Văn hóa từ chức thay cho lời xin lỗi

“Từ chức là chuyện văn hóa hơn là chuyện pháp lý, chế tài ở đây chính là lương tri. Nếu có một văn hóa chính trị dựa trên lương tri thì việc từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ là điều gần như bắt buộc” - đó là khẳng định của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng.

Ông Phạm Ngọc Viễn trong một buổi họp của VFF. Ảnh Ngô Nguyễn

Tại Nga, ngày 21.6.2016, huấn luyện viên Leonid Slutski của đội Nga đã xin từ chức sau thất bại 0-3 trước đội Xứ Wales ở giải Euro 2016.

Tại Pháp, ngày 18.8.2003, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Y tế Pháp, ông Lucien Abenhaim đã nộp đơn xin từ chức, nhận trách nhiệm về việc không trở tay kịp trong hệ thống y tế khi thời tiết nóng bất thường liên tục trong 16 ngày làm 5.000 người chết.

Ông Lucien Abenhaim nộp đơn từ chức sau những bê bối ở Bộ Y tế Pháp

Tại Nhật Bản tháng 9.2011, Bộ trưởng Thương mại Yoshio Hachiro xin từ chức chỉ sau 8 ngày nhậm chức khi nói Fukushima là “vùng đất chết” trong chuyến thăm nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 cùng với Thủ tướng Noda.

Cũng tại Nhật, Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Hakubun Shimomura xin từ chức vì việc chậm xây sân vận động cho Olympic Tokyo 2020, mà nguyên nhân chính là do thay đổi thiết kế mới, chi phí xây dựng quá cao hơn dự định.

Tại Đức, ngày 1.3.2013, Bộ trưởng Quốc phòng Karl-Theodor zu Guttenberg tuyên bố từ chức sau khi từ bỏ vĩnh viễn học vị tiến sĩ ngành luật vì bê bối đạo văn khi làm luận án. Ông Guttenberg thừa nhận đã phạm sai lầm nghiêm trọng song cho biết không hề cố ý làm thế.

Thủ tướng Chung Hong-won của Hàn Quốc xin từ chức sau sự cố chìm phà ở Sewol

Tại Hàn Quốc, ngày 27.4.2014 Thủ tướng Chung Hong-won cúi đầu xin lỗi và từ chức sau sự cố chìm phà Sewol. Ông Chung nói: “Tôi xin lỗi vì đã không thể ngăn vụ tai nạn này và đã không thể xử lý vụ việc được tốt sau khi nó xảy ra. Tôi cho rằng, với tư cách là Thủ tướng, rõ ràng là phải chịu trách nhiệm và phải từ chức”.

Tại Việt Nam, năm 2005, ông Phạm Ngọc Viễn xin từ chức Tổng thư ký VFF nhiệm kỳ 4. Nguyên nhân là ông Viễn trong vai trò của mình đã có một phần trách nhiệm không nhỏ trong vụ HLV Christian Letard kiện lên FIFA về việc VFF đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, dẫn tới việc VFF phải đền bù cho HLV người Pháp này một số tiền không nhỏ (khoảng 3 tỉ đồng). Sau này, ông Viễn lại được bầu làm Phó chủ tịch VFF. Bây giờ ông Viễn đang Phó chủ tịch thường trực VPF.

Năm 2011, Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn cũng nộp đơn xin từ chức sau thất bại của U.23 Việt Nam ở SEA Games 26. Bây giờ, ông Tuấn đang là Phó chủ tịch thường trực VFF.

Năm 2008 ông Tuấn lên làm Tổng thư ký VFF, thì người rời khỏi chức vụ này là ông Dương Nghiệp Khôi. Sự cố loạn đả trong trận đấu giữa SLNA và XM.Hải Phòng trên sân Vinh giữa cổ động viên 2 đội dẫn tới cái chết của một CĐV Nghệ An chính là nguyên nhân khiến ông Khôi trong vai trò Trưởng ban Tổ chức giải buộc phải từ chức.

Năm 2011, ông Khôi còn phải từ chức Trưởng ban Tổ chức giải một lần nữa sau những phát biểu gây sốc của bầu Kiên tại hội nghị tổng kết mùa giải. Đến mới đây, ông Khôi mới xin nghỉ hẳn ở VFF để về… dưỡng già.

Hôm qua 20.2, ông Võ Thành Nhiệm – Chủ tịch CLB Long An đệ đơn xin từ chức sau màn “hài kịch” ở sân Thống Nhất. Ông Nhiệm nói rõ: “Tôi xin từ chức, đó là cách xin lỗi duy nhất tôi nghĩ đến lúc này. Đó cũng là cách nhận trách nhiệm của lãnh đạo nhiều nơi trên thế giới”.

Đúng thế. Nhận trách nhiệm và xin từ chức là một văn hóa dựa trên phẩm giá, lòng tự trọng và bản lĩnh của người lãnh đạo khi nhận thấy khuyết điểm, lỗi lầm của mình và khi nhận thấy mình không còn xứng đáng đảm nhận nhiệm vụ được giao phó.

Trách nhiệm ở đây, đôi khi không phải là của một cá nhân. Nó còn là trách nhiệm của một hệ thống. V-League 2017 sau 6 vòng như “loạn” thì không chỉ có lời xin lỗi và từ chức của ông bầu Út Nhiệm là đủ.

Hà Thành

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/van-hoa-tu-chuc-thay-cho-loi-xin-loi-57001.html