Vẫn có thể “vượt rào”

Việc Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) sẽ áp dụng mức phạt tối đa lên tới 80 triệu đồng đối với các hoạt động buôn bán hàng nhái trên mạng đã nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của dư luận. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với mức phạt này, vẫn chưa đủ sức răn đe so với mức lãi kinh doanh qua hình thức này.

Phạt nặng đối tượng bán hàng nhái trên mạng

Trong thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay với internet và các mạng xã hội thì vấn đề giao dịch, mua bán trực tuyến cũng ngày càng trở nên phổ biến. Đây là hình thức giao dịch, mua bán sản phẩm, dịch vụ của cửa hàng trong môi trường Internet. Nơi thực hiện việc bán hàng online có thể là trên mạng xã hội, diễn dàn, blog nhưng nhiều nhất vẫn là website thông qua các hình thức quảng cáo trực tuyến.

Không ít người tiêu dùng biết món hàng mình mua là hàng nhái, không phải hàng chính hãng nhưng vẫn chấp nhận. Bởi vì các sản phẩm hàng nhái này phù hợp với túi tiền của họ. (ảnh minh haạ)

Thời gian gần đây, nạn hàng giả, hàng nhái được giới thiệu, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, các website mua bán trực tuyến hay thậm chí là các diễn đàn online gia tăng một cách chóng mặt. Theo số liệu của Bộ Công Thương, doanh số thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam đã cán mốc 5 tỉ USD năm 2016, gấp đôi năm 2013 và chiếm hơn 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là người tiêu dùng luôn bị thiệt hại lớn khi rơi vào “ma trận” hàng giả, hàng nhái khi thực hiện mua bán trực tuyến.

Trước thực tế trên Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) vừa yêu cầu rà soát hàng hóa bán trên các kênh thương mại điện tử, trực tuyến. Theo đó, các thương nhân, cá nhân kinh doanh, bán hàng trực tuyến qua mạng cần có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn, gỡ bỏ các sản phẩm hàng giả, hàng nhái. Cùng với đó, Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin cho biết sẽ mạnh tay với các doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử nếu không thực hiện nghĩa vụ của mình. Trong đó, tổ chức sở hữu website và ứng dụng thương mại điện tử sẽ bị xử phạt từ 40 triệu đến 80 triệu đồng (theo quy định tại Điều 83 của Nghị định 124/2015/NĐ- CP) nếu vi phạm.

Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Trên thực tế, ngay từ khi xuất hiện tại Việt Nam, tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên các trang thương mại điện tử (TMĐT) đã là một trong những nguyên nhân quan trọng kìm hãm sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam. Ths Nguyễn Hoàng Giang (Khoa Kinh tế - Luật – Trường ĐH Thương Mại) nhận định, tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện trong giao dịch TMĐT kéo theo những hệ lụy khôn lường.

“Trong quá trình xử lý cần quan tâm đến vấn đề cung và cầu bởi có một thực tế hiện nay, bên cạnh một số khách hàng không phân biệt đâu là hàng giả, hàng nhái... thì có không ít người tiêu dùng biết món hàng mình mua là hàng nhái, không phải hàng chính hãng nhưng vẫn chấp nhận. Bởi vì các sản phẩm hàng nhái này phù hợp với túi tiền của họ. Vì thế, cần khuyến khích người kinh doanh công khai hoặc cảnh báo về nguồn gốc thực của sản phẩm để người tiêu dùng có thể chủ động lựa chọn”- chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho hay.

Chẳng hạn, những mặt hàng nhái, giả mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn ít nhiều gây xáo trộn, lũng đoạn thị trường hàng hóa, kinh tế xã hội đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh sản xuất chân chính. Ông Giang cũng cho rằng, cái khó trong việc phát hiện và xử lý tình trạng này là hàng hóa trên mạng đều mang tính chất “ảo” (nghĩa là không thể nhìn tận mắt, kiểm tra tận tay được). Chưa kể, hầu hết các giao dịch dạng này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn.

Bên cạnh đó, Ths Nguyễn Hoàng lại đặt ra vấn đề mà trên thực tế hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là việc hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh trên mạng có số lãi lên tới vài trăm triệu/tháng nên dù quy định này được áp dụng thì cũng cần lường đến tình huống... cứ lãi trên 80 triệu họ chấp nhận “nộp phạt cứ nộp mà bán thì cứ bán”. Vì thế, ngoài biện pháp xử lý phạt tiền cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ kèm theo như tịch thu tất cả hàng hóa giả hay treo giải phần thưởng cho người tố giác, tạo website góp ý để người dân phản ánh đến cơ quan chức năng về các trường hợp website bán hàng giả hàng nhái....”

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cơ quan quản lý không nên chỉ tập trung vào việc xử lý mà còn thắt chặt và kiểm duyệt cả khâu cấp phép cho doanh nghiệp mở website kinh doanh online như việc bắt buộc phải công khai giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp cho hoạt động TMĐT đó. Cụ thể hơn nữa thì có thể công khai đường dẫn đến website của Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn. “Nếu một doanh nghiệp làm ăn uy tín, minh bạch thì không có gì phải ngại và người tiêu dùng sẽ có niềm tin nhiều hơn khi mua hàng tại đây.” – ông Phong nói.

Tuệ Liên

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/van-co-the-vuot-rao-52341.html