Vải u hồng đang dần 'lên ngôi'

Vải thiều u hồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại vải khác. Vì thế, nhiều nông dân đã và đang lựa chọn loại cây trồng này để phát triển kinh tế.

Giống vải thiều u hồng có nguồn gốc từ Hải Dương. Loại vải này có tốc độ sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh, thích hợp với nhiều loại đất. Vải u hồng khi chín có màu đỏ hồng, quả đẹp, ruột dày, vị ngọt vừa phải, nên người tiêu dùng ưa chuộng.

 Ông Nguyễn Văn Nuôi (giữa), bon Păng Sim, xã Trường Xuân (Đắk Song) có thu nhập cao nhờ trồng vải U Hồng (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Ông Nguyễn Văn Nuôi (giữa), bon Păng Sim, xã Trường Xuân (Đắk Song) có thu nhập cao nhờ trồng vải U Hồng (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Anh Nguyễn Văn Minh, thôn Nam Xuân, xã Nam Đà (Krông Nô) có kinh nghiệm trồng vải hơn 10 năm qua cho biết, ở nước ta có hơn 30 giống vải, nhưng nhiều giống không phù hợp với đất đai, khí hậu ở Tây Nguyên.

Trước đây, gia đình anh trồng nhiều giống vải như thiều Lục Ngạn, u dây, Hùng Long, u thâm và một số giống vải khác, nhưng đều thất bại. Chỉ có giống vải u hồng là có hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay gia đình anh chọn trồng vải u hồng để phát triển sản xuất. Gia đình anh Minh vừa thu hoạch và bán hơn 10 tấn vải u hồng với giá 45.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh thu về gần 300 triệu đồng.

Mặc dù năm nay mất mùa, mất giá, nhưng vườn vải u hồng của anh Minh vẫn đem lại lợi nhuận khá cao.

 Vải U Hồng thường chín sớm, nên bán được giá và dễ tiêu thụ (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Vải U Hồng thường chín sớm, nên bán được giá và dễ tiêu thụ (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Giống vải u hồng trồng ở Tây Nguyên thường chín sớm, né được thời điểm các vựa vải ở miền Bắc vào mùa thu hoạch, nên giá bán thường cao hơn và dễ tiêu thụ.

Theo kinh nghiệm của anh Minh, thời tiết ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây vải u hồng. Loại cây này phù hợp với nhiệt độ từ 15-17 độ C, khi đó vải ra nhiều hoa và đậu nhiều quả. Cứ năm nào thời tiết nóng hoặc chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, bà con nông dân cần có biện pháp làm mát cho vườn vải.

Gia đình anh Trương Công Định, thôn 7, xã Đắk N’Drung (Đắk Song), trồng hơn 300 cây vải u hồng, tương đương hơn 2 ha đất. Cách đây 9 năm, anh đến Krông Nô học tập kinh nghiệm và quyết định chọn trồng vải u hồng.

Theo anh, loại vải u hồngcó thể nhân giống bằng hạt, ghép hoặc chiết cành. Quá trình phát triển loại cây này, anh nhận thấy chiết cành là phổ biến nhất, vì vải nhanh cho quả. Nếu trồng vải bằng giống chiết cành chỉ cần 3 năm đã cho thu hoạch.

Năm nay, vườn vải của anh đạt sản lượng hơn 10 tấn quả, mang lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Gia đình anh đang chuẩn bị trồng thêm khoảng 1.000 cây vải u hồng trong mùa mưa này.

 Vải u hồng được đóng thùng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Vải u hồng được đóng thùng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Theo những người trồng vải u hồng, một trong những hạn chế của loại cây này là quả thường bị sâu ở phần đầu cuống, dẫn đến phần ruột bị hỏng. Nhưng tình trạng này đã được một số nông dân khắc phục hiệu quả.

Vườn vải u hồng hơn 250 cây của ông Nguyễn Văn Nuôi, bon Păng Sim, xã Trường Xuân (Đắk Song), nhiều năm nay không bị sâu đầu cùi. Ông Nuôi cho biết, vải bị sâu đầu cùi là do ấu trùng gây ra vào thời điểm quả cúi đầu.

Ở thời điểm quả bắt đầu làm cùi, vỏ còn xanh, nên có thể sử dụng thuốc để tiêu diệt ấu trùng, không cho chúng xâm nhập. Sau khi phun thuốc đuổi ấu trùng hơn 1 tháng, quả vải mới chín và thu hoạch, nên bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Thanh Nga

439

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/vai-u-hong-dang-dan-len-ngoi-86733.html