Vấn đề lạm thu nhìn từ câu chuyện trường Ban Mai (Hà Đông)(!?)

Từ nhiều năm nay mỗi khi nhắc tới vấn đề lạm thu dư luận báo chí thường chĩa mũi nhọn nhiều vào khối trường công, mà quên mất vấn đề này nhức nhối không hề kém tại khối trường tư thục, vốn được xem có mức đóng học phí "khủng". PV Báo Người tiêu dùng đã tìm hiểu câu chuyện lạm thu "dở khóc, dở cười" tại hệ thống giáo dục trường Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) bị phụ huynh bức xúc phản ánh trong thời gian gần đây.

Ép học sinh mua sách chưa đến 100 trang giá 450.000 đồng?

Những ngày qua, phụ huynh HS và dư luận còn chưa hết bàng hoàng về thông báo của BGH trường tiểu học Ban Mai cho HS Nguyễn Bảo Ngọc Trâm (HS lớp 4A6) ra khỏi danh sách lớp học các môn tự chọn vì không thống nhất được quan điểm giáo dục giữa nhà trường và phụ huynh. Thì mới đây một số phụ huynh học sinh đã từng có con học tại trường tiểu học Ban Mai lại phản ánh đến Báo Người tiêu dùng về các khoản lạm thu vô lý.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, phụ huynh HS Bảo Trâm (Hà Đông) cho biết: “Hàng năm, Trường Tiểu học Ban Mai đều thu cố định một khoản 1,2 triệu đồng/HS để chi cho các hoạt động ngoại khóa. Dù đã nhiều lần được yêu cầu công khai việc thu - chi này, nhưng lãnh đạo nhà trường chưa bao giờ làm rõ?”.

Trường Ban Mai lại bị phụ huynh "tố" thêm chuyện lạm thu. Ảnh: Bình Minh.

"Về lễ trưởng thành cho các cháu cuối cấp chỉ đóng dưới 250.000 đồng, nhưng gần đây nhà trường lại nâng thành 500.000 đồng/HS, chưa kể mỗi phụ huynh được khuyến nghị đóng ủng hộ thêm 500.000 đồng. Tôi tính nhẩm mỗi cháu tham gia buổi lễ hết không quá 300.000 đồng, nhưng trường lại thu cả bắt buộc và ủng hộ là 1 triệu đồng. Trường tư đã đóng cao nhưng hàng năm lại đóng thêm nhiều khoản vặt vãnh, chi tiêu lại không minh bạch ...khiến tôi cảm thấy không hài lòng"- anh Cường cho biết thêm.

Cũng về vấn đề lạm thu, chị La Ngọc Anh, một phụ huynh phản ánh: Trường Tiểu học Ban Mai ép HS mua cuốn sách tiếng anh “The Leader in me” với giá 450.000 đồng (tại các trường khác chỉ 170.000 đồng/cuốn, có trường còn phát không cho HS). Hàng chục cuốn sách được nhà trường bán cho HS với giá rất cao khiến phụ huynh rất bức xúc.

Cuốn sách học tiếng Anh này theo chị Ngọc Anh, đã bị trường ép mua với giá 450.000 đồng. Ảnh: Bình Minh

Tiểu học Ban Mai là trường tư thục, thu học phí thuộc diện cao nhất thành phố, Hầu như mỗi năm tăng lên một mức. Chẳng hạn, nhà trường “vẽ” ra chương trình “Before and Now” là ngày hội trưởng thành của HS các bậc học từ mầm non đến THCS của hệ thống trường Ban Mai và thu mỗi HS 1 triệu đồng (năm 2015 - 2016) để các con tham gia buổi lễ và tri ân cha mẹ bằng hành động quỳ gối rửa chân. Tuy nhiên, việc này không được nhiều phụ huynh đón nhận vì khá nhạy cảm, gây lãng phí, không thiết thực.

"Điều đáng buồn khiến tôi bất bình là khi thấy bất cập về mức giá cuốn sách tiếng anh không quá 100 trang có giá 450.000 đồng, nếu chưa đóng tiền thì ngay lập tức bị trường làm khó. Con tôi hết cấp 1 rút hồ sơ chuyển cấp đã bị trường gây khó không cho rút vì chưa đóng tiền cuốn sách. Phải đến khi tôi làm đơn đến trực tiếp gặp Phòng GD&ĐT Hà Đông, cộng với việc đóng 450.000 đồng thì việc rút hồ sơ mới hoàn tất"- chị Ngọc Anh bức xúc phản ánh thêm.

Cũng bức xúc với vấn đề này anh Đào Thanh H, có 2 con học tại trường tiểu học Ban Mai phản ánh: "đúng như chị Ngọc Anh nói, tôi cũng có 2 cháu học ở đây, nếu không đóng cho trường 890.000 đồng mua sách tiếng Anh, thì đừng nói chuyện rút hồ sơ".

Để xác minh vấn đề này phóng viên Báo Người tiêu dùng đã liên lạc với và Phạm Thị Thu Phương - phó hiệu trưởng trường tiểu học Ban Mai thì được biết sẽ sắp xếp lịch làm việc sau. Tuy nhiên đến thời điểm này đã gần 3 tuần phóng viên vẫn chưa thấy hồi âm từ phía vị phó hiệu trưởng nhà trường.

Rất cần sự giám sát

GS. TS. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói: “Bây giờ, dựa vào ban phụ huynh HS thì họ “nể” giáo viên và nhà trường. Thí dụ, nhà trường cần thu gì thì không trực tiếp đứng ra thu mà thông qua ban này vận động. Ban phụ huynh, phần lớn nghĩ “không làm theo, con em học hành như thế nào” nên đành nghe theo, đứng ra thu…”.

Dư luận cho rằng, lạm thu tại không ít trường hiện nay nghiêm trọng chẳng khác gì quan tham, nhận hối lộ. Để ngăn chặn lạm thu, toàn xã hội phải cùng tham gia, nhất là các bậc phụ huynh phải giám sát thu - chi, khi phát hiện ra các khoản bất hợp lý cần phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Bộ GD&ĐT cần quy định rõ mức thu, kể cả các khoản tự nguyện để hạn chế tối đa tình trạng lạm thu vào mỗi dịp đầu năm học mới.

Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có Công văn 3026/GD&ĐT-KHTC, hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu - chi đầu năm học 2016 - 2017. Theo đó, cấm vận động phụ huynh mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho nhà trường, lớp học...

Công văn cũng quy định và hướng dẫn, mức thu học phí, các đơn vị thực hiện theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 1/8/2016 của HĐND Thành phố.

Việc thu - chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ HS phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ trên cơ sở dự kiến kế hoạch chi tiêu sau khi đã được thống nhất của toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ HS lớp, ban đại diện cha mẹ HS trường.

Các cơ sở giáo dục phải thỏa thuận thống nhất bằng văn bản về các mức thu khác của các cơ sở giáo dục công lập theo phân cấp quản lý. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ HS lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ HS trường.

Bà Phạm Thụ Thu Phương cho biết: "Năm học 2016, trường tiểu học Ban Mai có khoảng 70 học sinh chuyển trường. Theo bà con số chuyển trường này là chuyện hết sức bình thường đối với một trường tư thục".

Liên quan đến thông tin cho rằng mấy năm học trở lại đây trường Ban Mai có số lượng không nhỏ giáo viên bỏ việc, chuyển nơi khác? Và Phương xác nhận là không có chuyện đó. Thậm chí vị phó hiệu trưởng trường tiểu học trường Ban Mai còn cho biết là số giáo viên còn tăng lên theo từng năm".

Minh Đức

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/van-de-lam-thu-nhin-tu-cau-chuyen-truong-ban-mai-ha-dong-d44739.html