Vấn đề hôm nay: Phim tài liệu - ngậm ngùi giờ phát sóng

(VOH) - Hiện nay, giờ phát sóng những bộ phim tài liệu trên sóng truyền hình bị đẩy xuống tận khuya, thời điểm không thuận tiện cho đối tượng phục vụ.

Khắc họa "Huyền thoại Trường Sơn" qua lời kể chuyện của các nhân chứng sống. Ảnh: S.T. Trước đây, dạo một vòng các kênh phát sóng của các đài truyền hình thì phim truyện Việt Nam chỉ xuất hiện một cách khiêm tốn bên cạnh phim Hàn Quốc và phim Trung Quốc, nhưng hiện nay, phim Việt đã có rất nhiều khởi sắc. Dù cho vẫn còn các mặt hạn chế như về kịch bản chưa thật sự bám sát cuộc sống, diễn xuất của diễn viên chưa lột tả hết tâm trạng hay bối cảnh phim xa lạ với cuộc sống người nông dân, nhưng phải thấy một điều rằng, khán giả đang quay về với phim ảnh nước nhà. Với những cố gắng của các nhà làm phim từ khâu viết kịch bản đến dàn dựng, phát hành, phim Việt đã dần chinh phục người xem. Giờ vàng trên sóng truyền hình dành cho phim Việt ngày càng nhiều. Đó là tín hiệu rất vui cho điện ảnh nước nhà. Thế nhưng, đó chỉ là niềm vui của những người làm phim truyền hình. Còn các nhà làm phim tài liệu vẫn còn... ngậm ngùi vì giờ phát sóng. Bên cạnh các loại hình giải trí khác, phim tài liệu là một loại hình nghệ thuật rất cần thiết vì nó mang đến cho người xem rất nhiều bổ ích. Đó là những bộ phim tái hiện lại những người thật, những việc thật, những vùng đất gắn với lịch sử hay những miền chưa ai khám phá. Có thể gọi họ - các nhà làm phim tài liệu là những người tiên phong, đi đầu để khai phá mảnh đất ấy - mảnh đất lắm gian truân và khó khăn. Với người làm nghệ thuật, họ đặt hết tâm huyết của mình tác phẩm, dù đó là một video clip ngắn hay một bộ phim dài tập. Với phim tài liệu, các nhà làm phim tài liệu còn đặt niềm tin và hy vọng, niềm khao khát mong chờ vào tác phẩm của mình. Họ hy vọng và tin rằng, đứa con tinh thần của họ sẽ đem đến cho người xem, nhất là các bạn trẻ, biết về quá khứ hào hùng của dân tộc, về những con người và vùng đất đã từng chịu nhiều hy sinh trong chiến tranh. Thế nhưng, điều mong mỏi ấy vẫn chưa được thực hiện vì... không có sân trình chiếu. Hiện nay, giờ phát sóng những bộ phim tài liệu trên sóng truyền hình bị đẩy xuống tận khuya, thời điểm không thuận tiện cho đối tượng phục vụ. Một bộ phim làm ra mà không có khán giả xem là một thất bại rất lớn của ê-kíp làm phim. Nhưng bộ phim không có khán giả không hẳn là bộ phim không hay mà là do khán giả không có điều kiện... xem phim. Nghe ra có vẻ phi lý, nhưng vấn đề đó là có thật. Phim tài liệu đang rơi vào tình trạng không có khán giả là như thế. Ví như bộ phim "Huyền thoại Trường Sơn" được đánh giá rất cao, thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người xem, nhưng đó chỉ là mấy tập đầu. Còn sau đó thì... bộ phim rơi vào im lìm, lặng lẽ vì giờ phát sóng đã bị đẩy từ 20h30 xuống 22h30. Ngày nay có rất nhiều loại hình giải trí. Phim ảnh là lựa chọn đầu tiên của người xem. Nhưng bên cạnh phim điện ảnh, phim truyền hình thì phim tài liệu rất cần đưa đến gần hơn với khán giả. Song, điều đó đang là vấn đề còn bỏ ngỏ hiện nay. Phim tài liệu đi sát với thực tiễn và mang tính nghệ thuật cao nhưng làm rồi cất, hay chỉ biết đến cái tên qua phương tiện báo chí truyền thông vì không được xem do bất cập giờ phát sóng. Kinh phí làm phim cao, đầu tư công sức nhiều nhưng làm phim rồi để đó, đây là một sự thiệt thòi lớn cho người xem, một sự không công bằng cho nhà làm phim và một điều phi lí cho điện ảnh nước ta. Cần lắm thay một giải pháp phù hợp từ các nhà quản lý để đưa phim tài liệu đến với công chúng! Ngọc Bích

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/index.aspx?catid=36&id=23241