Văn miếu Xích Đằng – biểu tượng tinh thần hiếu học của người Hưng Yên

Nằm trong quần thể di tích Phố Hiến, Văn miếu Xích Đằng được khởi dựng từ cuối thời Lê ( Thế kỷ XVII – khoảng năm 1701), là biểu tượng cho nền văn hiến và tinh thần hiếu học có truyền thống lâu đời của người Hưng Yên.

Văn miếu Xích Đằng (Văn miếu Hưng Yên) tọa lạc tại địa phận thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên.

Văn miếu Xích Đằng được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 20 (năm 1839) trên nền móng ngôi chùa cổ Nguyệt Đường. Tương truyền, chùa có 36 nóc do Hương Hải Thiền Sư khởi dựng năm 1701. Xét về quy mô, giá trị kiến trúc và các di vật còn lưu giữ được đây là một trong sáu Văn miếu còn tồn tại cho đến ngày nay trên cả nước.

Tam quan Văn Miếu được xây dựng theo kiến trúc chồng diêm, hai tầng tám mái có lầu gác là nơi “thưởng nguyêt - bình văn”cho các sĩ tử khi xưa. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc vẫn giữ nguyên vẹn từ khi xây dựng và còn được lấy làm biểu tượng tỉnh Hưng Yên.

Trong quy hoạch tổng thể khuôn viên Văn miếu Hưng Yên được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích gần 6ha bao gồm khu Văn miếu, khu chùa Nguyệt Đường, khu văn hóa khuyến học, dinh Hoàng Cao Khải, đền thờ Lạc Long Quân, phòng trưng bày truyền thống…

Qua Tam quan sẽ tới sân Văn miếu và tòa chính. Khoảng sân này có đường thập đạo thể hiện ý nghĩa về “Thập nghĩa” trong Nho giáo; là nơi diễn ra các kì thi hương.

Hai chiếc chuông và khánh tại Văn miếu là những di vật cổ được đúc và tạo dựng từ thế kỷ XVIII. Tiếng chuông, tiếng khánh được sử dụng trong các kì thi báo hiệu giờ thi bắt đầu và kết thúc. Ngày nay, vào mỗi dịp quan trọng của tỉnh nó cũng được vang lên để tỏ lòng biết ơn, tri ân tới các bậc hiền tài.

Chuông đồng tại Văn miếu được đúc năm Gia Long thứ 3 (1804)

Khánh đá có niên đại 1803

Hai dãy Tả vu và Hữu vu trước dành cho các quan viên tạo soạn, chuẩn bị trang phục trước khi vào lễ thánh. Nay là phòng trưng bày, giới thiệu những hình ảnh tài liệu về nền giáo dục Hưng yên xưa và nay.

Hiện vật quý giá nhất trong Văn miếu còn được lưu giữ đến ngày nay là 9 tấm bia đá ghi danh 161 vị đại khoa trong tổng số 228 vị khoa bảng của tỉnh, từ thời Trần đến thời Nguyễn thuộc trấn Sơn Nam xưa (tỉnh Hưng Yên có 138 vị, Thái Bình có 23 vị). 8 tấm bia dựng năm Đồng Khánh thứ ba (1888), 1 tấm dựng năm Bảo Đại thứ 18 (1943).

Bia đá – nơi ghi danh các bậc hiền tài

Cửa chính điện là bàn thờ thầy giáo Chu Văn An (1292-1370) – nhà sư phạm tài năng đức độ thời Trần.

Phía sau là ban thờ Khổng Tử (551-479 TCN)- người sáng lập ra Nho giáo và các chư hiền của Nho gia.

Ngày nay, Văn miếu Xích Đằng trở thành trung tâm giáo dục thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo”. Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, các ngày mồng 4 và mồng 5 tháng giêng nơi đây lại diễn ra các hoạt động văn hóa như: tế lễ, dâng hương, triển lãm thư pháp, hát ca trù, cho chữ thánh hiền…. Văn miếu Xích Đằng là biểu tượng cho tinh thần hiếu học của tỉnh Hưng Yên, là một trong những điểm văn hóa du lịch tâm linh thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách khi đến với Phố Hiến – Hưng Yên.

Khánh Hòa

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/van-mieu-xich-dang-bieu-tuong-tinh-than-hieu-hoc-cua-nguoi-hung-yen.html