Vẫn khó cổ phần hóa ông lớn?

Trong 8 tháng năm 2016, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đạt được mục tiêu về số lượng, tuy nhiên chất lượng của việc CPH và hiệu quả đổi mới quản trị DN sau quá trình này vẫn chưa được như kỳ vọng.

8 tháng thoái vốn 3.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) tính đến ngày 20-8, cả nước đã CPH được 48 DN, với tổng giá trị thực tế 31.905 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN 23.280 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt 23.019 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.092 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.473 tỷ đồng, bán cho người lao động 342 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 6,7 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai 4.103 tỷ đồng. Về thoái vốn tại DN, các đơn vị đã thoái được 2.921 tỷ đồng, thu về 5.767 tỷ đồng, trong đó các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng - tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư) đã thoái được 381 tỷ đồng, thu về 424 tỷ đồng. Còn lại là DN có vốn đầu tư ngoài lĩnh vực nhạy cảm đã thoái 1.261 tỷ đồng, thu về 1.968 tỷ đồng. Đặc biệt, TCT Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bán 1.277 tỷ đồng, thu về 3.374 tỷ đồng.

Chất lượng CPH DNNN vẫn chưa đảm bảo yêu cầu. Việc chuyển đổi thực sự từ phương thức quản lý DNNN sang DN cổ phần theo kinh tế thị trường cũng chưa đạt yêu cầu. Bởi lẽ, trong quá trình CPH DNNN có DN mới chỉ bán được khoảng vài ba phần trăm cổ phần, như thế chưa thể nói đã thực sự được CPH.

Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính

Đánh giá về số lượng DNNN CPH trong 8 tháng, đại diện Cục Tài chính DN cho biết số lượng DN thực hiện CPH, sắp xếp đạt kế hoạch theo đề án tái cơ cấu được duyệt. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào 5 lĩnh vực nhạy cảm được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng số DNNN được CPH đúng nghĩa còn hạn chế, chủ yếu vẫn là DNNN có quy mô không lớn. Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, cũng thừa nhận việc CPH hiện nay chủ yếu còn lại là các DN lớn. Lượng tài sản lớn, cấu trúc tài sản phức tạp khiến việc hoàn tất các khâu chuẩn bị cho tiến hành IPO của các DN lớn khá mất thời gian. Điển hình TĐ Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) có quy mô vốn chủ sở hữu lên đến 40.000 tỷ đồng, 25 đơn vị thành viên và nhiều dự án bất động sản là đất đai; TCT Máy Động lực và máy nông nghiệp có vốn chủ sở hữu 5.506 tỷ đồng, với 22 đơn vị thành viên; MobiFone có vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng; TCT Tư vấn xây dựng Việt Nam với vốn điều lệ 357,7 tỷ đồng…. cũng đang vừa phải triển khai phương án CPH vừa phải xử lý các vướng mắc, nhất là vấn đề tài chính để hoàn thành CPH trong năm nay.

Thoái vốn ở các DN lớn đang là trở ngại đối với việc đẩy nhanh tiến độ CPH. Theo lộ trình giai đoạn 2011-2015, sau khi bán cổ phần lần đầu, số DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ 196 DN (chiếm 60% số DN đã bán cổ phần); đặc biệt có tới 55 DN (chiếm 17% số DN đã bán cổ phần) có số vốn Nhà nước nắm giữ trên 90% vốn điều lệ. Điều này làm giảm mức độ hấp dẫn tham gia của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp và là rào cản của quá trình thay đổi nền tảng quản trị. Cụ thể, trường hợp của TCT Lắp máy Việt Nam (Lilama) Nhà nước vẫn đang nắm tới 90% vốn tại đơn vị này, trong khi một số nhà đầu tư muốn sở hữu tỷ lệ cao hơn. “Việc cơ quan chức năng muốn nắm giữ tỷ lệ cao đã làm mất cơ hội CPH. Với từng phương án, nếu không tính đến hiệu quả của việc thay đổi, cơ hội phát triển cho DN dẫn tới phương án CPH không hiệu quả và sau CPH không thay đổi gì. Điều quan trọng là chất lượng phương án CPH” - ông Tiến nhận định.

Cần kiểm toán trước khi CPH

Với thực trạng như hiện nay, để tiếp tục mạnh mẽ hơn, thực chất hơn quá trình tái cơ cấu, CPH DNNN giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký văn bản về việc CPH DNNN quy mô lớn. Với mục đích nâng cao tính chặt chẽ trong việc CPH DN 100% vốn nhà nước và DN do các TĐ kinh tế nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có quy mô lớn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các DN (bao gồm DN 100% vốn nhà nước, DN do các TĐ kinh tế nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) có mức vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng thực hiện CPH nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH phải được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá DN theo quy định tại Điều 27 Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18-7-2011 của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành CTCP và Khoản 4 Điều 1 Nghị định 189/2013/NĐ-CP ngày 20-11-2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2011/NĐ-CP.

Ảnh minh họa.

Các trường hợp cần thiết khác không phân biệt quy mô vốn chủ sở hữu, Thủ tướng Chính phủ đề nghị KTNN thực hiện kiểm toán theo quy định của Luật KTNN. Trước ngày 15-9-2016, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các trường hợp thí điểm thuê các công ty kiểm toán, tư vấn định giá quốc tế đã hoạt động ở Việt Nam, thực hiện xác định giá trị DN, giá khởi điểm và sử dụng kết quả này thực hiện chào bán cổ phần ra quốc tế. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc kiểm toán kết quả định giá DN sẽ góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm, có ý nghĩa rất lớn trong việc minh bạch hóa trong quá trình thực hiện CPH DNNN.

Theo nhận định nếu lộ trình thoái vốn được đưa ra phù hợp, tổng số tiền có thể thu về qua việc thoái vốn tại 12 DN trong đó có 10 DN thuộc danh mục quản lý của SCIC lên đến khoảng 7,2 tỷ USD. Đây sẽ là nguồn thu rất lớn trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay. Trước đó, tại cuộc họp với các bộ, ngành về chủ trương bán vốn nhà nước tại DN được Chính phủ tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tiếp tục bán vốn tại TCT Habeco và Sabeco và bán cổ phần của SCIC tại 10 DN. Thủ tướng cũng chỉ rõ, khi bán cổ phần tại các DN này, phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong nước và nước ngoài, giá trị quyền sử dụng đất tính riêng. Đồng thời, có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, Vinamilk sau khi bán vốn nhà nước.

Gia Song

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160907/van-kho-co-phan-hoa-ong-lon.aspx