Văn hóa lễ hội: Chuyện dài nói mãi!

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, hình ảnh dòng người nô nức, tấp nập tham dự những lễ hội đầu năm hẳn đã rất quen thuộc. Mặc dù đã có nhiều những chuyển biến tích cực, nhưng những hạn chế của các năm trước vẫn còn diễn ra ở hầu hết các lễ hội. Vì thế, văn hóa lễ hội nhiều năm qua vẫn là câu chuyện dài kỳ được nhắc đi nhắc lại.

Những tập tục bị biến tướng

Đi lễ đầu năm từ lâu đã là nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam với mong ước cầu an, may mắn, sức khỏe cho gia đình và bản thân trong năm mới. Tuy nhiên, nét đẹp văn hóa này đã ngày càng biến tướng khi tại rất nhiều lễ hội diễn ra sự ẩu đả, tranh giành, giẫm đạp thậm chí đã có đổ máu chỉ để cướp các vật phẩm tượng trưng cho sự may mắn. Những nơi thờ tự đáng lẽ cần sự tôn nghiêm, thành kính bỗng chốc trở thành những cuộc hỗn chiến. Một số hoạt động tín ngưỡng dân gian trong các lễ hội bỗng biến tướng thành hoạt động… tranh cướp và người ta buộc phải làm quen với cụm từcướp lộc”, “cướp ấn”, “cướp hoa tre”, “cướp phết”… Chuyện những dòng người đạp đổ hàng rào, trèo lên lư hương để nhìn kiệu rước, giẫm lên bệ thờ để chạm tay vào “bảo kiếm” tại Đền Trần (Nam Định) hay cảnh tượng nhiều người vừa ôm lễ vật, vừa trèo tượng, giẫm lên cả chậu hoa, bệ cây cảnh ở chùa Thiên Trù (chùa Hương) để chen chân vào được các gian thờ, nạn chen lấn, xô đẩy, hỗn loạn khi biển người lao vào giành giật giỏ hoa tre tại Hội Gióng (đền Sóc, Hà Nội)… dường như mùa lễ hội nào cũng được dư luận, báo giới nhắc tới với nhiều ngán ngẩm.

Dòng người hỗn loạn, xô đẩy nhau để tranh lộc tại chùa Hương dịp lễ đầu năm.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam có khoảng gần 8.000 lễ hội, trong đó 2/3 diễn ra vào dịp đầu năm. Nhưng có một thực tế là mỗi năm các lễ hội thu hút hàng triệu khách thập phương hành hương dự lễ, nhưng chắc cũng không nhiều người hiểu được thần tích, không gian văn hóa và giá trị riêng của lễ hội họ tham gia. Đi lễ mà không hiểu đối tượng hành lễ là ai, ý nghĩa của lễ hội là gì, cần phải ứng xử ra sao. Và đây, theo nhiều chuyên gia, là tác nhân dẫn đến những hành vi thiếu văn hóa, làm biến tướng văn hóa lễ hội.

Hãy thực sự là nét đẹp văn hóa

Có thể thấy, văn hóa lễ hội đầu năm là một trong những nét văn hóa đẹp và riêng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự đẹp khi mỗi người đến với lễ hội đó với một tâm thành và ý thức giữ gìn truyền thống dân tộc.

GS.TS Nguyễn Chí Bền – Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam- chia sẻ: “Lễ hội phải là lễ hội mang tính truyền thống, được tổ chức ở các làng quê, các di tích như lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Gióng, hội Lim… Đặc điểm rất cơ bản của hiện tượng văn hóa này là bao giờ cũng có nhân vật thiêng để thờ phụng, thể hiện niềm tin của mọi người. Đặc biệt, ở các làng quê, niềm tin đối với nhân vật thiêng rất lớn. Vì thế, dù Tết Nguyên đán diễn ra chung trên cả nước nhưng lễ hội ở mỗi làng quê chính là thể hiện Tết riêng của từng nơi. Nét đẹp của lễ hội cần được xem xét trong mối quan hệ với tín ngưỡng”.

Theo GS-TS Ngô Đức Thịnh, việc đi lễ đầu năm là nét đẹp trong tín ngưỡng văn hóa của người dân Việt Nam. Nhưng việc đi lễ thế nào cho đúng với văn hóa tín ngưỡng dân gian lại là câu chuyện không đơn giản. Không phải cứ mâm cao, cỗ đầy mới chứng tỏ mình thành tâm, cũng không phải cứ lao vào cướp vật phẩm lấy may thì sẽ được may mắn cả năm. Nếu thành tâm thì chỉ cần một nén hương thơm cũng cho thấy lòng thành. Đến với đền, chùa là hướng tới điều thiện, vì vậy mỗi người đi lễ cố gắng hãy làm theo giáo lý của nhà Phật, đừng quá mê muội dẫn đến hành động mù quáng, phản cảm…

Bích Việt

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/chuyen-dai-noi-mai/