Valentin Nepomnyazchy: "Chúng ta đang liều mạng với các thế hệ"

- Vấn đề tình cảnh của nền văn hóa cao cấp không phải là chuyện tiện nghi, uy tín hay một cái gì khác, mà là vấn đề của chính sự tồn vong đất nước.

Để văn hóa trượt hẳn xuống vệ đường thương mại - đấy là một việc có tính tự sát đối với chúng ta. Nước Nga hiện nay vẫn duy trì giải thưởng quốc gia trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ như dưới thời Xô Viết. Năm 2001, giải văn học được trao cho các nhà văn Vladimir Voynvits (tiểu thuyết "Sự tuyên truyền hoành tráng"), Andrey Volos (tiểu thuyết "Hurramabad"), Nhà Puskin học Valentin Nepomnyazchy - người được nhận giải trong lĩnh vực hoạt động giáo dục cho cuốn sách "Puskin. Bức tranh thế giới của nước Nga". Dưới đây là bài phát biểu của ông Valentin Nepomnyazchy trong buổi lễ trao giải thưởng có cả Tổng thống Nga V. Putin đến dự: "Tôi muốn cám ơn ban giám khảo Giải thưởng quốc gia trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, tạp chí "Thế giới mới" đã đề cử cuốn sách của tôi "Puskin. Bức tranh thế giới của nước Nga", tất cả những ai đã ủng hộ sự đề cử đó, cám ơn ban lãnh đạo Moskva (không có chương trình "Khoa học cho Moskva" mà trong khuôn khổ của nó hiện nay tại thủ đô có hai niên giám về Puskin thì cuốn sách của tôi đã có thể không ra đời được). Sau cùng tôi xin cám ơn nhà nước đã không hủy bỏ mà duy trì giải thưởng quốc gia trong lĩnh vực văn hóa - đó là biểu tượng cho thấy nền văn hóa cao không phải là văn hóa trình diễn, không phải là văn hóa kinh doanh, không phải là "văn hóa và thư giãn", mà là thứ văn hóa tạo nên niềm tự hào và vinh quang của nước Nga trên toàn thế giới, thứ văn hóa đúc nên tâm hồn con người và đòi hỏi sự nỗ lực của tâm hồn và trí tuệ, thứ văn hóa còn cần thiết cho nhà nước. Tôi nói "biểu tượng", trong trường hợp này đó là một từ vừa tốt đẹp, cao quý, vừa cay đắng. Có mặt trong gian phòng này là những người may mắn được tặng thưởng cho công sức lao động của mình nhờ sự ủng hộ và cổ vũ của nhà nước. Phần cơ bản của những gì làm được trong lĩnh vực văn hóa cao cấp, chân chính, như ai cũng biết, đã được thực hiện bởi những người đang lâm cảnh khốn cùng mà lẽ ra nhà nước đã phải trợ cấp giúp đỡ. Tôi xin lỗi vì trong buổi lễ long trọng này lại nói chuyện công việc, nhưng tôi phải chia sẻ nỗi đau gần như hàng ngày, gần như là thể xác mỗi khi nghĩ về số phận nền văn hóa của chúng ta đang bị dồn bỏ vào kho, bị biến từ bánh mì thành pháo bông, bị truy ép cưỡng bức theo quy luật "nhu cầu" thị trường. Tôi sẽ không nói những lời thảm thiết về tình cảnh của các nhà hoạt động văn hóa - đây là nói về số phận của nước Nga. Đặc trưng, tính cách, nhân cách của nước Nga đã được hình thành đến mức đối với nó vấn đề tình cảnh của nền văn hóa cao cấp không phải là chuyện tiện nghi, uy tín hay một cái gì khác, mà là vấn đề của chính sự tồn vong đất nước. Để văn hóa trượt hẳn xuống vệ đường thương mại - đấy là một việc có tính tự sát đối với chúng ta. Có một khái niệm là "bộ não Nga". Hiện tượng này cả thế giới đều biết. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng "bộ não Nga" - đó là hiện tượng không phải thuộc phạm trù sinh học, dân tộc học, mà thuộc phạm trù văn hóa và nhân văn: đặc trưng của bộ não Nga là tầm cao bay bổng, tầm nhìn xa rộng, là sự độc đáo và táo bạo của các quyết định, sự bất ngờ của những bước ngoặt - tất cả những cái đó gắn liền với những phẩm chất của nền văn hóa Nga, với những nền tảng nhân văn rộng lớn xây nên hệ thống giáo dục muôn đời của chúng ta - một hệ thống tốt nhất thế giới, mặc dù còn đầy rẫy khuyết điểm. "Dostoevsky đã mang lại cho tôi nhiều hơn toán học, nhiều hơn Gauss!" - Albert Einstein đã nói như vậy. Sự sụp đổ thị hiếu - đó là sự sụp đổ trí tuệ. Nếu nền văn hóa Nga có truyền thống từ Puskin và Dostoevsky vẫn bị ở vị thế một người bà con nghèo thì chúng ta sớm hay muộn cũng phải chia tay với "bộ não Nga". Tất cả những điều tôi nói chẳng để làm gì. Tôi - và không chỉ riêng tôi - hết sức lo lắng khi thấy trong thông điệp của tổng thống gửi quốc hội liên bang không có một lời nào nhắc đến các vấn đề văn hóa. Nên nghĩ sao về chuyện này, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: cần phải đặt vấn đề văn hóa như một trong những vấn đề ưu tiên, như vấn đề về an ninh quốc gia và chính sự tồn vong: đây là nói về hệ thống giá trị của chúng ta, về tâm hồn và bản chất của nước Nga. Nếu không mọi thành tựu kinh tế sẽ là vô ích. Xem nhẹ tình hình văn hóa là một thái độ hết sức không thực tế (nếu dùng khái niệm đang thời thượng hiện nay). Chúng ta cần có một quan niệm về văn hóa, một định nghĩa văn hóa là gì, cái gì là giá trị (vượt trên "văn hóa và thư giãn") và văn hóa đóng vai trò gì trong số phận đất nước, dân tộc, quốc gia. Chúng ta cần có một học thuyết quốc gia về văn hóa, chính sách văn hóa, công cuộc xây dựng văn hóa. Nếu không có những cái đó thì sẽ xảy đến điều như Talleyrand nói: "Đó còn tệ hơn tội ác, đó là sai lầm". Tôi rất hy vọng nhà nước không bỏ qua chuyện này và nó sẽ diễn ra khi có mặt ngài ở đây, thưa ngài Tổng thống. Nước Nga không thể đợi được nữa. Chúng ta đang liều mạng với các thế hệ". Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga Báo Văn, số 24 - 25 (5837), 20 - 26 / 6/ 2001

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1984/200910/Valentin-Nepomnyazchy-Chung-ta-dang-lieu-mang-voi-cac-the-he-1725641/