Vẫn còn 7/63 tỉnh chưa lập quy hoạch phát triển VLXD

Hiện vẫn còn 7/63 tỉnh thành trên cả nước chưa thực hiện nghiêm túc việc lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) địa phương mà Chính phủ quy định tại Nghị định số 24a/NĐ-CP ban hành ngày 5/4/2016 về quản lý VLXD gồm: Bắc Ninh, Hà Giang, Quảng Trị, Quảng Ngãi, long An, Đồng Tháp, Cần Thơ.

Ảnh minh họa.

Công cụ quản lý Nhà nước

Theo khoản 3, Điều 7, Nghị định 24a thì việc các địa phương phải lập quy hoạch phát triển VLXD dựa trên các căn cứ cụ thể như: Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam; Quy hoạch phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu; Quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất; Tiềm năng về tài nguyên khoáng sản làm VLXD của địa phương; Khả năng đáp ứng về lao động, công nghệ; Thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh tranh.

Theo căn cứ này, dù địa phương có vùng nguyên liệu hay không có vùng nguyên liệu cũng phải lập quy hoạch phát triển VLXD để Chính phủ có cơ sở quản lý thống nhất trên toàn quốc.

Thế nhưng, hiện nay có 7 tỉnh thành trên cả nước chưa lập quy hoạch phát triển VLXD: Bắc Ninh, Hà Giang, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ. Có 19 tỉnh thành đến hạn điều chỉnh quy hoạch phát triển VLXD, các tỉnh: Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nghệ an, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon tum, Lâm Đồng, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Việc lập quy hoạch phát triển VLXD là công cụ quản lý của cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo đảm cho một ngành VLXD phát triển theo định hướng, bảo đảm hiệu quả phát triển cao nhất cho ngành VLXD cũng như nền kinh tế. Cho nên, không thể có chuyện nhiều tỉnh thành đã lập quy hoạch phát triển VLXD rồi mà 7 tỉnh thành không lập.

Thay đổi tư duy làm quy hoạch

Trong số các tỉnh chưa lập quy hoạch, không ít ý kiến lãnh đạo địa phương cho rằng, vì không có vùng nguyên liệu nên không lập quy hoạch phát triển VLXD. Quan điểm này cần sớm thay đổi cho phù hợp với thực tiễn phát triển khoa học công nghệ cũng như chiến lược, định hướng phát triển VLXD.

Ông Nguyễn Tiến Đỉnh, Giám đốc Trung tâm Dự báo - Quy hoạch và phát triển VLXD, Viện VLXD cho biết: đã liên quan đến khoáng sản, việc phân cấp về cấp phép có thể linh hoạt giao cho địa phương thực hiện, nhưng về quản lý nhà nước thì phải thống nhất quản lý nhà nước trên toàn quốc dù đó là loại khoáng sản gì.

Đất sét, một loại khoáng sản thông thường, nhưng nhờ có khoa học công nghệ phát triển, vât liệu này được sử dụng vào nhiều mục đích hơn so với trước đây. Đất sét ngày nay không chỉ được sử dụng làm nồi nấu, nhà ở, gạch xây, ngói lợp, vật liệu trang trí, gạch chịu lửa, sản xuất xi măng, mà cao hơn nữa, đất sét đang được sử dụng để sản xuất linh kiện thiết bị tên lửa… Hay nói cách khác, trước đây, đất sét chỉ được dùng với mục đích đơn giản do giới hạn công nghệ, nhưng khi công nghệ phát triển cao hơn, đất sét được sử dụng cho nhiều mục đích hơn.

Hay như đối với cát tự nhiên, một sản phẩm được sử dụng nhiều trong san lấp, bê tông, xây tô. Gần đây, khi Chính phủ siết chặt hoạt động khai thác, kinh doanh cát tự nhiên, đồng thời các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, sản xuất, sử dụng các loại VLXD thay thế cát tự nhiên, cân đối cung cầu về cát tại mỗi địa phương để có phương án sử dụng vật liệu thay thế. Do đó, thông tin quy hoạch phát triển VLXD của mỗi địa phương sẽ giúp cho cơ quan quản lý nhà nước điều phối, điều tiết được nguồn cung vật liệu thay thế cát tự nhiên trên cơ sở dự báo khả năng tiêu thụ của từng địa phương, đảm bảo sử dụng đúng, hiệu quả tài nguyên.

Không có vùng nguyên liệu cũng phải lập quy hoạch

Tại tỉnh Bắc Ninh, đến thời điểm hiện nay không phải là địa phương có vùng nguyên liệu cho sản xuất VLXD, nhưng không đồng nghĩa với việc tỉnh này không cần phải lập quy hoạch phát triển VLXD. Nên nhớ rằng, việc xây dựng quy hoạch phát triển VLXD không chỉ dựa trên tiềm năng về tài nguyên khoáng sản làm VLXD của địa phương, mà còn dựa trên khả năng đáp ứng về nguồn lực, công nghệ cũng như thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Bởi vậy, nếu như không có quy hoạch phát triển VLXD, Bắc Ninh sẽ không có giải pháp căn cơ để bù đắp sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu VLXD cũng như không thể thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực VLXD. Nói không xa, tại tỉnh Bắc Ninh có nhà máy sản xuất và kinh doanh kính hoạt động rất hiệu quả không phải vì tỉnh này có vùng nguyên liệu thuận lợi cho sản xuất kính, mà lợi thế ở đây đến từ các yếu tố khác về nguồn nguồn lực, công nghệ và thị trường.

Những bất cập xuất phát từ tình trạng ô nhiễm môi trường, khai thác và kinh doanh khoáng sản tùy tiền, đang đặt Việt Nam trước những thách thức lớn, trong đó yêu cầu bức thiết đặt ra là phải biết sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả, thống nhất phân định quản lý nhà nước cấp Trung ương, cấp địa phương. Và, vấn đề cơ bản và căn cơ nhất đặt ra đối với cấp chính quyền Trung ương là phải có sự quản lý tổng quan, bao quát trên toàn lãnh thổ có những loại vật liệu gì, số lượng như thế nào, vị trí địa lý ở đâu, đã sử dụng vào mục đích gì?

Thanh Nga

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/van-con-763-tinh-chua-lap-quy-hoach-phat-trien-vlxd.html