Vẫn “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao

(HNM) - Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoạt động khiến lao động thất nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, trên thực tế lại vẫn đang tồn tại tình trạng nhiều doanh nghiệp không tuyển đủ lao động đáp ứng yêu cầu chuyên môn vào các vị trí quan trọng.

Ngày hội việc làm do Báo Lao động Thủ đô tổ chức đã tạo cơ hội tìm kiếm công việc phù hợp cho hàng nghìn lao động. Ảnh: Phạm Diệp

"Đỏ mắt" tìm người

Tham gia tuyển lao động tại Ngày hội việc làm Báo Lao động Thủ đô vừa diễn ra tại quận Hai Bà Trưng tháng 9-2013, Công ty cổ phần Kho vận và Dịch vụ thương mại (Vinatranco) đưa ra thông tin cần tuyển 15 lao động vào vị trí kinh doanh lĩnh vực dầu công nghiệp. Chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ phụ trách nhân sự của công ty cho biết: "Trước khi đến với Ngày hội việc làm của Báo Lao động Thủ đô, chúng tôi đã tham gia tuyển nhân sự tại Trung tâm Giới thiệu việc làm của Sở LĐ-TB&XH nhưng không tuyển được người nào. Tại phiên giao dịch lần này, công ty chúng tôi cũng không tuyển đủ người mặc dù mức lương khởi điểm của chúng tôi đưa ra là 5 triệu đồng, chưa kể thưởng". Lý do công ty không tuyển đủ người là các ứng viên chưa đáp ứng được yêu cầu của công ty như trình độ đại học, thành thạo tiếng Anh, có khả năng đi công tác xa.

Tương tự vậy, Tập đoàn Hoa Sao có nhu cầu tuyển dụng vị trí Giám đốc truyền thông nhưng sau nhiều lần đăng tin tuyển dụng và tham gia các phiên giao dịch việc làm của thành phố, tập đoàn vẫn chưa tìm được người phù hợp. Yêu cầu mà Tập đoàn Hoa Sao đưa ra là ngoài yếu tố chuyên môn, ứng viên phải tổ chức hoạt động marketing và truyền thông hằng năm nhằm quảng bá thương hiệu, hình ảnh của tập đoàn; tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra cho ban giám đốc chiến lược, kế hoạch thị trường trong ngành; có tư duy chiến lược, năng lực định hướng, khả năng tạo đột phá; có kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện truyền thông, hội nghị khách hàng quy mô lớn, cao cấp… "Tập đoàn đang trong giai đoạn cần mở rộng thị trường nên rất cần người đủ năng lực đảm nhận trọng trách. Chúng tôi sẵn sàng "trải thảm đỏ" để kêu gọi nhân tài nhưng đến nay vẫn chưa tìm được người thích hợp" - Chị Nguyễn Thị Hương Giang, Giám đốc nhân sự của Tập đoàn Hoa Sao lo ngại.

Nhiều nhà tuyển dụng cho biết, dù doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi khó khăn và có xu hướng cắt giảm nhân sự, nhưng tình hình càng khó thì doanh nghiệp càng cần người tài vào các vị trí điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn khi tuyển nhân sự cấp cao vì nguồn cung lao động không đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng. Các vị trí mà doanh nghiệp cần như giám đốc điều hành, phó giám đốc, trưởng phòng kinh doanh… thậm chí không có người tham gia tuyển dụng. Để giải quyết tình trạng trên, rất nhiều doanh nghiệp chọn cách mời người nước ngoài vào vị trí quản lý ngắn hạn làm giải pháp tình thế.

Cần giải pháp căn cơ

Theo mức tăng trưởng dân số, dự kiến đến năm 2020, trung bình mỗi năm nước ta có thêm 700.000 lao động, gây sức ép về việc làm và tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ về chất lượng nguồn nhân lực được cơ quan chức năng đưa ra là hiện tại có đến 58% lao động không có chuyên môn kỹ thuật. Người lao động thường chỉ có sức lực, kinh nghiệm mà còn thiếu kỹ năng, trình độ được đào tạo bài bản. Nguyên nhân sự "lệch pha" giữa cung - cầu lao động còn ở chỗ người học nghề chưa định hướng đúng về nghề nghiệp và việc làm. Nhiều người trẻ chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Đặc biệt, ngoại ngữ và kỹ năng là những yêu cầu rất thiết thực từ phía nhà tuyển dụng nhưng rất đông sinh viên chưa đáp ứng được. Đó là chưa kể một số ngành hiện nay đang khủng hoảng thừa như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán…

Trưởng phòng Lao động việc làm Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Phạm Văn Thanh cho rằng, thực chất về vấn đề cung - cầu lao động chưa gặp nhau như phản ánh của rất nhiều doanh nghiệp chủ yếu do nguồn cung đến phiên giao dịch việc làm phần lớn là lao động trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng mềm, đào tạo chưa gắn liền với công việc tại doanh nghiệp, vì vậy, hiệu quả tuyển dụng lao động qua sàn giao dịch việc làm có hạn chế. Còn lao động có trình độ cao, thường có quan điểm có thể tìm việc ở website, trực tiếp đến gặp chủ lao động chứ không hoặc ít đến sàn giao dịch. Ngay đối với Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, tỷ lệ kết nối cung - cầu lao động chỉ đạt 20 - 25%, thời điểm cao là 30%. Điểm quan trọng nữa là người lao động cũng có nhiều sự đòi hỏi nhất định; đôi khi nhiều lao động có ảo tưởng về nghề nghiệp, việc làm hiện có, đòi hỏi mức lương, đãi ngộ tương đối cao. Để giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp và cung cấp đủ lao động cho các doanh nghiệp, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó nhất thiết phải đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội. Mặt khác, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật để các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn khi đầu tư các dự án lớn phải báo cáo, dự kiến nhu cầu nhân lực và có kế hoạch chuẩn bị.

Để hạn chế tình trạng "khát" nhu cầu lao động chất lượng cao, cần có sự chung tay góp sức, sự liên kết của cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và sự quan tâm của toàn xã hội. Có như vậy, người lao động và doanh nghiệp mới "gặp" được nhau khiến tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất và ổn định cuộc sống cho người lao động.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/635887/van-khat-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao