Văn hóa tín ngưỡng hầu đồng tại đền Sòng

Đền Sòng (còn gọi là Sòng Sơn ở Bỉm Sơn – Thanh Hóa) được xây dựng thời Cảnh Hưng triều vua Lê Hiển Tông (1740- 1786). Đây là di tích lịch sử đã được xếp hạng, là điểm sinh hoạt tín ngưỡng linh thiêng. Hàng năm, có hàng chục nghìn lượt khách từ các nơi đổ về đền Sòng để cầu may mắn, tài lộc, xuất hành, làm ăn…

Thanh đồng nam đang múa đồng ở đền Sòng (Bỉm Sơn - Thanh Hóa)

Thanh đồng nam đang múa đồng ở đền Sòng (Bỉm Sơn - Thanh Hóa)

Tương truyền, xưa có một ông lão cầm một cành tre khô đến nơi đây, khấn rằng, nếu cắm cây gậy xuống đất mà biến thành cây tươi tốt thì sẽ xây đền thờ Liễu Hạnh công chúa. Màu nhiệm thay, gậy tre khô trở nên xanh tươi, bén rễ, đâm chồi tỏa lá tốt tươi lạ thường. Người đời cho đây là điều lạ linh ứng, linh thiêng nên lập Đền Sòng để thờ cúng và lấy ngày 26/2 âm lịch hàng năm là ngày hội chính của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Trải qua quá trình lịch sử lâu dài gắn với nhu cầu về sinh hoạt tín ngưỡng của người dân, tháng 6/1989, đền Sòng, được trùng tu, tôn tạo khôi phục lại hoàn toàn vẻ trang nghiêm, uy quyền kiểu cổ xưa. Đền Sòng hướng về phía Tây Bắc, trước đền có một hồ nước tự nhiên hình bán nguyệt quanh năm xanh trong đó là Hồ Cá Thần, tương truyền rằng trước đây hàng năm cứ đến cữ Tháng giêng, Tháng Hai có một đàn cá toàn thân màu đỏ lũ lượt kéo về bơi lội trong hồ, nhưng khi hết Lễ hội Đền Sòng (hết ngày 26 tháng 2 âm lịch) thì đàn cá tự nhiên không thấy nữa.

Thanh đồng nữ múa đồng tại đền Sòng

Đặc biệt, vào mùa lễ hội đầu Xuân, đền Sòng thường có các giá đồng do các thanh đồng khắp các tỉnh về thuê “cung” múa hát. Mỗi buổi hầu đồng thường có 36 giá đồng, mỗi giá đồng gồm quần áo, lễ phục phù hợp linh ứng với các vị thánh thần như Ông Hoàng Mười, Cô Ba, Cô Bảy, Cô Chín…

Theo một người chuyên hầu giá đồng (quê Hoằng Hóa – Thanh Hóa), tiền lễ nhang, trang phục, hầu giá và trang trải suốt buổi hầu đồng thường do các con nhang đóng góp, giá đồng của những con nhang nghèo, ít tiền khoảng một vài chục triệu; giá đồng của con nhang, đệ tử lắm tiền nhiều của lên tới cá trăm triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng.

Để thực hiện hết các nghi lễ hầu đồng, các thanh đồng phải múa hát liên tục từ 8 đến 9 tiếng, các đệ tử cũng phải phục lễ, thay nhau đội lễ cầu cúng trong suốt thời gian đó. Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập thể linh hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng trong trạng thái tâm linh thăng hoa, ngây ngất nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử.

Ở mỗi giá đồng, thanh đồng được các đệ tử thay trang phục cầu kỳ theo quy định của các thánh như Cô Ba, cô Chín, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười...

Mỗi động tác múa trong các giá chầu phản ánh con người thật của vị thánh giáng đồng và thay đổi theo đặc điểm của “giá”. “Giá” quan thường múa cờ, múa kiếm, long đao, kích. Giá các chầu bà thì múa quạt, múa mồi, múa tay không. Giá ông hoàng thì có múa khăn tấu, múa tay không, múa cờ. Giá các cô múa quạt, múa hoa, chèo đò, múa thêu thùa, múa khăn lụa, múa đàn, múa tay không. Giá các cậu thường múa hèo, múa lân…

Nghi lễ Thánh giáng phải theo thứ tự từ cao đến thấp: Cao nhất là Thánh mẫu (Tứ vị Thánh mẫu), sau đó là hàng Quan (Ngũ vị quan lớn), Chầu (Tứ vị Chầu bà), Ông Hoàng (Ngũ vị ông Hoàng), Cô (thập nhị Vương cô), Cậu (thập vị Vương cậu), tổng cộng có đến 50-60 vị. Tuy nhiên, không phải tất cả các vị Thánh Tứ phủ đều nhập đồng, mà chỉ có một số, nhiều nhất là 36 vị nên mới có 36 giá đồng.

Khi nhập vào thanh đồng, các thánh sẽ múa, rồi ngồi nghe cung văn hát, kể sự tích lai lịch vị thánh đang giáng. Với các giá ông Hoàng thì cung văn ngâm các bài thơ cổ. Thánh biểu hiện sự hài lòng bằng động tác vê gối và thưởng tiền cho cung văn, rồi dùng rượu, xơi trầu. Những người ngồi dự chung quanh đến gần để cầu xin thánh điều gì đó, và đây cũng là lúc thánh phát lộc. Lộc thánh gồm nhiều thứ như: hoa quả, bánh trái, gương lược, tiền bạc, nén nhang cháy..

Dưới đây là một vài hình ảnh về buổi lễ hầu đồng, phóng viên báo Lao động Thủ đô ghi lại được ở đền Sòng, vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch:

Mỗi giá là một bộ trang phục, thông thường mỗi buổi hầu đồng có khoảng 36 giá đồng...

Sau đó, các thanh đồng múa những động tác và thể hiện đúng điệu bộ của các "thánh" tương ứng, ví dụ như chèo thuyền, múa kiếm, múa lửa...

Sau khi múa, các thánh ngồi nghe hát chầu văn..., hút thuốc, uống rượu và ban lộc cho con nhang, đệ tử

Các thanh đồng có thể phải múa liên tục từ 8-9 tiếng mới hết 36 giá đồng.

Nguyễn Hạnh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/van-hoa-tin-nguong-hau-dong-tai-den-song-48700.html