Vẫn còn nhiều bất cập trong cơ chế hưởng lợi từ rừng

Việc giao đất giao rừng cho cộng đồng thôn buôn ở tỉnh Đắk Lắk theo Quyết định 178 được triển khai từ năm 2001 (sau này là Chương trình 304) với mục đích giúp người dân có thể dựa vào rừng để cải thiện đời sống. Tuy nhiên, những năm gần đây, các cộng đồng thôn buôn đang lơ là dần công tác quản lý bảo vệ rừng, dẫn đến tình trạng rừng bị tàn phá, đất đai bị xâm chiếm trái phép ngày một diễn biến phức tạp cũng chỉ bởi những bất cập trong cơ chế hưởng lợi từ rừng…

Vướng đủ kiểu

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, đến nay, tổng diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn đã giao theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg và Quyết định 304/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là trên 37.294ha cho 5.273 hộ quản lý, trong đó có 3.892 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, rất ít diện tích rừng trong số đã giao được quản lý, bảo vệ hiệu quả.

Điển hình như đối với diện tích giao gắn hưởng lợi trực tiếp sản phẩm từ rừng theo Quyết định 178, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp khá nhiều tồn tại, bất cập như: Các điều khoản về quyền lợi của các hộ nhận đất nhận rừng chưa phù hợp với thực tế, sản phẩm hưởng lợi từ rừng chưa được tính toán cụ thể. Hầu hết các hộ nhận rừng không thể thực hiện các quyền lợi vì chưa có quy định đầy đủ của pháp luật, chưa xác định cụ thể thời điểm được phép khai thác chính cho từng kiểu rừng và từng trạng thái nên các hộ không biết thời gian bao lâu từ lúc nhận rừng thì được khai thác và hưởng lợi sản phẩm khai thác; chưa có đơn vị nào cụ thể có tư cách pháp nhân được thực hiện khai thác và thiết kế khai thác đối với rừng được giao; chu kỳ lâm nghiệp dài...

Thiếu cơ chế, chính sách phù hợp, nhiều diện tích rừng giao cho cộng đồng đang được thả nổi, bị tàn phá nghiêm trọng.

Đối với rừng giao theo Quyết định 304, quá trình triển khai cũng không mấy thuận lợi hơn bởi diện tích đất trống lâm nghiệp giao cho các cộng đồng dân cư, nhóm hộ và gia đình rất lớn nhưng người dân không thể sử dụng vào mục đích trồng rừng hoặc phát triển nông lâm kết hợp vì thiếu vốn đầu tư. Trong khi đó, Nhà nước lại chưa có chính sách hỗ trợ đầu tư khuyến nông khuyến lâm để tạo sản phẩm trong giai đoạn đầu khi rừng tự nhiên chưa được khai thác.

Bên cạnh đó, việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, một số huyện không thực hiện được do hiện trạng rừng bị biến động, người dân lấn chiếm đất rừng, diện tích rừng chồng lấn ngay từ khi mới giao... Những bất cập trên dẫn đến tình trạng ngoài diện tích đất trống đã giao cho các hộ dân được canh tác nông nghiệp theo quy định thì tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy, sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp diễn ra khá phổ biến.

Cần có chính sách phù hợp với thực tế

Ngoài diện tích bị phá, lấn chiếm, có địa phương người dân đã trả lại rừng vì không đủ khả năng tổ chức quản lý, bảo vệ cũng như không thể dựa vào rừng để mưu sinh. Điển hình như trên địa bàn huyện Ea Súp có 3.940ha rừng được giao cho các hộ, nhóm hộ theo quyết định 304, nhưng do diện tích rừng được giao quá xa, giao thông đi lại khó khăn nên năm 2008, một số hộ ở xã Ea Lê đã xin trả lại 342ha rừng đã nhận giao khoán trong năm 2007. Còn tại huyện Krông Năng, năm 2010 đã xảy ra tình trạng nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất kéo nhau vào khai phá đất rừng để làm rẫy, gây thiệt hại gần 50ha rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Krông Năng…

Chủ trương giao đất giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng thôn buôn đã góp phần đáng kể trong việc hạn chế tình trạng phá rừng, nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng cùng chung tay gìn giữ màu xanh của rừng. Thế nhưng, làm thế nào để người và rừng có thể “cộng sinh” thì đến nay vẫn chưa có cơ chế chính sách phù hợp. Chính sách hưởng lợi từ rừng giao khoán theo Quyết định 178 và Chương trình 134 của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa thực sự tạo được điều kiện để người dân có thể gắn bó bền vững với rừng. Đời sống của những người nhận đất, nhận rừng vẫn gặp nhiều khó khăn vì những sản phẩm phụ từ rừng không đáng kể do những cánh rừng được giao chủ yếu là rừng thứ sinh trung bình hoặc rừng nghèo.

Lợi ích kinh tế có thể mang lại cho người nhận rừng chỉ có 2% giá trị gỗ khi đến chu kỳ khai thác, nhưng để có được 2% giá trị gỗ này, người dân phải đợi ít nhất là 10 năm. Chính với chu kỳ sản xuất của cây rừng dài, thời gian chờ đợi hưởng lợi phải mất từ 10 đến 15 năm (tùy theo trạng thái rừng lúc nhận), trong khi người dân thiếu vốn cũng như khó có thể tiếp cận với các nguồn tín dụng để có thể đầu tư, kinh doanh, sản xuất từ rừng nên đời sống vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều diện tích rừng không được quản lý, bảo vệ hiệu quả; ngay cả việc tận dụng diện tích đất trống từ rừng để sản xuất, lấy ngắn nuôi dài, người dân vẫn rất lúng túng vì thiếu sự hỗ trợ, hướng dẫn từ phía chính quyền địa phương.

Chính vì vậy, để người dân thực sự gắn bó với rừng giao khoán, có thể mưu sinh bằng nghề rừng thì rất cần những chính sách phù hợp, sát thực tế hơn từ các cơ quan chức năng liên quan…

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2013/9/208447.cand