'VAMC cần xây dựng cơ chế thị trường để đấu giá các khoản nợ'

(NDHMoney) Đây là ý kiến của bà Karin Finkelston, Phó Chủ tịch Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) khu vực Châu Á-Thái Bình Dương khi trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo thường niên IFC vừa diễn ra chiều qua (15/8).

Bà Karin Finkelston

Ngày 26/7, Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) chính thức đi vào hoạt động với vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng.

Theo đó, VAMC sẽ thực hiện các hoạt động như mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD); thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản đảm bảo; đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn của TCTD; cơ cấu lại khoản nợ, TCTD có tỷ lệ nợ xấu từ 3% tổng dư nợ tín dụng trở lên phải bán nợ cho VAMC.

Đây được coi là một nỗ lực lớn thể hiện quyết tâm từ phía Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước trong quá trình giải quyết 'cục máu đông' của nền kinh tế.

Theo đánh giá của bà Karin Finkelston, Phó Chủ tịch Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, triển vọng VAMC có thể thực hiện được 'sứ mệnh' của mình là rất cao. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, Việt Nam cần phải xây dựng được một cơ chế đấu giá các khoản nợ theo cơ chế thị trường, nâng cao khung pháp lý về chuyển đổi các khoản nợ, mời những chuyên gia dày kinh nghiệm về để đánh giá, quản lý các khoản nợ, tìm kiếm các đối tác nước ngoài có tiềm lực về kinh tế cũng như có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp.

"Trong quá trình 'làm sạch' bảng cân đối kế toán ngân hàng, tất nhiên sẽ có một số bên phải chịu tổn thất, tuy nhiên, tôi tin rằng, nếu VAMC có được một đội ngũ chuyên gia giỏi, cơ chế chuyển giao minh bạch trên nguyên tác thị trường thì công ty này sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả", bà Finkelston cho biết.

Trần Thúy

Nguồn NDH: http://ndhmoney.vn/web/guest/s26/-/journal_content/vamc-can-xay-dung-co-che-thi-truong-de-dau-gia-cac-khoan-no