểm. Khi đã vượt qua những thử thách đó mới tiến hành cấp bằng. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch lại đội ngũ sát hạch viên, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực phát sinh.

Thực tế đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng

Đội trưởng một đội CSGT trên địa bàn Hà Nội cho biết, tài xế sử dụng bằng lái xe giả khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khôn lường đối với người xung quanh. Đối với cánh tài xế điều khiển xe du lịch, xe khách thì mức độ nguy hiểm càng tăng thêm gấp bội bởi tính mạng của hàng trăm người đều nằm trong tay họ. Thực tế đã ghi nhận không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc lái xe không có bằng lái.

Quy chuẩn của các cơ sở đào tạo, sát hạch cũng như quy trình kiểm tra còn kẽ hở

Người đứng đầu ngành giao thông từng thừa nhận, các quy chuẩn về điều kiện hoạt động của các cơ sở đào tạo, sát hạch cũng như quy trình kiểm tra chưa chặt chẽ, còn kẽ hở bị lợi dụng. Chất lượng công tác ra đề thi lý thuyết còn nhiều hạn chế, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức của một bộ phận giáo viên, sát hạch viên còn yếu kém. Đến nay, ngành giao thông đã phát hiện, xử lý 18 cơ sở vi phạm; đình chỉ tuyển sinh 8 trung tâm đào tạo lái xe; đình chỉ sát hạch 2 trung tâm sát hạch lái xe; thu hồi giấy phép đào tạo 1 trung tâm…

Anh Văn

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/vach-tran-thu-doan-lam-giay-phep-lai-xe-gia-sieu-nhanh-sieu-re-a6579.html