Vai trò cổ đông trong phản biện dự án?

Những ngày qua dư luận nói đến khá nhiều về dự án thép tỷ đô của Tập đoàn Hoa Sen. Vấn đề môi trường được đem ra mổ xẻ. Do hoạt động theo mô hình công ty đại chúng, nên với một dự án có quy mô lớn Hoa Sen sẽ phải đệ trình để ĐHCĐ thông qua. Theo những thông tin có được, 97% cổ đông dự đại hội đã thông qua dự án thép này.

Anh hùng chặn đoàn tàu

Chưa bàn đến các vấn đề làm hay không làm, ô nhiễm hay không ô nhiễm, song câu hỏi đặt ra là liệu các cổ đông đã nắm rõ về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, rủi ro của dự án thép tại Cà Ná của Hoa Sen hay chưa? Cách đây gần chục năm, ĐHCĐ của một doanh nghiệp niêm yết lớn trên sàn liên quan đến ngành hóa chất đã trở nên náo loạn vì ban lãnh đạo công ty đệ trình việc đầu tư xây dựng một nhà máy, nhưng thông tin chỉ gói gọn trong một tờ giấy A4. Trước sự phản ứng dữ dội của các cổ đông, đặc biệt một quỹ đầu tư đến từ Pháp, vấn đề đầu tư nhà máy đã được gác lại và ban lãnh đạo công ty hứa sẽ thông tin chi tiết đến các cổ đông. Thử đặt ra giả thuyết, nếu ngày hôm đó không có các NĐT tổ chức liệu dự án đó có được thông qua hay không? Câu trả lời là không dễ dàng, bởi lẽ cũng có không ít cổ đông nhỏ lẻ và các NĐT cá nhân có kiến thức, am hiểu các chuyên ngành rất sâu và rộng.

Có lẽ nên nhắc lại câu chuyện tại ĐHCĐ của CTCP Cơ điện lạnh Ree hơn nửa thập niên trước. Khi đó, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Thị Mai Thanh đã trình bày chủ trương đầu tư của công ty vào một số ngành, sau đó có một cổ đông cá nhân đứng lên phản biện rất có cơ sở và được cả đại hội vỗ tay tán thưởng. Trong giờ giải lao, bà Mai Thanh đã đến gặp trực tiếp cổ đông này để trò chuyện và được biết anh làm trong ngành kỹ thuật, hiện đã nghỉ hưu. Người đứng đầu của Ree sau đó thậm chí còn đưa ra lời đề nghị cổ đông này về công ty làm việc.

Thực tế, một dự án có rất nhiều thông số phức tạp mà chỉ có dân chuyên ngành hoặc người trong cuộc mới hiểu. Một vài trang giấy thực ra chỉ là cái cớ để làm rõ cho sự coi thường của doanh nghiệp đối với cổ đông, thậm chí ngay đến cổ đông lớn, cổ đông tổ chức nếu không có kiến thức chuyên ngành am hiểu sâu sắc cũng không nắm rõ được chi tiết hoạt động của doanh nghiệp. Thế nên mới có chuyện một chuyên viên phân tích ngành cao su đến khi đi thăm rừng cao su lại không phân biệt được cây cao su như thế nào. Hơn nữa một dự án dù có trình bày chi tiết đến đâu nhưng chưa làm thì cũng chỉ là trên giấy, vẫn còn đó những rủi ro không thể lường trước được.

Quang cảnh tại ĐHCĐ (ảnh chi mang tính chất minh họa).

Nhắm mắt biểu quyết

Đứng trên tư cách của một cổ đông bên ngoài, việc xác định tính khả thi, hợp lý của dự án là không đơn giản và có sự bất tương xứng. Có những trường hợp dự án khả thi dưới góc nhìn chuyên môn nhưng không khả thi dưới góc nhìn công chúng, và ngược lại có khi số đông cổ đông thông qua một dự án nào đó cũng không đồng nghĩa với dự án đó khả thi. Ngoài ra, có thể dù cổ đông không hiểu nhưng vẫn có thể thông qua dự án. Chẳng hạn CP A tăng giá tính bằng lần cổ đông, NĐT lãi lớn, công ty cũng công bố kết quả kinh doanh khả quan. Rồi sau đó A triệu tập ĐHCĐ để trình bày một dự án có vốn đầu tư khủng, hứa hẹn đem lại nhiều lợi nhuận. Đứng ở góc độ một cổ đông, những người mua CP và lãi lớn, thì cái nhìn về dự án này cũng có thể là rất tích cực và họ kỳ vọng dự án này có khả năng khiến cho giá CP tăng cao hơn nữa. Đây là chuyện rất bình thường, vậy nên dự án có thể được thông qua một cách dễ dàng.

Đó là chưa kể có những trường hợp NĐT mua CP vì thuần túy lướt sóng, mua nay bán mai, mua khi CP đang ở xu hướng tăng giá nên chẳng cần quan tâm nhiều và chi tiết đến các hoạt động của công ty. Đây cũng là điều rất bình thường và phải chấp nhận trên TTCK. TTCK dựa trên niềm tin cũng như sự kỳ vọng, nghĩa là dù NĐT không nắm rõ về các dự án nhưng họ nhìn vào quá khứ và thấy được những thành quả của công ty nên sẽ kỳ vọng. Nhưng lúc này kỳ vọng có thể tạo ra những mặt trái và cả rủi ro, bởi không ai chắc chắn rằng trong quá khứ kinh doanh hiệu quả thì dự án sắp tới cũng như vậy.

Đó là chưa nói đến việc có trường hợp doanh nghiệp dựa vào sự dễ dãi của cổ đông, dù có người đưa ra biểu quyết những vấn đề chưa phù hợp nhưng rồi cũng được thông qua. Nghĩa là chuyện biểu quyết tại ĐHCĐ nhìn có vẻ rất công bằng, nhưng thực tế dấu ấn của ban lãnh đạo hay các cổ đông lớn là rất rõ ràng. Nói tóm lại cổ đông có quyền lợi và trách nhiệm rất rõ ràng, nhưng phát huy tới đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Cơ chế HĐQT có các thành viên độc lập đã xuất hiện được vài năm, nhưng hiệu quả vẫn còn để ngỏ vì các cổ đông nhỏ lẻ liệu có quan tâm đến việc liên hệ truyền đạt các ý kiến, quan điểm của mình cho các thành viên độc lập thấy chưa. Các thành viên độc lập đã quyết liệt lắng nghe ý kiến từ số đông hay vẫn thân thiết với các cổ đông lớn và những lãnh đạo doanh nghiệp hơn?

Đây là những câu hỏi còn bỏ ngỏ và có thể phải mất thêm thời gian để tìm được một câu trả lời thỏa đáng. Và trong khoảng thời gian đi tìm câu trả lời, chắc chắn vẫn sẽ xảy ra những hiện tượng mâu thuẫn về lợi ích thông tin giữa doanh nghiệp, cổ đông, NĐT và xã hội.

MINH TRANG

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160907/vai-tro-co-dong-trong-phan-bien-du-an.aspx