Văn hóa đọc trong nhà trường: "Không biết, không nghe, không thấy"

PN - Chúng ta vẫn thường tự hào về truyền thống hiếu học của dân tộc, nhưng tình hình đọc sách của nhân dân ta hiện nay ra sao? Câu hỏi này có tầm quan trọng đặc biệt, liên quan mật thiết đến khả năng dân tộc ta sẽ tiếp tục là một quốc gia văn hiến, sẽ phát triển nhanh chóng hay tiếp tục lẽo đẽo tụt hậu so với thế giới.

Thực trạng đáng báo động Nói đến văn hóa đọc, trước hết phải nói đến văn hóa đọc trong nhà trường. Là nhà giáo, đã có 52 năm đứng trên bục giảng, tôi ngờ là tình hình đọc sách gần đây trong các cấp học, ở khắp các địa phương không sáng sủa gì. Không thể phủ nhận, có một số thầy cô đã nêu gương hiếu học hết sức cảm động. Các bạn đồng nghiệp ấy đã quyết tâm cập nhật sự hiểu biết của mình bằng công phu tự học, cần cù đọc sách, dù hoàn cảnh kinh tế cũng chẳng hơn ai. Thế nhưng, số người đáng phục này chiếm mấy phần trăm trong non một triệu thầy cô? E rằng tỷ lệ này khó đạt đến hai chữ số! Tình hình không mấy vui này thể hiện rất rõ trong số ưu tú của đội ngũ giáo viên trung học (THCS và THPT) được cử đi học sau đại học. Ở nhiều lớp Cao học chuyên ngành Văn tại TP.HCM, Đà Lạt, Cần Thơ... mà tôi được tham gia giảng dạy, qua khảo sát tôi mới "vỡ" ra một sự thật: rất nhiều tác phẩm xuất sắc, thậm chí thuộc loại kiệt tác của văn học Việt Nam và thế giới đã dịch và tái bản nhiều lần khắp trong Nam ngoài Bắc, nhiều anh chị học viên mới nghe tên, khá hơn một mức là loáng thoáng biết về nội dung chứ chưa từng đọc toàn văn. Những người sắp nhận bằng thạc sĩ văn chương mà cứ kiên quyết "không biết, không nghe, không thấy" trước những tinh hoa văn chương của dân tộc và nhân loại, chỉ khuôn sự hiểu biết của mình trong bộ sách giáo khoa và sách giáo viên, thì làm sao nâng cao chất lượng giảng dạy, làm sao truyền cho học sinh nhiệt hứng đến với sách? Còn 25 triệu học sinh – sinh viên trong cả nước thì sao? Hầu hết chỉ gắn bó với sách giáo khoa (các cấp học dưới) hoặc giáo trình (nếu là sinh viên đại học, cao đẳng). Nếu hỏi, bao nhiêu phần trăm học sinh lớp 10 trong cả nước đọc toàn văn Truyện Kiều – niềm tự hào của dân tộc? Còn lớp 11, mấy em đọc hết Số đỏ để hiểu trích đoạn Hạnh phúc của một tang gia, và rộng ra để hiểu văn tài Vũ Trọng Phụng? Và lớp 12, sắp thành cô Tú cậu Tú, bao nhiêu em đọc hết một tuyển tập truyện ngắn Nam Cao – ngoài trích đoạn truyện ngắn Chí Phèo và truyện ngắn Đôi mắt? Tôi ngờ là kết quả khảo sát rất đáng báo động. Đấy là chưa nói đến bao loại, dạng sách khác rất cần cho lứa tuổi sắp trưởng thành. Văn hóa đọc trong trường học: SOS! Nếu ta la to như thế liệu có cường điệu quá không? Và nếu không khắc phục triệt để tình trạng yếu kém ấy, sự nguy hại sẽ đến mức độ nào? Đôi điều kiến nghị Tình trạng yếu kém trên đây mang tính toàn quốc và ngày càng nặng nề. Đối tượng nào cũng cần được cải thiện, nâng cấp văn hóa đọc, nhưng nên chăng, cần xác định đối tượng trọng điểm. Tôi đề nghị: xin hãy đặc biệt quan tâm đến việc đọc sách của cả thầy và trò trong trường học tất cả các cấp. Hội sách cũng là một trong những giải pháp cổ xúy văn hóa đọc Với các thầy cô ở tiểu học và trung học, ngoài việc động viên, kích thích lòng tự trọng, ý thức phấn đấu tự nâng cấp trình độ văn hóa, Bộ GD-ĐT nên có những biện pháp mạnh. Có thể học nước bạn Malaysia, cứ sau ba - bốn năm đứng lớp, giáo viên được đi bồi dưỡng văn hóa một năm. Chắc chắn đấy là thời gian được tập trung để đọc sách. Còn trong sinh hoạt chuyên môn từng tháng, mỗi học kỳ và cả năm học, nên chăng ngoài kế hoạch lên lớp, mỗi tổ chuyên môn sẽ có chương trình bồi dưỡng mang tính đặc trưng bộ môn (có thuyết trình, có thảo luận, có thu hoạch). Mỗi trường phấn đấu có một tủ sách giáo viên và không ngừng làm nó phong phú bằng ngân sách nhà nước và bằng sự góp sách của các thầy cô. Ở bậc đại học, cao đẳng, việc nâng cấp học vị phải trở thành nhiệm vụ mang tính pháp lệnh. Hằng năm, cần khôi phục lại hội nghị khoa học một cách nghiêm túc và tất cả giảng viên nhất thiết phải tham gia. Những người đã có học vị và chức danh khoa học cao (TS, GS, PGS) cần yêu cầu tuân thủ một quy định cụ thể, chẳng hạn từ ba đến năm năm có một bài báo khoa học, từ 5 đến 10 năm có một công trình nghiên cứu được xuất bản hoặc được nghiệm thu. Người nào thiếu ý chí phấn đấu, tụt hậu so với nhiệm vụ chuyên môn cần được dứt khoát điều chuyển sang môi trường thích hợp, để khỏi di hại đến chất lượng đào tạo. Với học sinh các cấp, cần có cuộc cách mạng thực sự về chương trình, sách giáo khoa và phương pháp học. Lãnh đạo ngành giáo dục kêu gọi giảm tải, trên thực tế chương trình và sách giáo khoa ngày càng quá tải. Thời khóa biểu dày đặc, nhưng tuyệt đối không thấy có giờ đọc sách, nghe giới thiệu hoặc phân công cho học sinh thuyết trình sau đó thảo luận, thu hoạch. Quy trình buồn tẻ thầy đọc – trò chép từ bao lâu nay vẫn đang lặp lại một cách lạnh lùng. Thư viện nhà trường hiện nay nhìn chung nghèo nàn quá, đặc biệt ở những vùng khó khăn. Đây chính là đối tượng đáng để các đoàn thể xã hội, các nhà xuất bản, các Mạnh Thường Quân chung tay góp sức. Ở bậc đại học, chương trình học của mỗi chuyên ngành đều cần có sự điều chỉnh hợp lý. Quá trình đào tạo người trí thức trẻ phải được dành nhiều chục phần trăm thời gian cho quá trình tự đào tạo của từng người. Mặt khác cần có kế hoạch để sinh viên vượt thoát khỏi khung trời chuyên ngành hẹp, háo hức đến với thế giới sách rộng lớn. PGS - TS Trần Hữu Tá

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/van-hoa-doc-trong-nha-truong-khong-biet-khong-nghe-khong-thay.aspx