Vai trò của Hội Xuất bản trong tham gia xây dựng quy phạm pháp luật

Hội Xuất bản Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ phát triển sự nghiệp xuất bản.

VAI TRÒ CỦA HỘI XUẤT BẢN VIỆT NAM TRONG VIỆC THAM GIA XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP XUẤT BẢN

Quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ III (2011-2016) và cho đến nay, Hội Xuất bản Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ phát triển sự nghiệp xuất bản. Có thể điểm lại một số việc cụ thể như sau:

Hội đã nghiên cứu, đề xuất và đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhất là những nội dung liên quan đến hoạt động xuất bản và phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của đất nước.

Theo Điều lệ, Hội đã soạn thảo và ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp hội viên Hội Xuất bản Việt Nam; Quy chế hoạt động của các Ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc.

Nhằm phát triển văn hóa đọc, Hội đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án về Ngày Sách Việt Nam.

Hội đã tham gia đóng góp ý kiến, đồng thời, trực tiếp tham gia soạn thảo, xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật như: Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật xuất bản 2012; Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc và xây dựng, Hội đã tổ chức nghiên cứu và đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21-4-2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, quản lý và hoạt động của các hội.

Để chuẩn bị cho Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42/CT-TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, năm 2014, Hội đã tổ chức Hội nghị để đóng góp. Thông qua hội nghị, nhiều ý kiến có trách nhiệm về cơ chế chính sách và hướng phát triển của ngành xuất bản Việt Nam của Hội đã được chuyển đến Đảng và Nhà nước.

Năm 2016, Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức hai cuộc tọa đàm ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để lắng nghe ý kiến của các hội viên là các nhà xuất bản và các công ty phát hành sách, công ty kinh doanh sách về Bộ luật Hình sự 2015. Căn cứ kết quả của các buổi tọa đàm, Hội đã có văn bản gửi đến các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và tổ chức có liên quan kiến nghị sửa đổi cơ bản Điều 344 trong Bộ luật Hình sự 2015. Đề xuất này của Hội Xuất bản đã được các cơ quan của Chính phủ nghiên cứu tiếp thu.

Có thể nói trong nhiệm kỳ qua, Hội Xuất bản Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ phát triển sự nghiệp xuất bản.

Trong thời gian tới, yêu cầu nâng cao vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ phát triển sự nghiệp xuất bản ngày ngày càng cao. Trong khi đó, nguồn lực tài chính của Hội còn rất khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân lực hạn chế, cán bộ các cấp Hội hoạt động chưa đều tay, vẫn còn các hội viên chưa thật tích cực tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội... Điều đó đòi hỏi Hội cần tích cực, chủ động phối hợp với các vụ, cục của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của các hội viên tham gia tích cực vào việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ phát triển sự nghiệp xuất bản. Với tinh thần đó, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới Hội Xuất bản Việt Nam cần:

Tiếp tục tuyên truyền phổ biến, vận động hội viên thực hiện nghiêm túc Luật xuất bản và luật pháp của Nhà nước; phối hợp với các cơ quan quản lý hoạt động xuất bản của Đảng và Nhà nước tổ chức các lớp bồi dưỡng về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ cho hội viên.

Tham gia với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch, cơ chế và các quy định chi tiết thực hiện Đề án Giải thưởng Sách Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức tốt Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia giai đoạn 2016-2021; xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức Ngày Sách Việt Nam trên toàn quốc, trong đó tập trung vào các khu vực trọng điểm với các hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn.

- Ba là, tiếp tục triển khai việc thực hiện Kết luận số 102-KL/TW ngày 22-9-2014 của Bộ Chính trị về tính chất chính trị của Hội, tiến hành các việc liên quan với các cơ quan chức năng. Triển khai thực hiện Luật về hội khi Quốc hội thông qua, xây dựng cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động và chương trình hoạt động mới phù hợp với Luật về hội.

Thực hiện Thông báo số 19-TB/TƯ ngày 29-12-2016 thông báo Kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 25-8-2004 khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, trong đó có việc đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ hỗ trợ xuất bản và quảng bá xuất bản phẩm nhằm từng bước hiện thực hóa sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã được ghi trong Chỉ thị số 42-CT/TƯ và Điều 7 Luật xuất bản 2012, từ đó định hướng cho việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển lành mạnh, đúng hướng.

Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương thông báo cho Hội Xuất bản Việt Nam kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các đề án về lĩnh vực xuất bản và các lĩnh vực có liên quan đến lĩnh vực xuất bản để Hội có thể thực hiện được nhiệm vụ Ban Bí thư quy định tại Quyết định 283 -QĐ/TƯ ngày 26-1-2010 về tham gia xây dựng các văn bản nói trên.

Chủ động cùng các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm rà soát các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi hoặc đề nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản. Mạnh dạn cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đẩy mạnh cải cách hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản đúng pháp luật.

Trần Quốc Dân
NXB Chính trị Quốc gia Sự thật

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vai-tro-cua-hoi-xuat-ban-trong-tham-gia-xay-dung-quy-pham-phap-luat-post749299.html