Văn học thiếu nhi: Thiếu hụt tới bao giờ?

GD&TĐ - Quá nhiều nhà văn nhưng mảng sách truyện cho thiếu nhi lại rơi vào tình trạng thiếu về số lượng yếu về chất lượng. Trong khi đó, một số nhà xuất bản lại chủ yếu khai thác, và chăm sóc tâm hồn trẻ em Việt bằng những loại truyện tranh, sách dịch nước ngoài thiếu chất lượng và giá trị không thuần Việt.

Văn học thiếu như dường như vẫn là bài toán khó giải của văn học Việt nhiều năm nay cho dù thị trường luôn rộng mở.

Chưa bắt kịp nhịp điệu

Nhiều nhà văn khi được hỏi về nguyên nhân, thực trạng văn học thiếu nhi vừa yếu vừa thiếu đã khẳng định: Khoảng mười năm nay mảng văn học cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi của các nhà văn Việt Nam rất yếu. Yếu cả về số lượng và chất lượng. Các nhà văn không theo kịp nhịp điệu phát triển chung của tiến bộ xã hội, hay nói đúng hơn là sự thay đổi của xã hội.

Quả thực khi theo dõi thực tế mảng văn học thiếu nhi dễ nhận thấy một điều: Một số nhà văn viết cho thiếu nhi mà tư duy vẫn y như cũ, nghĩa là vẫn câu chuyện về bác gà trống choai, anh dế trũi, cô bồ câu... Trong khi đó, lớp thiếu nhi hiện nay lớn lên trong một môi trường xã hội hoàn toàn mới với nhiều sự thay đổi.

Ở lứa tuổi nhỏ xíu các em đã được tiếp xúc với công nghệ mà các thế hệ trước đây nằm mơ cũng không có. Thế nhưng thực tế khác là chúng chưa chắc đã phân biệt được quả đu đủ với quả lê khác nhau điểm nào. Các nhà văn Việt lứa tuổi 50 trở lên đa số kém sử dụng công nghệ, trong khi đó cuộc sống, nhất là cuộc sống giới trẻ hoàn toàn thay đổi.

Và vì thế, tư duy cũng thay đổi, nhu cầu hưởng thụ cũng khác xa với cha mẹ. Không theo kịp thời cuộc, lớp nhà văn quan tâm đầu tư việc viết cho thiếu nhi dần thưa thớt. Một số cố gắng nhưng cũng khó theo kịp nhu cầu đọc, sự thiết thực với nhịp sống mới của trẻ em.

Thêm nữa, việc quan tâm đến vấn đề đầu tư cho các nhà văn có khả năng phát triển viết tốt về mảng đề tài thiếu nhi cũng gặp nhiều khó khăn từ các cơ quan chức năng. Nếu có thì cũng rơi vào tình trạng hỗ trợ thiếu tập trung, chưa tới nơi tới chốn.

Để bù lại cho mảng văn học thiếu nhi trong nước bị bỏ ngỏ, nhiều nhà xuất bản đã nhanh chóng chăm sóc tâm hồn trẻ Việt bằng các loại truyện sách nước ngoài. Sự ào ạt dẫn tới chất lượng nội dung nhiều cuốn còn có sạn vì lỗi kiểm duyệt. Cha mẹ thì ngần ngại nhưng cũng chẳng biết giúp con chọn sách gì khi sự cân bằng tối thiếu của sách nội và ngoại là không có.

Văn học thiếu nhi Việt tới nay thì hiện tượng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bám đề tài và bám được vào đời sống của các em là một điển hình đáng được các nhà nghiên cứu nghiên cứu kỹ, giúp cho các nhà văn đương đại tiếp cận với đề tài sâu hơn.

Có bột mới gột nên hồ

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến văn học thiếu nhi vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng bởi nhà văn viết cho thiếu nhi đã và đang mai một rất nhiều. Hiện nay, để có được một tác phẩm văn học hay đã là khó, văn học cho thiếu nhi lại càng khó hơn. Bởi muốn viết cho thiếu nhi, người viết phải có tâm trạng, tình cảm, năng khiếu.

Trong khi đó nhiều nhà văn trưởng thành từ việc viết văn cho người lớn nên cũng ít khi nghĩ đến việc viết cho trẻ em. Có lẽ vì thế mà tâm thế để viết cho thiếu nhi cũng không có nên không thể phủ nhận trong các lý do thiếu sách cho thiếu nhi vừa qua thì quả thật lỗi của nhà văn là chính.

Ở một khía cạnh khác, các nhà văn cũng chia sẻ để viết sách cho thiếu nhi không cứ chỉ nhà văn mới làm được mà bất kỳ ai có năng khiếu cũng đều có thể làm. Vì thế, giờ đây muốn có nhiều tác phẩm văn học hay cho thiếu nhi thì những nhà văn có năng khiếu phải là người đi tiên phong.

Đặc biệt, Nhà nước phải có chính sách bồi dưỡng nhà văn, cho đi thâm nhập vào các nhà trẻ, trường học, nếu không có đến 1.000 nhà văn hoặc nhiều hơn nữa nhưng không hiểu trẻ thì không thể viết được.

Như vậy, muốn có tác phẩm hay về thiếu nhi thì cần có biện pháp giúp các nhà văn gần gũi, sống cùng các cháu. Các nhà văn viết cho thiếu nhi trên thế giới hiện nay cũng mắc chung yếu điểm này, nhưng họ thoát ra được khỏi bế tắc vì họ dám tự nhìn lại mình nghiêm túc. Văn học viết về khoa học viễn tưởng luôn luôn kích thích sức sáng tạo của các nhà văn. Đồng thời, nó cũng làm thui chột những giấc mơ hão huyền, không thực tế.

Câu chuyện làm sao để viết hay hấp dẫn được đối tượng thiếu nhi dường như thời gian qua vẫn là câu chuyện của muôn đời. Và như nhiều nhà văn đã chỉ ra, viết về đối tượng nào thì phải tìm hiểu khám phá vào đời sống của đối tượng ấy. Viết cho thiếu nhi không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ, bởi xét cho cùng thì không phải ai yêu trẻ con cũng có thể chơi được với trẻ con, hiểu trẻ con, sống chung với các em. Viết văn để thu hút được người đọc đã khó, lấy được sự quan tâm của trẻ thì cũng là cả một nghệ thuật.

Một yếu tố khác mà các nhà văn khi đề cập tới vấn đề văn học thiếu nhi cũng chỉ ra: viết cho thiếu nhi không phải là lĩnh vực quá khó, nhưng thực sự muốn làm được thì người viết phải có tài năng. Tài năng mới là vấn đề quyết định. Cùng đó, mấy năm nay đội ngũ viết cho thiếu nhi không giảm, nhưng in ở đâu mới là vấn đề...

Từ thực trạng văn học thiếu nhi hiện nay cho thấy, cần thiết phải quy hoạch lại, phải có sự liên kết với các NXB. Bên cạnh đó, cùng với việc Hội Nhà văn VN khôi phục lại Ban Văn học thiếu nhi thì các nhà văn cũng cần có trách nhiệm quan tâm tự đổi mới mình để cho ra những tác phẩm có chất lượng, nuôi dưỡng tốt tâm hồn thiếu nhi Việt.

Văn học thiếu nhi cần phản ánh được cuộc sống, tâm hồn của trẻ. Nếu nhà văn, những người viết nên tác phẩm tinh thần cho trẻ mà không hiểu trẻ thì khó để cho ra tác phẩm có chất lượng. Khi tác phẩm thiếu nhi bị chín ép, “đẻ cố” thì khó lòng được trẻ đón nhận. Với mỗi nhà văn khi đặt bút viết cho thiếu nhi cần tìm hiểu trẻ thích đọc gì? Cái gì phù hợp với lứa tuổi?...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/van-hoc-thieu-nhi-thieu-hut-toi-bao-gio-3588349-b.html