Ván bài tàu sân bay Mỹ có thể khiến Triều Tiên sai lầm chiến lược?

Việc triển khai tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ cho đến nay vẫn là một bí hiểm. Vì sao nó không hướng đến Triều Tiên như lần tuyên bố đầu tiên? Liệu các bên liên quan đều tính toán sai lầm?

Tính toán sai lầm

Việc Mỹ triển khai nhóm tàu sân bay do USS Carl Vinson dẫn đầu tới bán đảo Triều Tiên có thể khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có tính toán sai lầm về những mối đe dọa với đất nước và chính quyền của ông.

Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Đức kiêm chuyên gia an ninh quốc tế và chống xung đột James D.Bindenagel, động thái của Mỹ đã vẽ ra một lằn ranh đỏ với những hậu quả khôn lường, mà ông tin rằng có thể dẫn tới một cuộc xung đột quân sự.

Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson. (Ảnh: Getty)

“Vấn đề là tư tưởng của ông Trump dường như hướng tới sự thiếu kiên nhẫn chiến lược, nên rất khó để phân tích cơ sở chính sách của chính quyền Mỹ hiện tại. Kết quả là, chúng ta chỉ có thể phân tích dựa trên những hành động của họ”, cựu Đại sứ nói.

USS Carl Vinson đặt ra một thách thức đối với chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, thách thức đó không đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẽ đưa ra một phản ứng dễ đoán, rõ ràng trong thời điểm hiện tại. Những tính toán sai lầm của Bình Nhưỡng có thể gây ra những mâu thuẫn và xung đột không đáng có.

Bởi vậy, khi tính toán chiến lược, Lầu Năm Góc không thể bỏ qua lời đe dọa đánh đắm tàu USS Carl Vinson từ phía Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tàu sân bay Mỹ (Ảnh: Daily Star).

Để ông Kim Jong-un không tính toán sai lầm về những mối đe dọa từ Mỹ, Washington nên tìm kiếm các giải pháp ngoại giao thông qua việc hợp tác với các nước lớn trong khu vực, nhà ngoại giao Mỹ nói.

“Trong cơn lốc quyền lực tại bán đảo Triều Tiên, bất kỳ chính sách đúng đắn nào về vấn đề Triều Tiên cũng yêu cầu Mỹ phải hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, Nhật Bản và Nga để đạt được cách tiếp cận ngoại giao hài hòa nhất. Đàm phán với Triều Tiên sẽ tốt hơn xung đột, nhưng phải có nỗ lực mong muốn được hợp tác”, Bindenagel nói.

Đặc biệt, sự thúc đẩy của Trung Quốc đối với Triều Tiên là yếu tố cần thiết giúp Bình Nhưỡng trở lại quỹ đạo phát triển thông thường.

“Trung Quốc là thành phần không thể thiếu trong giải quyết xung đột ở Triều Tiên. Bắc Kinh chắc chắn sẽ tránh những hành động gây mất ổn định cho chính quyền Kim Jong-un, nhưng cũng không thể loại bỏ khả năng họ sẽ thực hiện điều đó”, cựu Đại sứ nói. Có ý kiến cho rằng, cùng với áp lực và những lệnh trừng phạt từ Mỹ, Bắc Kinh có thể sẽ khiến Bình Nhưỡng phải thay đổi hành vi.

Vai trò của Hàn Quốc

Theo giới quan sát, Seoul nên chủ động hơn trong việc giải quyết xung đột với Bình Nhưỡng hơn là đứng đâu đó giữa Mỹ và Trung Quốc trong mâu thuẫn trên bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc vẫn nên thể hiện vai trò sắc nét hơn trong việc giải quyết mâu thuẫn trên bán đảo Triều Tiên. Trong ảnh là Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn (Ảnh: Getty)

“Hàn Quốc nên đóng vai trò chủ chốt trong việc đánh giá hành vi của Bình Nhưỡng trên bàn đàm phán ngoại giao và thúc đẩy xây dựng nền hòa bình, thịnh vượng cho người dân Triều Tiên. Seoul nên xét về việc yêu cầu ngừng chương trình hạt nhân của ông Kim Jong-un và lên những phương án để thực hiện điều đó”, ông nói.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà Seoul phải làm, là khiến Bình Nhưỡng thay đổi nhận thức không đúng đắn rằng thế giới bên ngoài đang muốn khiến Triều Tiên trở nên bất ổn và can thiệp vào chính quyền nước này.

“Những mối đe dọa do chính quyền ông Kim Jong-un cảm nhận được lại trở thành động lực khiến Bình Nhưỡng phát triển kho vũ khí”, chuyên gia nói.

Trong tương lai, ông Kim sẽ tiếp tục tiến hành những vụ thử tên lửa có khả năng tấn công tới Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ nhưng chúng “khó có thể gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân, nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên không đánh giá sai về những mối đe dọa đối với chính quyền hiện tại của mình”.

Bởi vậy, phía Mỹ và các đồng minh nên thận trọng, rõ ràng khi phát đi những thông điệp tới bán đảo Triều Tiên. Những căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang trong những ngày tới, nhưng trách nhiệm của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực là phải kiềm chế xung đột, không để nó bùng phát thành điểm nóng chiến tranh. Khi ấy, chính Mỹ và các đồng minh là những bên chịu thiệt đầu tiên.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/uss-carl-vinson-khien-trieu-tien-chech-huong-chien-luoc-a323647.html