Vấn đề thoát nghèo chưa bền vững

(ANTĐ) - Ngày 27-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2009, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2010.

Nhiều ĐBQH cho rằng, chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ được thực hiện trong thời gian vừa qua đã đem lại hiệu quả nhất định! Cho đến nay, tình hình có thay đổi và nền kinh tế phục hồi nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái lạm phát. Có nên tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ hay không? - Nhiều ĐBQH đã đặt câu hỏi như vậy và đề nghị phải triển khai các chính sách tài chính, tiền tệ một cách thận trọng, có hiệu quả! Đại biểu Trần Văn Vở (Đồng Nai) góp ý kiến đề xuất với Quốc hội (QH) 4 giải pháp, đặc biệt nhấn mạnh đến kiểm soát sát sao lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản và lưu ý đến việc gắn giải pháp kinh tế với kiểm soát giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, cũng được các ĐBQH nhấn mạnh và coi đây như một giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển, gìn giữ môi trường, văn hóa, xã hội. Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng trong tình hình hiện nay, tình trạng lãng phí rất đáng báo động. Theo đại biểu Lê Như Tiến (ĐBQH Quảng Trị), tình trạng lãng phí trong sử dụng đất đai, điện năng và trong khai thác tài nguyên, thiên nhiên đang diễn biến phức tạp, cần có ngay những biện pháp giải quyết. Việc tổ chức hàng nghìn lễ hội hằng năm cũng là nguyên nhân gây lãng phí... Bàn về đời sống và môi trường, các ĐBQH đều có chung nhận xét những vấn đề trên còn tiến triển rất chậm. Các ĐBQH nhận định việc tăng trưởng kinh tế chưa tạo chuyển biến tích cực và rõ nét trong các lĩnh vực xã hội, môi trường. Mặt khác, công tác xóa đói giảm nghèo vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, chưa thực hiện được những yêu cầu đặt ra. Theo đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), vấn đề thoát nghèo chưa bền vững, nhiều hộ vừa thoát nghèo lại rơi vào tình trạng tái nghèo, do chưa nhận được chính sách hỗ trợ tiếp theo một cách kịp thời. Các đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) và đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) cùng chung quan điểm cho rằng sự chênh lệch giàu nghèo nói chung và sự chênh lệch kinh tế giữa các vùng ngày càng lớn. Đây chính là thực trạng hiện nay của xã hội… Xuất phát từ những quan điểm đó, các ĐBQH đề nghị cần sớm ban hành “chuẩn nghèo” mới và quan tâm hơn nữa đến những nhu cầu phục vụ dân sinh, trong đó bao gồm cả đào tạo lại nghề cho khu vực nông thôn, tạo đà cho việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững và hiện đại. Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, các ĐBQH đánh giá mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2009 nền kinh tế nước ta vẫn liên tục tăng trưởng với mức cả năm đạt 5,32%. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng còn bộc lộ nhiều hạn chế, các cân đối vĩ mô chưa được cải thiện vẫn tiềm ẩn nhiều tồn tại. Với dẫn chứng về việc bội chi NSNN ở mức cao (115.900 tỷ đồng, bằng 6,9% GDP) và nợ Chính phủ đã ở mức hơn 40% GDP, các ĐBQH bày tỏ sự quan ngại. “Mức nợ Chính phủ như vậy đã rất gần với ngưỡng mất an toàn” - Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) nhận xét!... Một khía cạnh khác cũng được các ĐBQH đặc biệt quan tâm, đó là tình trạng nhập siêu vẫn ở mức khá cao (bằng 21,6% kim ngạch xuất khẩu), cùng với sự suy giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài và một số yếu tố khác, làm cán cân thanh toán tổng thể bị thâm hụt hơn 8 tỷ USD. Những con số trên được các ĐBQH đánh giá là mức thâm hụt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây(!), gây sức ép lên cung - cầu ngoại tệ và tỷ giá. “Nhiều mặt hàng xa xỉ vẫn được nhập khẩu khá mạnh, trong khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ vấn đề này” - đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nhấn mạnh và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Một nguyên nhân khác dẫn đến xuất khẩu của nước ta chưa đạt giá trị cao, được đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm (Bắc Ninh) đánh giá là do chúng ta chưa có chính sách và hành động cụ thể về phát triển công nghiệp phụ trợ.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=74888&channelid=3