"Vấn đề Hy Lạp" nhìn từ Hy Lạp

Trong khi các lãnh đạo EU đang tính đến một kế hoạch B "thanh lọc" Hy Lạp ra khỏi khu vực tiền tệ chung nếu cuộc bầu cử chủ nhật 17/06 kết thúc với một tân chính phủ đòi xét lại các biện pháp kiệm ước đã ký, thì từ trong nội bộ của mình Hy Lạp cũng đang chia năm xẻ bảy.

Ở lại hay rũ áo ra đi? Hiện nay trong giới chính trị nước này xuất hiện hai quan điểm chính. Quan điểm thứ nhất cho rằng chính sách thắt lưng buộc bụng không phù hợp với Hi Lạp và việc thương lượng với các nhà lãnh đạo trong khu vực đồng tiền chung là hoàn toàn có thể. Quan điểm thứ hai lại ủng hộ chính sách thắt lưng buộc bụng như cách duy nhất để nhận được cứu trợ và duy trì chỗ đứng trong eurozone.

Đại diện cho quan điểm đầu là đảng Syriza. Alexis Tsipras, người đứng đầu Syriza, tin rằng Hi lạp có thể đàm phán lại với eurozone hoặc thậm chí có thể thuyết phục cho phép từ bỏ những khoản tiền thiếu mà vẫn được ở lại. Ông nói rằng châu Âu sẽ không buộc Hi Lạp rời khỏi vì những nước đang gặp khủng hoảng trầm trọng như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý có thể đi theo.

Ông cũng nhấn mạnh hiệp ước quốc tế mà Hi Lạp đã kí kết để có thể nhận những gói cứu trợ chính là một thảm họa cho đất nước. Thay vì được giải cứu, quốc gia nợ chồng chất này lại bị ném vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Cựu thủ tướng Hi Lạp, ông Costas Simitis, người đã đưa Hi Lạp vào eurozone năm 2001 phát biểu trong một diễn đàn ở Bắc Kinh đi ngược lại quan điểm trên. Ông đánh giá rằng Hi Lạp phải là một phần của khu vực euro và sẽ là 'thảm họa' cho đất nước nếu nó quay trở lại đồng tiền riêng. Grexit (là chuyện không thể xảy ra và các đảng chính trị đang nối lại đàm phán với EU, bây giờ EU đang nói "không" nhưng có thể sau đó, mà chuyện này thường hay xảy ra, họ sẽ nói "đồng ý."

George Stathakis, giáo sư kinh tế tại đại học Crete (Hi Lạp) chia sẻ ông được khích lệ bởi các khuyến nghị của G8 cho rằng các kế hoạch thắt lưng buộc bụng của bà Merkel nên đi kèm với với những kế hoạch phát triển tăng trưởng bởi "Chính sách khắc khổ không thể hoạt động riêng mình nó được."

Ông Tsipras bác bỏ gói cứu trợ của EU và IMF. Ảnh Reuters

Quan điểm thứ hai được ủng hộ mạnh mẽ bởi đảng dân chủ mới và đảng PASOK. Lãnh đạo đảng Dân chủ mới, Antonis Samaras và đối tác PASOK của mình, Evangelos Venizelos nói rằng người dân Hi Lạp chỉ có hai cơ hội cho mình. Một là bầu họ, chấp nhận chính sách thắt lưng buộc bụng mà euro yêu cầu. Hai là quay về đồng tiền cũ drachma, đối mặt với nghèo đói khắp mọi nơi, sợ hãi, hoang mang và khủng hoảng ngày càng gia tăng. Theo như quan điểm của nhóm này, việc Châu Âu chấp nhận cho Hi Lạp ở lại mà không cần chấp nhận chính sách khắc khổ là điều khó khăn. Họ phân tích một khi Hi Lạp không đồng ý thắt lưng buộc bụng dĩ nhiên sẽ không nhận được gói cứu trợ của EU và IMF.

Hành động đơn phương từ chối gói cứu trợ đó của Hi Lạp sẽ làm cho đất nước rơi vào hoàn cảnh bị cô lập. Venizelos cáo buộc Syriza đang quá hoại quá trình giữ chỗ đứng của Hi Lạp trong eurozone. Samaras cho rằng nếu Hi Lạp rời khỏi EU mới làm cho cuộc sống thật sự là địa ngục chứ không phải chính sách thắt lưng buộc bụng như Tspras đã nói. Ông dự đoán quay trở lại drachma có nghĩa là tiền lương, tiền gửi và giá trị tài sản tất cả bị "cắt giảm một nửa", và giá cả của hàng hóa nhập khẩu như thực phẩm và nhiên liệu sẽ tăng vọt.

Vào cuộc bầu cử ngày 6 tháng 5 vừa qua, số bầu của người Hi Lạp cho những đảng chống lại thắt lưng buộc bụng là 68%. Người Hi Lạp không cần những người của hệ thống tham nhũng cũ và họ cũng không cần một chính phủ chỉ biết làm theo những gì bà Angela Merkel muốn. Số đông người Hi Lạp không muốn hai đảng hai đảng cũ lên nắm quyền trở lại. Cuộc bầu cử đã cho thấy các chính sách áp đặt lên dân chúng từ lúc cuộc khủng hoảng bắt đầu đã sai và cần tìm hướng đi mới. Một số khiển trách mạnh mẽ hai đảng truyền thống của chính phủ - đảng Dân chủ bảo thủ mới và PASOK - vì đã khiến Hi Lạp phá sản và tiếp sau đó là bản ghi nhớ chính sách khắc khổ. Phần lớn họ bác bỏ kế hoạch hồi phục kinh tế của EU-IMF và mong muốn sẽ có một chính phủ liên minh trong cuộc bầu cử sắp tới.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đến khoảng 80% người Hi Lạp muốn giữ đồng euro. Nhưng mọi thứ lại phức tạp hơn thế vì cũng những người này không muốn tiếp tục theo chính sách khắc khổ đã đẩy một phần ba dân số nước này dưới mức nghèo đói và thất nghiệp 21%. Ngân hàng quốc gia Hi Lạp thông báo một khi Grexit xảy ra, chắc chắn "sẽ làm giảm đáng kể mức sống của người dân Hi Lạp."

Nhà cho vay lớn nhất Hi Lạp cảnh báo người Hi Lạp sẽ mất hơn một nửa thu nhập, giá trị đồng tiền drachma sẽ giảm 65%, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng từ 21% đến 34%, lạm phát phi mã từ 2% đến 30%. Aggelos Tsakanikas, người đứng đầu nghiên cứu cho quỹ Athen - Nghiên cứu công nghiệp và kinh tế (IOBE) bổ sung thêm rằng mọi dự đoán hiện giờ đều là phóng đại, vì không ai có thể biết chắc chắn điều gì.

Trong một cuộc thăm dò ý kiến gần đây, 52.4% người Hi Lạp muốn ở lại eurozone dù có phải chấp nhận các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Có lẻ, dầu cho phe nào dành được thắng cử trong đợt này, người Hi Lạp nên bắt đầu từ những bước cải cách nhỏ dựa trên thực tiễn đang diễn ra hơn là xây dựng cho mình niềm hi vọng vào những thay đổi lớn lao.

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-06-15-van-de-hy-lap-nhin-tu-hy-lap