Vai trò, ý nghĩa của 'Độc lập - Tự chủ' với Việt Nam và bài học kinh nghiệm chia sẻ với các nước châu Phi - Trung Đông

Sáng 10/11 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề 'Độc lập – Tự chủ: Nghiên cứu và chia sẻ giữa Việt Nam và các quốc gia Châu Phi và Trung Đông' do Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông tổ chức.

PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Khu vực quan trọng

Châu Phi và Trung Đông được gắn với nhau không chỉ bởi sự kết nối về địa lý, mà còn có sự tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ. Bên cạnh sự giàu có của một số quốc gia vùng Vịnh, hai khu vực này được biết đến là sự bất ổn, bạo lực, xung đột, chiến tranh và nghèo đói, dịch bệnh.

Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, trong giai đoạn 2000 - 2010, sáu trong số mười quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới nằm ở châu Phi cận Sahara: Angola, Nigeria, Ethiopia, Chad, Mozambique và Rwanda. Còn châu Phi của ngày hôm nay là Kenya và các quốc gia Tây Phi tích cực sử dụng blockchain để xác minh hồ sơ tài sản; Nam Phi đứng đầu tiên trong bảng xếp hạng các Hệ sinh thái công nghệ châu Phi; Lagos (Nigeria) ghi nhận số lượng công ty khởi nghiệp cao nhất ở châu Phi; Nigeria là quốc gia dẫn đầu về Bitcoin và tiền điện tử; hơn 400 cụm công nghệ đã mọc lên trên khắp lục địa, với ba trung tâm chính Lagos, Nairobi và Cape Town; Morocco thúc đẩy số hóa hướng tới một môi trường tài chính kỹ thuật số hoàn toàn. Ai Cập đặt mục tiêu sản xuất 42% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2035…

Còn ở Trung Đông, thực tế cho thấy các chính phủ và thế hệ doanh nhân mới nổi ở Trung Đông tập trung phát triển các lĩnh vực khoa học và đổi mới, hỗ trợ rất lớn dành cho giới trẻ trong việc học các kỹ năng công nghệ mới và đây là những hướng phát triển nghề nghiệp phổ biến nhất đối với thanh niên Trung Đông. Nghiên cứu của UNESCO đã phát hiện ra rằng từ 34% đến 57% sinh viên tốt nghiệp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) ở các nước Arab là phụ nữ - cao hơn nhiều so với các trường đại học châu Âu hoặc Mỹ. Các quốc gia giàu tài nguyên đang thực hiện các chương trình cải cách đa dạng hóa kinh tế, chuyển đổi số, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. UAE đã đặt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050, và để đạt được mục tiêu UAE đặt mục tiêu tăng đóng góp của năng lượng tái tạo vào hỗn hợp năng lượng của mình từ mức hiện tại là 13% lên 31% vào năm 2025. Saudi Arabia ra mắt của nhà máy điện mặt trời Sakaka 300 MW, dự án năng lượng tái tạo quy mô tiện ích đầu tiên của quốc gia này, là một trong những nhà máy lớn nhất thế giới sau khi hoàn thành. Qatar cũng đã tập trung vào việc tăng cường khả năng tự cung tự cấp trong một số lĩnh vực, như cải thiện an ninh lương thực bằng cách đầu tư vào các giải pháp nông nghiệp công nghệ cao, thành lập các cơ sở tái chế công nghiệp để giảm lượng khí thải carbon của ngành công nghiệp nặng…

Tại hội thảo, các diễn giả tham gia tọa đàm đã chia sẻ về tầm quan trọng của khu vực châu Phi-Trung Đông, cùng mối quan hệ đặc biệt của các nước với Việt Nam; nhấn mạnh việc nhiều nước trong khu vực coi Việt Nam là tấm gương đấu tranh giành độc lập dân tộc và đã từng tích cực ủng hộ và giúp đỡ nhân dân ta trong cuộc kháng chiến cứu nước.

Các diễn giả trong phiên thảo luận tại Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Các diễn giả trong phiên thảo luận tại Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Những bài học có thể chia sẻ

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông cho biết, gần đây, tình hình mâu thuẫn, xung đột ở một số nước châu Phi và Trung Đông đã làm dấy lên sự lo ngại của cộng đồng thế giới về những sự thay đổi nhanh chóng, bất ổn, khó dự báo.

Trong khi đó, nhìn lại Việt Nam, chúng ta càng thấy có niềm tin về sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đường lối đối ngoại hết sức đúng đắn của Chính phủ. Nhờ vậy, Việt Nam hiện đang trở thành một quốc gia có mô hình tăng trưởng bền vững, phát triển nhanh nhất trên thế giới. Mô hình kinh tế - chính trị Việt Nam được nhiều quốc gia châu Phi và Trung Đông mong muốn được chia sẻ và học tập kinh nghiệm.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề như: Vai trò, ý nghĩa của độc lập đối với sự phát triển của đất nước; quan điểm của Đảng ta về độc lập trong giai đoạn hiện nay; vấn đề độc lập – tự chủ trong quan hệ quốc tế; những điều Việt Nam cần lưu ý để tránh tình trạng bất ổn như một số quốc gia Trung Đông - Châu Phi hiện nay; con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta mưu cầu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cho người dân Việt Nam có thể chia sẻ với các bạn bè năm châu, với châu Phi và Trung Đông như thế nào...

Qua đó, các đại biểu khẳng định, độc lập dân tộc là khát vọng mang tính phổ biến với toàn nhân loại. Với dân tộc Việt Nam, đó còn là một giá trị thiêng liêng, được bảo vệ và giữ gìn bởi máu xương, sức lực của biết bao thế hệ người Việt Nam.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc phải gắn liền với thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn với tự do, dân chủ, ấm no hạnh phúc của nhân dân. Khi Tổ quốc lâm nguy trước thù trong giặc ngoài, Người khẳng định với câu nói bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đây không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống, là lý do chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, là nguồn động viên đối với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, trong đó có các quốc gia châu Phi và Trung Đông.

Các đại biểu cũng cho rằng Việt Nam ngày càng thấm thía tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là "Chỉ có độc lập dân tộc thật sự mới có một nền hòa bình chân chính; chỉ có hòa bình chân chính, mới có độc lập dân tộc hoàn toàn" và cần tiếp tục triển khai chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các nước trên thế giới, giữ độc lập tự chủ trong các mặt chính trị - kinh tế - văn hóa…

Đây là một Hội thảo khoa học có ý nghĩa cấp thiết cả về mặt lý luận, thực tiễn và thời sự khi tình hình địa chính trị khu vực có nhiều biến động. Hội thảo cũng là hoạt động thiết thực nhằm góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 35/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các tư tưởng sai trái, thù định trong tình hình mới” và tiếp tục thực hiện Quyết định số 2015/QĐ-TTg ngày 24/10/2016 về “Đề án phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Phi – Trung Đông giai đoạn 2016-2025”.

Casic đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Casic đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ thành lập ngày 15/1/2004. Viện có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản về khu vực châu Phi và Trung Đông nhằm cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối, chiến lược và chính sách, thúc đẩy hợp tác phát triển giữa Việt Nam với các quốc gia châu Phi và Trung Đông.

Chặng đường 20 năm của Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông đã có những đóng góp và chứng kiến các giai đoạn phát triển với nhiều thành tựu đáng tự hào nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức trong phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi – Trung Đông.

Sau 20 năm hình thành và phát triển, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông chuẩn bị bước sang một trang mới, với sứ mạng và mục tiêu mới theo Quyết định 108/TTg của Thủ tướng Chính phủ, đó là hợp nhất với Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, hình thành Viện Ngiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi.

Nhân dịp này, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông đã tổ chức lễ tri ân các thế hệ cán bộ nhân viên của Viện qua các thời kỳ, Đại sứ quán các nước châu Phi-Trung Đông, các cơ quan, tổ chức, đối tác, chuyên gia, đồng nghiệp trong nước và quốc tế đã luôn đồng hành với Viện.

Nguyễn Kim - Nguyễn Hồng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vai-tro-y-nghia-cua-doc-lap-tu-chu-voi-viet-nam-va-bai-hoc-kinh-nghiem-chia-se-voi-cac-nuoc-chau-phi-trung-dong-249502.html