Vấn đề cốt lõi là dân nhận lại được những gì từ đóng thuế?

Những tranh luận, thậm chí cãi vã xung quanh đề xuất của Bộ Tài chính tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12%, có vẻ như bất tận. Vậy, vấn đề cơ bản ở đây là gì?

Lý do chủ yếu của Bộ Tài chính muốn tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% vì thuế VAT đang thấp hơn các nước và vì nợ công đang ở mức cao. Nợ công đến 31/12/2015, mà Kiểm toán Nhà nước đã công bố ngày 21/7/2017, được xác định là 2.556.039 tỷ đồng (gần 2,6 triệu tỷ đồng), bằng 61% GDP. Việc tăng thuế VAT có tác động xấu đến sự phát triển sản xuất, tác động đến an sinh xã hội hay không?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã giải trình rằng đề xuất tăng lên 12% không áp dụng cho nhóm lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục. Bà Mai khẳng định tăng thuế VAT tác động đến người nghèo không nhiều: “Đối với người nghèo và người thu nhập thấp, Nhà nước sẽ có chính sách như hỗ trợ an sinh xã hội, y tế, xây dựng nhà cửa, hỗ trợ hộ người sống đơn thân… Bên cạnh đó có nhiều chính sách an sinh hỗ trợ”.

Trong tình hình thu ngân sách hằng năm chỉ đủ chi thường xuyên và trả nợ, thì việc tăng thuế để gia tăng ngân sách từ nguồn thuế là cần thiết.

Tuy nhiên, nếu hiệu quả sử dụng ngân sách tồi, sẽ khiến chính sách tăng thuế không hiệu quả. Mà theo Báo cáo Phòng chống tham nhũng của Chính phủ ở phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp sáng hôm qua (6/9) cho biết, thì trong số hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập năm 2016, chỉ có 3 trường hợp vi phạm. Đến mức mà Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim phải thốt lên: “Cả triệu đảng viên phải kê khai tài sản mà chỉ 3 người bị xử lý vi phạm kê khai thì không thể nào tin được”.

Nói chuyện về thuế, chị bạn đã nhập quốc tịch, hiện đang định cư tại Thụy Điển, cho biết rằng dân Thụy Điển phải trả thuế VAT rất cao, là 25% cho hầu hết các loại hàng hóa dịch vụ, thuế thu nhập đóng cho quận và thành phố trung bình là 32%, và nhiều loại thuế khác...

Nhưng bù lại, dân Thụy Điển không phải trả thuế cầu đường vì việc xây dựng đường sá và cơ sở hạ tầng bằng ngân sách nhà nước chứ không cần đến tư nhân, nên không có các hình thức đầu tư như BOT; cấp nhà trẻ mẫu giáo đóng học phí bằng 3% thu nhập hộ gia đình, gia đình thu nhập thấp sẽ đóng ít hơn, gia đình không có thu nhập miễn đóng; trẻ em được miễn phí, người lớn trả tối đa 140 USD/năm tiền khám và 160 USD/năm tiền thuốc; và hàng loạt các loại phúc lợi xã hội dùng đến ngân sách nhà nước, như nghỉ thai sản 480 ngày/trẻ... Theo khảo sát ý kiến dân chúng về 26 cơ quan chính phủ Thụy Điển năm 2013, thì Cục Thuế Thụy Điển đứng thứ 2 về dịch vụ khách hàng tốt và "những đóng góp tích cực cho xã hội".

So sánh 2 câu chuyện, dễ thấy vấn đề cốt lõi thì không phải là người dân nộp bao nhiêu tiền thuế, mà ở chỗ họ nhận lại được những gì từ đồng thuế đã đóng! Trong khi nạn tham nhũng, lãng phí tràn lan như hiện nay, còn nhiều các “đại án” ngàn tỉ, các dự án BOT có vấn đề vẫn chưa bị phát hiện, xử lý, thì tăng thu ngân sách cũng chỉ chủ yếu “làm béo” cho đám tham nhũng, lãng phí mà thôi.

Rồi cuối cùng thì cũng là “lỗ hà ra lỗ hổng”.

NGUYỄN QUỐC

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/van-de-cot-loi-la-dan-nhan-lai-duoc-nhung-gi-tu-dong-thue-post201890.html